"Tối hậu thư" cho Thủ tướng Merkel

ANTĐ - Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Nhưng chính sách mở cửa đối với những người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Syria, Iraq và Afghanistan đang là thách thức lớn nhất đối với sự lãnh đạo của bà kể từ khi trở thành Thủ tướng Đức vào năm 2005. 

"Tối hậu thư" cho Thủ tướng Merkel ảnh 1

Thách thức này lớn tới mức Thủ tướng Merkel đang mất dần sự ủng hộ từ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà, trong khi Đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) trong liên minh cầm quyền liên tục yêu cầu bà hạn chế số lượng người tị nạn được phép vào Đức. Mới đây, Thủ tướng Merkel đã nhận được bức thư ngỏ dày 5 trang gồm khoảng 40 chữ ký của các nghị sỹ hai đảng này yêu cầu bà phải thay đổi chính sách với người tị nạn hiện nay. Các Nghị sỹ đề nghị bà Merkel trả lời trong vòng 1 tuần sau khi nhận được bức thư ngỏ này. Theo thư ngỏ, con số thực tế thậm chí còn cao hơn, với khoảng 100 nghị sỹ, tức chiếm gần 1/3 số nghị sỹ của CDU/CSU trong Quốc hội Đức yêu cầu bà Merkel thay đổi chính sách với người tị nạn. 

Trong khi đó, tại châu Âu, số phận những người tìm kiếm “miền đất hứa” trở nên mù mịt hơn khi nhiều nước khép dần biên giới. Mới đây nhất, ngày 20-1, Áo tuyên bố tăng cường kiểm soát biên giới và hạn chế số người được tị nạn ở mức 1,5% dân số, kéo dài suốt 4 năm tới. Cảnh sát Slovenia cho biết, nước này cũng sẽ siết chặt biên giới phía Nam với Croatia trong trường hợp Áo (ở phía Bắc Slovenia) mạnh tay hơn trong việc hạn chế dòng người di cư. Trong khi đó, Serbia và Croatia tuyên bố chỉ cho người di cư qua biên giới 2 nước nếu chứng minh được nguyện vọng xin tị nạn chính đáng tại Áo hoặc Đức.

Như vậy, áp lực ở cả trong nước và châu Âu đối với Thủ tướng Merkel ngày một tăng. Tuy nhiên, bất chấp những lời chỉ trích, đến nay, bà Merkel vẫn kiên quyết giữ nguyên chính sách tiếp nhận người tị nạn, với khoảng 3.000 người vào Đức mỗi ngày, cũng như không đóng cửa biên giới của Đức. Bởi vì, nếu làm vậy, Thủ tướng Merkel sẽ đi ngược lại cam kết của bà về việc chào đón người tị nạn và duy trì mở cửa biên giới theo hệ thống đi lại tự do Schengen.