Ngày thứ hai đồng nhân dân tệ phá giá: Cú sốc với thị trường toàn cầu

ANTĐ - Bước sang ngày thứ hai đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc liên tiếp phá giá, giá cổ phiếu, tiền tệ và  hàng hóa trong khu vực cũng giảm mạnh. Các nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang ở tình trạng tồi tệ hơn và khả năng xảy ra một “cuộc chiến” tiền tệ.
Ngày thứ hai đồng nhân dân tệ phá giá: Cú sốc với thị trường toàn cầu ảnh 1

Thị trường thế giới lao đao

Hôm qua, 12-8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tiếp tục thiết lập giá nội tệ ở mức thấp hơn so với mức phá giá hôm 11-8 (mức đã được coi là thấp nhất đối với đồng NDT kể từ năm 1994). Ngày 12-8, 1 USD đổi được 6,4372 NDT. Chịu tác động từ sự kiện này, chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản giảm hơn 1%, trong khi Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1,64%. Đồng đô la Australia, thường được xem là phản ánh nền kinh tế Trung Quốc, đã tiếp tục giảm giá trị so với đồng đô la Mỹ (1 AUD đổi 0,7245 USD) và đã bị bán tháo mạnh hôm 11-8. 

Dầu thô cũng không thoát khỏi làn sóng biến động tiền tệ này. Dầu thô Mỹ giao dịch ở mức 43,02 USD/thùng, giảm 6 cent so với ngày 11-8 khi nó đánh dấu giá thấp nhất kể từ tháng 3-2009. Niken, đồng, nhôm - những vật liệu chính trong ngành xây dựng và công nghiệp cũng đồng loạt sụt giá xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua. 

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho rằng phá giá nội tệ là một bước để làm cho đồng NDT đáp ứng được nhiều hơn với biến đổi của thị trường. Hôm 12-8, PBOC trấn an các nhà đầu tư tài chính rằng, đây không phải là khởi đầu cho sự giảm giá tiền tệ liên tục.

Trang mạng The Guardian nhận định rằng, đồng NDT giá thấp hơn sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn trên thị trường quốc tế. Số liệu mới đây cho thấy kim ngạch xuất khẩu nước này giảm 8,3% trong tháng 7 và Trung Quốc cũng đang trong tình trạng giảm lạm phát ở năm thứ tư. Nhiều chỉ số về sản lượng của các nhà máy, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định đã phản ánh sự tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kêu gọi, động thái thay đổi tỷ giá tiền tệ của Bắc Kinh nên vì một mục đích đạt được tỷ giá hối đoái hiệu quả trong vòng 2-3 năm.

Nguy cơ “chiến tranh” tiền tệ ?

Một số chuyên gia tài chính cảnh báo việc Trung Quốc phá giá đồng nội tệ có thể châm ngòi cho một “cuộc chiến” tiền tệ. Hãng tin Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Stephen Roach thuộc Đại học Yale, cựu quan chức ngân hàng Morgan Stanley cho biết, các cường quốc về xuất khẩu ở châu Á có thể cũng sẽ tìm cách giảm giá đồng tiền của mình để bảo đảm sự cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Trong khi đó trang mạng Newsmax đưa tin, động thái gây sốc của Trung Quốc trong việc giảm giá mạnh nội tệ trong 20 năm qua là bằng chứng cho thấy  “cuộc chiến” tiền tệ đang được tái khởi động. 

Theo các quan chức thuộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ, việc đồng NDT phá giá gây ra nhiều rủi ro lớn cho chính Trung Quốc về cả chính trị lẫn kinh tế. Giới chức nước này thừa hiểu các công ty Trung Quốc nợ nước ngoài hàng trăm tỷ USD trong trái phiếu và các khoản vay bằng USD và EUR. Bloomberg dẫn lời hai nhà báo về kinh tế ước tính, động thái giảm giá nội tệ khiến Bắc Kinh gánh thêm 10 tỷ USD cho khoản nợ của doanh nghiệp nội địa. 

Ngoài ra, quyết định của Trung Quốc cũng khiến quan hệ Trung - Mỹ căng thẳng hơn, bởi trước đó quan chức Washington nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh thao túng giá đồng NDT, giành lợi thế thương mại thiếu công bằng. “Đã đến lúc Chính phủ Mỹ cần chống lại hành vi lừa đảo của Trung Quốc và quy kết nước này thao túng đồng nội tệ” - Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Casey, một thành viên của Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, đề nghị.

 Theo trang Newsmax, động thái giảm giá đồng NDT có thể sẽ là chủ đề được chú trọng trong chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Washington vào tháng 9 tới.

Tuy nhiên, ông Rajeev De Mello, người đứng đầu Hãng quản lý tài sản Schroder            (Singapore) lại đánh giá: “Còn quá sớm để dự đoán rằng đây là khởi đầu cho sự mất giá liên tục của đồng NDT, các ngân hàng trung ương khác có thể bị ép phải điều chỉnh tỷ giá tiền tệ cho phù hợp với tình hình, hay điều này gây ra một vòng suy yếu tiền tệ mới trong thế giới đang phát triển”. Bộ Tài chính Mỹ cũng cho rằng, chưa thể để đánh giá toàn diện về động thái bất ngờ của Trung Quốc và kêu gọi Bắc Kinh không nên đảo ngược các cải cách tiền tệ.