Thế giới 2016 - những dự báo

ANTĐ - Chúng ta đã bước vào những ngày đầu tiên của năm 2016. Thế giới trong năm nay sẽ xảy ra những điều gì? Hãy cùng tham khảo thêm những dự báo đáng chú ý và thử hình dung để có suy đoán của riêng mình.

Năm 2016 có rất nhiều sự kiện đáng chú ý ảnh hưởng lớn tới tình hình thế giới. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được Quốc hội 12 nước thành viên xem xét, thông qua. Mỹ sẽ bầu cử Tổng thống. Olympic mùa hè diễn ra ở Brazil. Trung Quốc thực hiện kế hoạch 5 năm mới. Nguy cơ khủng bố hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới vẫn là mối lo ngại số 1… Nhưng, trước hết hãy nói đến những điểm sáng, những gam màu tươi mới của thế giới ngay những ngày đầu năm.

Điểm sáng Cộng đồng ASEAN

Thế giới 2016 - những dự báo ảnh 1Cộng đồng ASEAN đã bắt đầu hành trình mới với ba trụ cột:
Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội

Cộng đồng ASEAN bước vào tiến trình phát triển mới sau ngày 31-12-2015 khi Cộng đồng ASEAN đã hình thành. Đây không phải là đích cuối cùng của liên kết ASEAN, mà là sự khởi đầu của một giai đoạn phát triển cao hơn của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Trên cơ sở nhận thức chung, các quốc gia thành viên ASEAN đã nhất trí xây dựng nội dung Tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN sau 2015 (giai đoạn 2016 - 2025) và việc xây dựng này, cần kế thừa kết quả triển khai lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (giai đoạn 2009 - 2015); đồng thời, nâng tầm liên kết, kết nối ASEAN và khu vực lên mức cao hơn. ASEAN là một điểm sáng ngay đầu năm mới 2016 và sẽ định hình cấu trúc khu vực mạnh mẽ hơn, thể hiện sinh động và năng động vai trò của mình trong một thế giới biến động.

Cộng đồng ASEAN đồng thời đứng trước đòi hỏi phải xử lý linh hoạt và khôn khéo tình hình Biển Đông vốn chứa đựng không ít thử thách, biến động phức tạp, trước những yêu sách chủ quyền và hoạt động thay đổi hiện trạng của phía Trung Quốc. Sự đoàn kết , nhất trí, cùng chung tiếng nói của Cộng đồng ASEAN, tuân thủ triệt để luật pháp quốc tế trong đó có Công ước về Luật Biển của LHQ năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đàm phán với Trung Quốc tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sẽ là bí quyết để Cộng đồng ASEAN góp phần duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

“Đại tiệc” TPP

Thế giới 2016 - những dự báo ảnh 2

TPP được xem như một cú hích đối với những nước tham gia

Điểm sáng thứ nhì của thế giới 2016 phải kể đến đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngoài những lợi ích đo đếm được, sức ép gián tiếp từ các cam kết trong TPP để thúc đẩy mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa các cải cách khuôn khổ chính sách pháp luật thương mại ở Việt Nam cũng là cái được rất lớn. 

TPP được các nhà phân tích nhìn nhận như “một bữa đại tiệc”, nhưng là chuyện "vì ta cần nhau", nên các bên tham gia tiệc đều phải góp "món" và tham gia "nấu nướng", nghĩa là phải chuẩn bị nguyên liệu, phải đổ mồ hôi để cắt gọt nguyên liệu, đun nấu củi lửa và hoàn toàn có thể bị đứt tay, hay bị bỏng trong quá trình chế biến đó. Nhưng sân chơi này như một cú hích, và nếu muốn hưởng lợi, muốn tận dụng được cơ hội, đối tác tham gia phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới gặt hái được thành quả. Việt Nam ta không phải ngoại lệ.

Gay cấn cuộc đua bầu cử Tổng thống Mỹ

Câu hỏi này cho đến hiện tại vẫn chưa thể trả lời chính xác. Cuộc đua tranh giữa các ứng cử viên Tổng thống đến từ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đang hồi gay cấn. Và thường thấy, dường như đại diện của phe Cộng hòa tại Mỹ luôn có đường lối kinh tế cũng như đối ngoại cứng rắn và mạnh mẽ hơn so với phe Dân chủ. Chắc chắn, những diễn biến tiếp theo sẽ còn vô cùng gay go và hấp dẫn. Nhất là lại có sự chêm vào cuộc đua của ứng viên “lắm tiền nhiều của” như tỷ phú Donald Trump - một người không tiếc tiền chi cho chiến dịch vận động tranh cử của mình.

Hy vọng kinh tế tăng trưởng tốt hơn

Thế giới 2016 - những dự báo ảnh 3

Nền kinh tế Mỹ được dự báo là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong năm 2016

Trong nội dung báo cáo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2016, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận xét: “Kinh tế thế giới trong năm 2016 sẽ lạc quan hơn với kỳ vọng tăng trưởng trung bình trong dài hạn, nhưng quay trở lại thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ và đồng bộ là rất khó khăn”. IMF đưa ra con số dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu 2016 tăng trưởng 3,6%, cao hơn so với 3,1% năm nay và tương đương trung bình 3,5% giai đoạn 1980-2014. 

Theo IMF, viễn cảnh chung cho năm 2016 là Trung Quốc sẽ tiếp tục xuống dốc. Kinh tế Mỹ tiếp tục dẫn đầu trong nhóm nước giàu có. Ngoài ra, khi nhu cầu thế giới còn yếu, lãi suất, giá dầu và các hàng hóa khác có khả năng vẫn duy trì ở mức thấp. IMF đánh giá, biến số quan trọng nhất năm 2016 chính là Trung Quốc. Nhu cầu hàng Trung Quốc của thế giới không còn tăng trưởng với tốc độ như trước đây nữa. IMF dự báo năm tới, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 6,3%, thấp hơn so với 6,8% năm nay. Kinh tế châu Âu và Nhật Bản năm tới được dự báo yếu hơn. 

Trong khi IMF dự báo tăng trưởng GDP thế giới 2016 tăng 3,6 %, thì Liên Hợp Quốc dự báo chỉ đạt 2,9%. Theo các chuyên gia LHQ, sang năm 2016, những lo âu vẫn còn kéo dài liên quan đến tình trạng tăng trưởng chậm hơn tại Trung Quốc. Còn Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2016 từ mức dự báo 3,6% trước đó xuống còn 3,3% và không loại trừ một số khu vực có thể rơi vào giảm phát.

Châu Âu đau đầu

Thế giới 2016 - những dự báo ảnh 4

Châu Âu đau đầu đối phó với vấn đề an ninh 

Các nhà phân tích Hãng thống tấn Reuters vào thời điểm cuối năm 2015 đã nêu nhận định: "Xét mọi tiêu chí, 2015 đã trở thành “năm ác mộng” đối với EU. Và nếu như người Anh bỏ phiếu ủng hộ đưa Anh ra khỏi EU thì năm 2016 sẽ còn “ác mộng” hơn nữa”. Theo Reuters, “những chấn động về chính trị, kinh tế năm 2015 nảy sinh từ khủng hoảng nhập cư, nợ Hy Lạp, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan và các lệnh cấm vận trả đũa của Nga… đã dẫn đến tình trạng nhiều nước châu Âu phải đóng cửa biên giới, xuất hiện nhiều đối thủ chống EU cũng như xuất hiện tình trạng các nước nội bộ EU lục đục với nhau”. Reuters cho rằng, việc ảnh hưởng của Pháp trong EU suy giảm do kinh tế suy thoái, Thủ tướng Anh David Cameron chỉ quan tâm làm sao để “vượt qua cuộc trưng cầu dân ý nguy hiểm” về việc Anh rút khỏi EU là những yếu tố có thể đe dọa đến sự ổn định của châu Âu năm 2016.

Ở phía đông của châu Âu, nhiều nhà quan sát cho rằng, Liên bang Nga sẽ có một năm 2016 khá là vất vả để chống chọi lệnh cấm vận của phương Tây và duy trì những thành quả chính sách của Tổng thống V.Putin. Về mặt chiến lược, Nga tiếp tục chặn đứng các bước đi mà Nga cho rằng “đã tới ngưỡng” của EU cũng như NATO mở rộng ảnh hưởng đến biên giới Nga, Ukraine và Belarus.

Cuộc chiến dai dẳng với IS

Thế giới 2016 - những dự báo ảnh 5Máy bay Nga nạp tên lửa hành trình tấn công IS ở Syria

Dự báo về tình hình cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), quan sát viên người Italia Maurizio Molinari bình luận trên tờ “La Stampa” cho rằng, năm 2016, tại Syria và Iraq sẽ diễn ra cuộc đấu tay đôi giữa các liên minh quân sự khác nhau, theo đuổi những mục tiêu mâu thuẫn với nhau. Quan sát viên Molinari nhận xét rằng, Điện Kremlin cũng có cùng mục đích với Nhà Trắng và đang đẩy mạnh hoạt động của mình, nhằm mục đích sử dụng Syria làm cơ sở củng cố địa vị bá chủ của Nga ở Trung Đông, trước khi trong Nhà Trắng xuất hiện một Tổng thống mới kế nhiệm ông Obama. "Xuất phát từ đây, dự báo trong năm 2016, tất cả các liên minh đang hiện diện ở Trung Đông đều sẽ  cố gắng đạt tới kết quả chiến lược đầy mâu thuẫn với nhau. Mà điều này tất nhiên sẽ làm tăng nguy cơ đụng độ ở tầm lợi ích quốc gia" - nhà báo Maurizio Molinari nêu giả thiết.

Bên cạnh đó, chủ nghĩa khủng bố cực đoan sẽ tiếp tục đeo đẳng đe dọa thế giới. Nó    đòi hỏi thế giới tỉnh táo và cảnh giác cao độ, nếu như không muốn sa vào những kết cục đau thương.