Tổng thống Putin thăm Trung Quốc: Thành công nhưng chưa đạt kì vọng

ANTĐ - Chuyến công du của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Trung Quốc đã được đánh dấu bằng việc kí kết của một loạt thoả thuận vào hôm 3-9, tuy nhiên vẫn chưa hoàn thành được các hợp đồng cung cấp vốn đầu tư cho nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng.

Việc bị cô lập bởi phương Tây vì vấn đề Ukraine đã khiến Moscow tìm cách thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, nhằm tiếp cận được nguồn vốn đầu tư mới, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do giá dầu sụt giảm và đồng ruble mất giá.

Đi cùng ông Putin là một đoàn đại biểu cấp cao cùng đến dự lễ duyệt binh kỉ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II. Tổng thống Nga đã có cuộc gặp riêng với người đồng cấp Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Hợp tác Nga - Trung Quốc bị ảnh hưởng do kinh tế 2 nước đều đang có vấn đề nhất định

Nhìn chung, chuyến công du này đã đạt được rất nhiều thoả thuận giữa 2 nước từ lĩnh vực ngân hàng cho đến viễn thông. Theo một trợ lí thân cận của ông Putin, các thoả thuận mới kí kết có giá trị tiềm năng khoảng 30 tỉ USD.

Tuy nhiên, những dự án xây dựng chung của Nga và Trung Quốc có tổng trị giá khoảng 113 tỉ USD vẫn đang bị trì hoãn trong lần gặp mặt này của các lãnh đạo.

Novatek, công ty tư nhân sản xuất khí đốt và dầu lửa lớn nhất nước Nga, đã không thể thuyết phục được Trung Quốc giúp đỡ về tài chính trong dự án khí hoá lỏng Yamal trị giá 27 tỉ USD.

Được đồng sở hữu bởi tỉ phú Gennady Timchenko, người có quan hệ mật thiết với ông Putin, Novatek đã mất đi nguồn tài chính hỗ trợ từ phương Tây sau khi ông Timchenko nằm trong diện trừng phạt của Mỹ.

Ông Timchenko từng cho biết, Trung Quốc sẽ hỗ trợ khoảng 20 tỉ USD cho dự án này, tuy nhiên, nhiều khả năng khoản tiền này sẽ rút lại còn khoảng 15 tỉ USD.

Ngoài ra, cũng không có gì đáng kể cho tập đoàn khí đốt Gazprom, vốn đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư của Bắc Kinh cho dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt đến Trung Quốc đi qua vùng Altai của Nga. Giám đốc điều hành Alexei Miller của Gazprom cho biết, ông hy vọng sẽ kí được thoả thuận chính thức vào đầu năm 2016.

Các nhà phân tích cho rằng, việc giá dầu giảm mạnh, đồng ruble mất giá, cũng như nền kinh tế Trung Quốc gặp vấn đề chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều dự án giữa 2 nước có thể bị đình trệ vô thời hạn.