Tín hiệu "tan băng" Nga - Nato

ANTĐ - Nga và NATO sau gần 2 năm “tuyệt giao” bởi cuộc khủng hoảng Ukraine đã cùng xuống thang để ngồi lại đối thoại, song giữa 2 bên vẫn còn những bất hòa không dễ giải quyết trong một sớm một chiều.

Tín hiệu "tan băng" Nga - Nato ảnh 1

Dù nối lại đối thoại song giữa NATO và Nga vẫn còn nhiều bất đồng không dễ giải quyết

Hội đồng Nga - NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) đã nhóm họp trở lại ở cấp đại sứ ngày 20-4 tại trụ sở của liên minh quân sự này ở Thủ đô Brussels của Bỉ. Thế nhưng, ngay tại cuộc họp được xem là 1 tín hiệu đang dần làm “tan băng” trong mối quan hệ giữa 2 bên này, NATO và Nga cũng không ngần ngại bộc lộ những bất hòa lớn liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine và tương lai an ninh tại châu Âu.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngay sau cuộc gặp cho biết 2 bên đã xác nhận bất đồng về những gì đã và đang diễn ra tại Ukraine cũng như tình hình liên quan. Theo Tổng Thư ký Stoltenberg, các đồng minh NATO không công nhận Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3-2014, đồng thời bày tỏ quan ngại về vụ việc liên quan đến máy bay Nga bay sát tàu chiến Mỹ, trên biển Baltic hồi tuần trước.

Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko cũng thừa nhận không hề có bất kỳ sự cải thiện nào trong mối quan hệ giữa 2 bên khi NATO vẫn chưa giảm các hoạt động quân sự sát biên giới với Nga. Đại sứ Grushko cáo buộc, Mỹ tìm cách gây sức ép lên Matcơva bằng cách triển khai hồi tuần trước tại biển Baltic 1 tàu khu trục mang tên lửa gần Kaliningrad - lãnh thổ Nga nằm giữa Ba Lan và Latvia, nên Nga phải tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để phòng ngừa. 

Quan hệ giữa Nga và phương Tây nói chung, quan hệ Nga - NATO nói riêng, đã xuống tới mức thấp nhất sau chiến tranh bởi cuộc khủng hoảng Ukraine với đỉnh điểm là Nga sáp nhập Crimea. Việc NATO hủy bỏ các cuộc họp tham vấn của Hội đồng Nga – NATO - một cơ chế để 2 bên tham vấn và thỏa hiệp để cùng đưa ra quyết định chung về an ninh bắt đầu từ năm 2002 - đã làm “đóng băng” hợp tác giữa 2 bên.

Nếu như Nga là phía chịu nhiều thiệt hại hơn về kinh tế khi đình trệ hợp tác với phương Tây thì NATO lại là bên bị ảnh hưởng lớn hơn về mặt an ninh trong mối quan hệ “đóng băng”, đặc biệt là cuộc chiến chống khủng bố từ Afghanistan tới Trung Đông và hiện nay ở chính trong lòng châu Âu.

Trong khi đó, vai trò cùng sức mạnh và sự hiệu quả của Nga trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, khiến NATO càng thấy khó có thể thiếu vắng sự hợp tác của Matxcơva để ngăn chặn và đánh bại lực lượng khủng bố nguy hiểm nhất thế giới hiện nay.

Quan hệ xấu đi giữa Nga với NATO cũng như phương Tây làm tổn hại tới nhiều lợi ích của 2 bên nên càng kéo dài tình trạng hiện nay càng không có lợi và đó là “chất xúc tác” để Matcơva và NATO nối lại cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO sau 2 năm gián đoạn.

Tuy nhiên, dù cùng “xuống thang” để ngồi lại đối thoại nhằm mở đường cho việc nối lại những hợp tác cùng quan tâm và cùng có lợi, song giữa Nga và NATO vẫn còn các bất đồng, khác biệt quan điểm căn bản khó giải quyết trong thời gian trước mắt. Thế nhưng, việc nối lại đối thoại trong cơ chế Hội đồng Nga - NATO vẫn được xem là một tín hiệu tan băng tích cực.