Nhật Bản "mở cửa" với lao động nước ngoài

ANTĐ - Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho tình trạng thiếu hụt lao động vì dân số già đi, Chính phủ Nhật Bản đang thăm dò nhiều phương thức mới nhằm thu hút thêm lao động nước ngoài, vốn được tránh gọi là “chính sách nhập cư”.

Nhật Bản "mở cửa" với lao động nước ngoài ảnh 1Thiếu nguồn lao động khiến Nhật Bản cân nhắc tăng cường tuyển lao động nước ngoài

Lao động nước ngoài chỉ chiếm 1,4%

Nhập cư là vấn đề nhạy cảm tại Nhật Bản - một quốc gia mà những người có quan điểm bảo thủ đánh giá cao tính đồng nhất văn hóa và các chính trị gia lo ngại mất đi phiếu ủng hộ từ những lao động sợ mất việc làm. Nhưng lực lượng lao động suy giảm mạnh đã thúc đẩy các nhà lập pháp và nhóm hoạch định chính sách của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xem xét lựa chọn giải pháp gây tranh cãi này. 

Không giống Hoa Kỳ - nơi ứng viên chạy đua chức Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa vấn đề nhập cư ra để tranh luận, các chính khách Nhật Bản lại né tránh. Dù Tokyo không bị cuốn vào cuộc khủng hoảng di cư như châu Âu, nhưng tranh cãi tại các khu vực khác về nhập cư cũng tác động ít nhiều tới cách suy nghĩ của người Nhật Bản. Những nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ tự do cầm quyền (LDP) đã đưa ra vấn đề nhập cư gần một thế kỷ trước nhưng không được hưởng ứng. Và kể từ thời điểm đó, tình trạng thiếu hụt lao động trở nên tồi tệ hơn, các hệ lụy do già hóa dân số cũng nghiêm trọng hơn. 

Nhu cầu về lao động tại Nhật Bản tăng cao nhất trong 24 năm qua, nhất là khi nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục sau trận động đất và sóng thần năm 2011, cũng như ngành xây dựng bùng nổ trước Thế vận hội Tokyo năm 2020. Điều này khiến lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản tăng 40% kể từ năm 2013, trong đó người Trung Quốc chiếm 1/3, theo sau là người Việt Nam, Philippines và Brazil.

Tuy nhiên, các điều kiện ngặt nghèo để được cấp thị thực của Nhật Bản đã ngăn cản lượng lớn “lao động không có kỹ năng”, dẫn tới lao động nước ngoài vẫn chỉ chiếm khoảng 1,4% lực lượng lao động tại Nhật Bản; so với con số 5% hoặc nhiều hơn ở các nền kinh tế tiên tiến khác, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Cần thiết nhưng chưa được thừa nhận 

Cho tới giờ, các biện pháp thu hút lao động nước ngoài đã tập trung vào việc nới lỏng quy định nhập cảnh đối với lao động có tay nghề cao và mở rộng hệ thống thực tập sinh được thiết kế để chia sẻ công nghệ với các quốc gia đang phát triển. 

Dù vậy, các nghị sĩ Đảng LDP mong muốn đi xa hơn bằng đề xuất cho lao động nước ngoài được chấp nhận vào những lĩnh vực khác đang thiếu hụt lao động, như điều dưỡng và nông nghiệp, trong khi bỏ ngỏ khả năng cho phép những lao động này xin cư trú lâu dài. “Chúng tôi sẽ thảo luận việc chấp nhận người nước ngoài như một nguồn lao động đầu vào”, một nguồn tin thân cận với Ủy ban đặc biệt về lao động nước ngoài của đảng LDP cho biết.

Nhận thức đây là vấn đề nhạy cảm, đặc biệt trong thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Thượng viện của Nhật Bản vào giữa tháng 7 này, nguồn tin trên cho biết, những thành viên của Ủy ban sẽ không đề xuất một “chính sách nhập cư”. Bởi, theo ông Masahiko Shibayama, một thành viên LDP và là cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Abe, “có sự lo lắng về tác động tới an ninh công cộng và lo ngại việc làm cho người dân trong nước sẽ bị giảm đi. Do đó, vẫn có sự dị ứng với từ “nhập cư”.

Dù vậy, các chuyên gia nhận định, từ ngữ không thể che giấu được sự thay đổi đang diễn ra. “Chính phủ khẳng định không áp dụng chính sách nhập cư, nhưng việc đối mặt với tình trạng thu hẹp dân số đang khiến Chính phủ phải thay đổi lập trường cũ và bắt đầu tiến đến một chính sách nhập cư thực sự” - Hidenori Sakanaka, cựu Giám đốc Sở Di trú Tokyo cho biết.

Ông Seiichiro Murakami - cố vấn của Ủy ban đặc biệt về lao động nước ngoài của Đảng LDP cho rằng, “các cải cách cơ cấu lớn, bao gồm chính sách nhập cư là điều cần thiết”. Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - người đã đưa ra nhiều giải pháp tăng cường lực lượng lao động là phụ nữ và người già, cũng như khuyến khích tăng tỷ lệ sinh - vẫn công khai bác bỏ bất cứ “chính sách nhập cư” nào.