Tổng thống Brazil đối mặt nguy cơ bị phế truất

ANTĐ - Tình tiết xung quanh vụ luận tội Tổng thống Brazil - Dilma Rousseff về trách nhiệm của nhà lãnh đạo này liên quan tới kết quả kiểm toán chi tiêu năm 2014 đã trở nên phức tạp hơn khi có những đồn đoán rằng bà Rouseff sẽ bị đồng minh then chốt bỏ rơi, qua đó làm gia tăng nguy cơ nhà lãnh đạo này sẽ bị phế truất.

O

Tổng thống Brazil đối mặt nguy cơ bị phế truất ảnh 1

Khó khăn chồng chất

Nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil, một nhân vật cánh tả ôn hòa, hiện đang bị cáo buộc liên quan tới những động thái chi tiêu ngân sách bất hợp pháp, song bà cho rằng những việc này đã được các Chính phủ trước chấp thuận từ lâu. Bà Rousseff gọi nỗ lực hạ bệ bà là “đảo chính”. Hồi cuối tháng 9, Tòa Kiểm toán chi tiêu (TCU) Brazil kết luận Chính phủ đã vi phạm Luật Cấm chuyển tiền của các ngân hàng cho các chương trình phúc lợi xã hội. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1890 khi TCU ra đời, cơ quan này không thông qua kiểm toán chi tiêu tài chính của Chính phủ.

TCU cho rằng có điều bất thường trong các khoản chi tiêu tài chính của năm 2014, điều tương tự cũng từng xảy ra với các Chính phủ trước nhưng chưa bị luận tội. Chính phủ Brazil đã bác bỏ quyết định trên vì cho rằng việc xem xét hình sự hóa các khoản chi cho các chương trình phúc lợi xã hội phục vụ nhân dân như trợ cấp thực phẩm và xây nhà cho người nghèo mang tên “Bolsa Familia” và “Mi Casa Mi Vida” là không phù hợp. Giờ đây phe đối lập tại Quốc hội đã tận dụng triệt để kết luận của TCU để thúc đẩy việc tổ chức một tòa án chính trị hòng luận tội “thiếu trách nhiệm tài chính” của Tổng thống Rousseff.

Theo quy trình, Ủy ban đặc biệt bao gồm các Nghị sĩ của Hạ viện thuộc tất cả các đảng trong thành phần Quốc hội sẽ xem xét đề xuất luận tội Tổng thống. Nếu ủy ban này thông qua, tất cả các Nghị sĩ ở Hạ viện sẽ phải bỏ phiếu. Trong trường hợp 342 trong tổng số 513 Nghị sĩ ở Hạ viện thông qua, ngay lập tức bà Rousseff, người hiện chỉ giành được 10% số phiếu tín nhiệm, sẽ buộc phải rời ghế Tổng thống trong 180 ngày để Thượng viện xét xử vụ việc.

Hiện liên minh cầm quyền chỉ chiếm 274 ghế tại Hạ viện. Tại Thượng viện, trong trường hợp 2/3 số Nghị sĩ đồng ý quy trách nhiệm chính trị cho bà Rousseff (54 trên tổng số 81 người), thì nữ Tổng thống này sẽ bị bãi nhiệm. Lúc đó, Phó Tổng thống Temer sẽ thay vào vị trí Tổng thống cho tới cuộc tổng tuyển cử năm 2018.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Rousseff đã nhận thêm tin xấu khi Phó Tổng thống Michel Temer, lãnh đạo Đảng Phong trào Dân chủ (PMDB) - đối tác liên minh chính với Đảng Lao động cánh tả của bà Rousseff, đã bóng gió nói rằng ông sẽ tham gia nỗ lực thúc đẩy tiến trình luận tội bà. Nếu bị ông Temer bỏ rơi, Tổng thống Roussef sẽ khó khăn hơn trong việc giành được 1/3 số phiếu trong Quốc hội để tránh không bị luận tội. 

Phao cứu sinh tạm thời

Trong tình thế khó khăn, bà Rousseff đã bất ngờ nhận được chiếc phao cứu sinh khi Tòa án Tối cao Brazil can thiệp để làm cho toàn bộ quá trình xét xử chậm lại. Ngày 8-12, Tòa án Tối cao đã có một động thái can thiệp mạnh khi ra lệnh đình chỉ hoạt động của một Ủy ban thuộc Quốc hội hiện đang xem xét tiến trình luận tội Tổng thống Rousseff. Việc đình chỉ này được đưa ra theo yêu cầu từ các đồng minh của bà Rousseff, theo đó cho rằng phe đối lập đã thực hiện việc bỏ phiếu kín bất hợp pháp - chứ không phải công khai như thông lệ - khi lựa chọn người vào Ủy ban này với mục đích sắp xếp một tổ chức gồm những người phản đối bà Rousseff.

Ủy ban này có nhiệm vụ đưa ra một khuyến nghị không bắt buộc để định hướng cho việc bỏ phiếu luận tội chính thức tại Hạ viện và Thượng viện về số phận của Tổng thống. Tòa án Tối cao sẽ xem xét lại quy trình luận tội vào ngày 16-12 tới, song không chắc sẽ ngừng được toàn bộ quá trình này.

Với bà Rousseff, quyết định của Tòa án Tối cao đình chỉ Ủy ban đặc biệt của Quốc hội có trách nhiệm xem xét tiến trình luận tội đương kim Tổng thống đã đem lại cơ hội tạm nghỉ hết sức cần thiết bởi bà đang cố gắng tránh để bị cách chức khi lãnh đạo quốc gia lớn nhất khu vực Mỹ Latin này chưa được một năm của nhiệm kỳ thứ hai. Trong khi đó, địch thủ chính của bà Rousseff - Chủ tịch Hạ viên Eduardo Cunha cũng đang phải cố gắng cứu vãn sự nghiệp của mình. Cunha, thuộc cánh công khai phản đối bà Rousseff trong PMDB, là “kiến trúc sư” của chiến dịch luận tội Tổng thống và cũng là người giám sát cuộc họp thành lập Ủy ban gây tranh cãi nói trên.

Song trong bối cảnh tham nhũng đang gặm nhấm giới chức Brazil, bản thân ông Cunha cũng đang đối mặt với cáo buộc tham nhũng rằng ông đã nhận hối lộ hàng triệu USD liên quan tới hoạt động của Tạp đoàn Dầu khí Petrobras và tiền của ông này đang nằm trong các tài khoản ở ngân hàng Thụy Sỹ. Giới phân tích cho rằng việc luận tội Tổng thống phần nào có liên quan tới việc ông Cunha nỗ lực làm sao lãng những chú ý tới vụ việc của mình và đảm bảo duy trì ảnh hưởng của ông với tư cách Chủ tịch Hạ viện. Trong khi đó, trang mạng “Congresso em Foco” ngày 9-12 cho biết, bản thân 1/3 số thành viên được bầu vào Ủy ban luận tội Tổng thống cũng đang phải đối mặt với các cuộc điều tra hoặc xét xử.

Sự rối loạn đang gây nên sự tức giận trên đất nước Nam Mỹ có 204 triệu dân này, nơi Đảng Lao động của bà Rousseff đã nắm quyền từ năm 2003 với sự trợ giúp của PMDB. Sự bất ổn chính trị cũng làm tăng thêm tình trạng kinh tế hỗn loạn, với GDP quý 3 giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và giá trị đồng tiền quốc gia giảm 1/3 so với đồng đôla Mỹ trong năm nay. Dấu hiệu mới nhất cho thấy tình trạng kinh tế buồn thảm là việc Chính phủ công bố chỉ số lạm phát tháng 11 lên tới 10,48% - mức cao nhất trong vòng 12 năm.