Phân tích khủng hoảng nợ Hy Lạp: Những bài học từ quá khứ

ANTĐ - Những người dân “túng thiếu” ở Hy Lạp đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua để xem liệu nước này có chấp nhận đáp ứng yêu cầu từ giới chủ nợ hay không. Câu trả lời đã rõ: Không! Điều đó có nghĩa khủng hoảng ở Hy Lạp sẽ còn tiếp tục kéo dài. Trước đây, các nước Cộng hòa Síp và Iceland cũng từng rơi vào khủng hoảng kinh tế tương tự, đâu là bài học rút ra từ đó? 

Hãy cùng Báo ANTĐ điện tử tham khảo ý kiến phân tích của chuyên gia kinh tế Anne Sibert tới từ Đại học Birkbeck ở London (Anh).
Phân tích khủng hoảng nợ Hy Lạp: Những bài học từ quá khứ ảnh 1
"Châu Âu sẽ phải làm gì với Hy Lạp?" đang là câu hỏi được cả thế giới quan tâm

Điều gì đã xảy ra ở Iceland?

Vào năm 2007, nền kinh tế của Iceland vẫn có vẻ rất “khỏe mạnh”. Chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này cao hơn 35% so với hồi năm 2002, trong khi tỷ lệ thất nghiệp là 2,3% và nợ chính phủ chiếm một khoản khiêm tốn 27% của GDP.

Tuy nhiên, lượng tài sản của 3 ngân hàng lớn nhất Iceland đã vượt gấp 9 lần GDP, khiến cho ngân hàng trung ương Iceland không thể hoạt động với tư cách là nơi cho vay hiệu quả sau cùng.

Bởi vậy, bất kể chất lượng tài sản của các ngân hàng Iceland ra sao, hậu quả có thể dự báo được là sự suy giảm rồi dẫn tới sụp đổ của hệ thống ngân hàng nước này.

Và thực tế là mọi thứ đã đổ sụp!

Sau đó, chính phủ Iceland áp đặt các giải pháp kiểm soát vốn nhằm ngăn chặn tình trạng thoát vốn mạnh và giảm mạnh giá trị đồng tiền của họ.

Quá trình tái tư bản hóa hệ thống ngân hàng cùng những phí tổn khác liên quan tới khủng hoảng khiến khoản nợ của chính phủ Iceland tăng lên tới 95% GDP trong năm 2011.

Tuy nhiên, nhờ chương trình thành công của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đối với Iceland mà những tác động tiêu cực đã giảm đi: mức GDP thực tế giảm ít hơn dự báo 6,6% trong năm 2009 và 4,1% trong năm 2010, trước khi trở lại tăng trưởng.

Nhà chức trách Iceland đã bảo vệ những chủ thể nắm giữ tiền gửi trong nước, trong khi các chính phủ Anh và Hà Lan tham gia bảo vệ các chủ sở hữu tiền gửi trong các ngân hàng Anh và Hà Lan đóng tại Iceland.

Cho tới ngày nay, Iceland đang phải đối mặt với thách thức khó khăn của việc gỡ bỏ kiểm soát vốn trong mô hình trật tự của họ, nhưng IMF tin rằng chỉ số GDP của Iceland sẽ tăng lên 4,1% trong năm 2015.

Hy Lạp sẽ duy trì được đồng tiền euro trong tương lai?

Khủng hoảng ở Cộng hòa Síp (CH Síp) như thế nào?

Vào năm 2008, nền kinh tế của nước CH Síp giống như của một đất nước đang phát triển chứ không thuộc về hình mẫu phát triển của châu Âu. Vậy nhưng quốc gia này vẫn được hưởng một sự bùng nổ kinh tế mạnh mẽ.

Chỉ số GDP thực của CH Síp tăng 27% từ năm 2002 tới năm 2008. Tuy nhiên, sự phát triển này thực chất bắt nguồn từ các dòng vốn của những khoản tiền gửi từ ngân hàng nước ngoài, cũng như các khoản vay quốc tế của những ngân hàng Síp.

Kết quả là, tài sản của các ngân hàng thương mại của Síp đã mở rộng nhiều gấp 5 lần GDP.

Không như các ngân hàng của Iceland, các ngân hàng của CH Síp có một nơi cho vay sau cùng đáng tin: Ngân hàng trung ương của họ vốn là thành viên của hệ thống châu Âu.

Điều không may của CH Síp là nước này lại có mối quan hệ khá chặt chẽ với Hy Lạp, khiến hệ thống ngân hàng của họ gặp khó khi Hy Lạp tiến hành tái cấu trúc nợ công hồi năm 2012.

Vào tháng 3/2013, chính phủ CH Síp rơi vào tình trạng tuyệt vọng, khi họ đứng trước 2 lựa chọn: Hoặc là tuân theo các điều kiện từ châu Âu để đảm bảo cho cơ chế ổn định của khối liên minh này, và được nhận khoản cứu trợ từ IMF, hoặc là những khoản vay khẩn cấp mà các ngân hàng CH Síp được nhận thông qua ngân hàng trung ương của họ sẽ bị cắt.

Không có gói cứu trợ, CH Síp sẽ buộc phải ra khỏi khối cộng đồng chung châu Âu để cứu hệ thống ngân hàng của họ. Và như vậy, nước này sẽ phải áp dụng đồng tiền mới, tái tư nhân hóa các ngân hàng bằng việc in tiền.

Điều này sẽ khiến cho giá trị của đồng tiền mới mà CH Síp đưa ra bị giảm mạnh, kéo theo đó là sự đi xuống của lương hưu, tiền lương và các tài khoản ngân hàng của CH Síp.

Để tránh viễn cảnh thảm họa đó, chính quyền CH Síp đã nhắm vào một nguồn vốn sẵn có: Các khoản tiền gửi trong ngân hàng của họ. Ban đầu, họ định áp đặt “thiết quân luật” vào toàn bộ khoản tiền gửi nhưng cuối cùng những người gửi tiền được bảo hiểm đã được miễn trong chính sách cứng rắn này.

Đồng thời, tránh cho một sự suy giảm kinh tế và ngân hàng, CH Síp còn tiến hành kiểm soát vốn. Các ngân hàng bị đóng cửa trong vòng 2 tuần và khi mở cửa trở lại, giới hạn rút tiền trong ngày được áp đặt.

Và kết quả là, chỉ số GDP thực của CH Síp giảm xuống còn 2,4% vào năm 2012, 5,4% vào năm 2013 và 2,3% vào năm 2014. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 16,2% trong năm 2014, trong khi khoản nợ chính phủ lên tới 107% GDP.

Hiện giờ, triển vọng cho CH Síp đã sáng sủa hơn. Tới năm nay, họ đã trở lại đà tăng trưởng kinh tế và việc kiểm soát vốn được gỡ bỏ hoàn toàn hồi tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, cải cách kinh tế vẫn là việc cần thiết để đảm bảo cho quá trình tăng trưởng bền vững.

Sau Ireland và CH Síp, khủng hoảng Hy Lạp sẽ đi tới đâu?

Hiện nay, Hy Lạp đang đối mặt với lựa chọn tương tự như CH Síp hồi năm 2013.

Hệ thống ngân hàng của nước này phụ thuộc vào các khoản vay khẩn cấp do Ngân hàng Trung ương châu Âu kiểm soát.

Để ngăn chặn khả năng sụp đổ các ngân hàng, chính phủ Hy Lạp buộc phải áp dụng chính sách kiểm soát vốn, đóng cửa ngân hàng tạm thời và giới hạn việc rút tiền gửi ngân hàng.

Theo quan điểm của chuyên gia, những hậu quả của việc rời bỏ hệ thống châu Âu sẽ là rất khủng khiếp đối với Hy Lạp. Việc đạt được thỏa thuận với giới chủ nợ sẽ là lựa chọn hợp lý hơn, tất nhiên nếu người dân nước này có thể “chịu khổ”.
Phân tích khủng hoảng nợ Hy Lạp: Những bài học từ quá khứ ảnh 3Đối với nhiều người dân Hy Lạp, giờ có bánh mỳ để ăn đã là hạnh phúc

Kể từ năm 2007, chỉ số GDP thực của Hy Lạp đã giảm gần 30%, một phần là bởi các chính sách thắt chặt tài chính nghiêm trọng.

Tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp đạt 26% trong năm 2014, trong khi các lao động có tay nghề cao thì đổ xô đi nơi khác tìm việc.

Giống như CH Síp và không giống như Iceland, bất kỳ quá trình phục hồi kéo dài nào ở Hy Lạp cũng đòi hỏi phải cải cách kinh tế và tài chính một cách mạnh mẽ.

Hiện nay, Hy Lạp đang xếp thứ 61 trong bảng Chỉ số Dễ dàng thực hiện hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, xếp trên Nga và CH Síp (ở vị trí 64), nhưng thua Tunisia. Thứ hạng này của Iceland đang là 12.

Nợ chính phủ của Hy Lạp đã ở mức khổng lồ 113% GDP thường niên hồi năm 2008, và giờ nó “phình” ra tới mức 180%.

Kiểm soát vốn từng là cần thiết ở Iceland và CH Síp, và giờ nó đúng với Hy Lạp, nhưng đi kèm với đó là một cái giá phải trả tương xứng. Nhiều người xem đó là cuộc tấn công vào các quyền tự do dân sự, trong khi số khác thì lại coi đấy là cơ hội để dẫn tới tình trạng thuận lợi hơn.