Trung Quốc gia tăng sự hiện diện ở Nam Á

ANTĐ - Trung Quốc đang ráo riết triển khai dự án đầu tư trị giá 46 tỷ USD nhằm xây dựng một hành lang kinh tế với Pakistan, từ đó mở rộng hoạt động thương mại và vận tải đến khắp Trung và Nam Á, rút ngắn quãng đường nhập khẩu dầu từ châu Phi và Trung Đông. 

Trung Quốc gia tăng sự hiện diện ở Nam Á ảnh 1Trung Quốc nỗ lực mở đường xuyên qua Pakistan
để rút ngắn đường xuất nhập khẩu hàng hóa  

Tiết kiệm thời gian vận chuyển

Hôm 11-11, Pakistan đã tổ chức lễ bàn giao đất để Trung Quốc xây dựng cảng biển Gwadar ở biển Arập của Pakistan. Theo kế hoạch, khu vực cảng này sẽ được xây dựng thêm nhà máy, kho hàng phục vụ xuất-nhập khẩu. Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch kết nối cảng biển này với khu tự trị Tân Cương bằng hệ thống đường bộ, đường sắt và đường ống dẫn. Dự án sẽ giúp Bắc Kinh rút ngắn quãng đường nhập khẩu dầu và khí đốt của Trung Quốc từ châu Phi và Trung Đông.

Trước đó, hồi tháng 4 năm nay, Trung Quốc đã khởi động dự án đầu tư trị giá 46 tỷ USD nhằm xây dựng một hành lang kinh tế nối từ cảng nước sâu Gwadar tới vùng Tân Cương phía tây Trung Quốc. Nếu cảng biển Gwadar ở Baluchistan là điểm cuối để đón hàng xuất nhập khẩu với thị trường châu Phi, Trung Đông và châu Âu thì điểm đầu của nó là đường cao tốc Karakorum nối biên giới phía bắc Pakistan với Trung Quốc. 

Từ đầu đường cao tốc nằm trên một trong những đường biên giới cao nhất và nguy hiểm nhất thế giới này, xe tải chở hàng hóa Trung Quốc vượt qua quãng đường hơn 2.000km tới cảng biển Gwadar. Với con đường này Trung Quốc kỳ vọng sẽ tái tạo con đường tơ lụa cũ vốn từng kết nối giao thương giữa châu Á với Trung Đông trong nhiều thế kỷ. Trên những đoạn đường vượt qua núi, sông băng và hẻm núi đá này, người lái xe có thể nhận ra một số đường mòn mà các thương nhân từ thế kỷ 15 đã đi qua. 

Nếu Trung Quốc khai thác hiệu quả việc xuất khẩu hàng hóa qua tuyến đường này thay vì tuyến Biển Đông, họ sẽ tiết kiệm được thời gian vận chuyển tới một số thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. 

Còn nhiều băn khoăn

Tuy nhiên, khó khăn trước mắt chính là tình trạng thiếu điện trầm trọng ở Pakistan, vì thế, Trung Quốc đã ký hợp tác với Pakistan trong 18 dự án năng lượng mới. Còn với Pakistan, để cải thiện cán cân thương mại, họ xuất sang Trung Quốc chủ yếu các loại thảo mộc, hàng dệt may, đá quý và thịt bò Tây Tạng.

Ông Mã Gia Lực ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược của Diễn đàn Cải cách Trung Quốc tại Bắc Kinh cho rằng, các tuyến đường giao thông nối với Pakistan sẽ cho phép Trung Quốc mở rộng kinh tế ở Tân Cương, nơi nổi lên những cuộc bạo loạn của người Duy Ngô Nhĩ vài năm gần đây. Chiến lược đầu tư này có thể dẫn đến bùng nổ việc làm trong khu vực, kiềm chế sự phát triển của mầm mống Hồi giáo cực đoan. Nhưng trên hết, quan điểm của Trung Quốc không chỉ là chiến lược “địa chính trị” mà còn là “địa kinh tế”. “Theo triết lý của Trung Quốc, nếu muốn đạt được mục tiêu, phải có cách tiếp cận toàn diện về chính trị, kinh tế, quân sự và xã hội”, chuyên gia Mã Gia Lực nói.

Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương có thể gia tăng quan ngại cho Ấn Độ cũng như các nước khác hoạt động ở khu vực này. Ngoài ra, mặc dù chứng kiến những đổi thay lớn nhưng nhiều người dân Pakistan không khỏi băn khoăn. Trước đây, nhiều mỏ khoáng sản lớn và cánh rừng khai thác gỗ ở miền Nam Pakistan đã bị doanh nhân và quan chức lợi dụng khai thác hết.

Ghulam Hassan, 32 tuổi, người khai thác đá quý bày tỏ: “Rồi chúng tôi sẽ chẳng nhận được gì đâu. Họ sẽ đưa những viên đá quý vào container xuống biển Arập hay đưa đến Trung Quốc để đánh bóng rồi bán ở đó”. Còn những cư dân ở Gilgit-Baltisan, nơi có cảnh quan tuyệt vời với 5 trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới lại lo về ô nhiễm và giao thông. “Không cẩn thận con cái chúng ta sẽ phải đi thu gom rác thải từ các xe tải qua đây”, ông Sahib Noor, một nông dân ở Karimabad, ở thung lũng Hunza nói.