Philippines và Malaysia phản đối máy bay Trung Quốc ra Trường Sa

ANTĐ - Kyodo đưa tin, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, ông Charles Jose ngày 13-1 cho biết, Manila vừa chính thức trao công hàm phản đối các chuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc tới một đường băng do Bắc Kinh mới xây dựng trên Đá Chữ Thập chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Philippines và Malaysia phản đối máy bay Trung Quốc ra Trường Sa ảnh 1

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman

Trong một thông cáo bằng văn bản, ông Jose nói rằng Philippines cũng phản đối Trung Quốc đã có “những hành động khiêu khích hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không” ở vùng Biển Đông. Ông nhấn mạnh: “Những hành động đó của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng và gây lo ngại trong khu vực, vi phạm tinh thần và nội dung của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman cho rằng việc Trung Quốc tiến hành các chuyến bay thử nghiệm xuống đường băng mà họ xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập, đã tạo môi trường không thuận lợi đối với việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. 

Philippines và Malaysia phản đối máy bay Trung Quốc ra Trường Sa ảnh 2

Ảnh chụp vệ tinh Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đống trái phép

Ngày 11-1, Bộ trưởng Anifah nhấn mạnh hành động trên của Trung Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và có thể làm cho tranh chấp ở Biển Đông ngày càng trở nên khó khăn do sự xói mòn lòng tin giữa các nước.

Ông Anifah cho rằng điều quan trọng đối với tất cả các bên là tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). 

Tất cả các bên phải tìm cách nâng cao sự hiểu biết chung, tăng cường lòng tin và tránh bất kỳ hoạt động nào có thể làm gia tăng căng thẳng. Tất cả các bên phải duy trì cam kết nhằm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). 

Ông nhấn mạnh nên tiếp tục nỗ lực ở cấp độ khu vực, đặc biệt là ở cấp độ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhằm duy trì hòa bình trên Biển Đông và khu vực Đông Nam Á.