Thỏa thuận lịch sử lại gây chia rẽ

ANTĐ - Dù được coi là bước ngoặt lịch sử nhưng thỏa thuận vừa đạt được giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) về chương trình hạt nhân của Tehran lại đang là chủ đề gây tranh cãi và chia rẽ trong dư luận.
Thỏa thuận lịch sử lại gây chia rẽ ảnh 1

Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran

Có thể nói sự ủng hộ thỏa thuận này là khá mạnh, ngay cả với các nước châu Âu vốn rất căng thẳng với chương trình hạt nhân của Iran. Phát biểu tại Berlin, Thủ tướng Đức 

A. Merkel cho rằng các bên đã tiến gần hơn tới mục tiêu không để Iran phát triển chương trình vũ khí nguyên tử cho mục đích quân sự. Còn Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) J. Stoltenberg thì hoan nghênh thoả thuận vừa đạt được và khẳng định văn kiện này một khi được triển khai đầy đủ sẽ giúp củng cố an ninh toàn cầu. 

Thực tế thì thỏa thuận là lựa chọn hợp lý với cả hai phía vì trong cuộc đối đầu này chẳng ai được lợi, trước hết là về mặt kinh tế. Nếu cuộc khủng hoảng kinh tế do lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây giáng mạnh vào Iran thì các nhà đầu tư của Mỹ và phương Tây cũng như nhiều nước khác cũng chịu thiệt hại không nhỏ khi không thể tiếp cận thị trường giàu tiềm năng như Iran, nhất là trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt. 

Chẳng thế mà vừa nghe tin thỏa thuận được ký kết, Tổng thống Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Al-Nahyan đã gửi thư chúc mừng tới Tổng thống Iran H. Rouhani và hy vọng UAE sẽ mở rộng quan hệ kinh tế song phương với Iran sau khi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu - EU được dỡ bỏ hoàn toàn. Hàn Quốc còn sốt sắng hơn khi cho biết sẽ tích cực hỗ trợ các công ty nước này thâm nhập thị trường Iran, nhất là trong các lĩnh vực như y tế, công nghệ thông tin và viễn thông, lương thực và văn hóa. Nước này thậm chí đã lên kế hoạch thành lập một trung tâm hỗ trợ các công ty Hàn Quốc mong muốn làm ăn với Iran.

 Và điều quan trọng nhất là cả Mỹ và phương Tây đều đang cần tới vai trò của Iran để bình ổn tình hình rối ren ở Trung Đông. Tehran đang nắm chìa khóa có thể giúp mở thông các bế tắc cho các vấn đề lớn ở khu vực như cuộc xung đột ở Syria, Iraq và đặc biệt là cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Sự nổi lên và nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng của IS vừa khiến Mỹ và phương Tây bất ngờ, vừa làm lộ rõ vai trò của Iran trong khu vực. 

Ấy thế nhưng ngay trong chính trường Mỹ, các nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Quốc hội lại phản đối kịch liệt thỏa thuận. Chủ tịch Hạ viện Mỹ J. Boehner và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ E. Royce chỉ trích thỏa thuận trên là “không thể chấp nhận được” vì nó không bắt buộc Iran từ bỏ công nghệ chế tạo bom, đồng thời tuyên bố sẽ làm tất cả để ngăn chặn văn kiện này. Thủ tướng Israel, đối thủ không đội trời chung với Iran, thì khẳng định thỏa thuận sẽ tạo ra 2 nguy cơ là cho phép Iran có đủ khả năng để tự trang bị các loại vũ khí hạt nhân trong thời gian từ 10-15 năm và sẽ cung cấp hàng tỷ USD cho cỗ máy chiến tranh và khủng bố Iran.

Những ý kiến đối lập trên cho thấy bế tắc kéo dài hàng thập kỷ qua trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran đã tạo hố sâu đối đầu và nghi kỵ lớn đến mức nào. Thêm vào đó, kiểm soát hạt nhân là vấn đề vô cùng phức tạp. Thế giới đã từng chứng kiến Mỹ tìm cớ phát động chiến tranh Iraq dựa trên những bằng chứng mà sau đó bị phát hiện là không có cơ sở về việc Iraq sở hữu vũ khí giết người hàng loạt. Quá khứ đó hoàn toàn có thể lặp lại trong câu chuyện hạt nhân của Iran.

Chính vì thế, mặc dù việc kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran theo thỏa thuận mới ký được đánh giá là “chưa từng có trong quá khứ” nhưng không ai có thể khẳng định nó không bị lợi dụng vào các mục đích chính trị. Trước mắt, để chính thức đi vào thực hiện, thỏa thuận trên còn phải vượt qua không ít “cửa hẹp”. Đầu tiên là cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ trong vòng 60 ngày tới và sau đó là quyết định chấp thuận của Hội đồng Bảo an LHQ.