Mỹ quyết chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc

ANTĐ - Mỹ đang tỏ ra quyết tâm ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông khi điều thêm những tàu chiến hiện đại tới vùng biển có vai trò trọng yếu toàn cầu này.

Mỹ điều thêm tàu chiến hiện đại tới Biển Đông nhằm ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc

Hãng tin Anh Reuters ngày 14-6 dẫn lời một quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên cho biết, một Nhóm tác chiến Thái Bình Dương thuộc Hạm đội 3, bao gồm 2 tàu khu trục hiện đại mang tên lửa dẫn đường USS Spruance và USS Momsen, đã được điều động đến khu vực Biển Đông. Đây là nhóm tác chiến đầu tiên, mở đầu cho những nhóm tàu chiến tiếp theo sẽ được Washington điều đến nhằm tăng cường sự hiện diện của hải quân Mỹ tại vùng biển đang ngày càng nóng lên.

Trên Thái Bình Dương, Mỹ có 2 hạm đội là Hạm đội 7 phụ trách phần phía Tây Thái Bình Dương và Hạm đội 3 chuyên trách phần phía Đông Thái Bình Dương, tức là khu vực bờ biển phía Tây của nước Mỹ. Trong khi Hạm đội 7 đóng căn cứ chính tại quần đảo Guam thì Hạm đội 3 có đại bản doanh ở San Diego thuộc bang California.

Là lực lượng bảo vệ bờ Tây nước Mỹ, Hạm đội 3 có hơn 100 tàu chiến, bao gồm 4 tàu sân bay; trong khi Hạm đội 7 có nhóm tàu sân bay tấn công USS Ronald Reagan, 80 tàu chiến và khoảng 140 máy bay chiến đấu. Trả lời trên Tạp chí Nikkei Asian Review của Nhật Bản, Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội 3, ngày 14-6 cho rằng, hải quân Mỹ nên sử dụng “sức mạnh tổng hợp” của 140.000 lính thủy, hơn 200 tàu chiến và 1.200 máy bay chiến đấu để cấu thành Hạm đội Thái Bình Dương hùng mạnh.

Trước khi điều thêm tàu khu trục của Hạm đội 3 tăng cường đến Biển Đông, địa bàn của Hạm đội 7, Mỹ đã phái nhóm tàu sân bay tấn công USS John C. Stennis “đặc trách” tuần tra trên Biển Đông từ tháng 1-2016. Đầu tháng 6 này, Mỹ lại tiếp tục điều nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan có tải trọng 104.000 tấn, chở 90 máy bay chiến đấu, đến Biển Đông để chuẩn bị tiếp quản nhiệm vụ của nhóm tàu USS John C. Stennis khi nhóm tàu này rời đi để tới quần đảo Hawaii  tham dự tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vào tháng 7 tới.

Có thể thấy rất rõ là sự tăng cường lực lượng tàu chiến của Mỹ đến Biển Đông tỷ lệ thuận với mức độ hung hăng cùng việc gia tăng sức mạnh hải quân của Trung Quốc nhằm hậu thuẫn cho những đòi hỏi chủ quyền phi lý trên vùng biển này. Việc Mỹ tăng cường lực lượng tới Biển Đông cũng nằm trong chiến lược xoay trục mà Washington đã tuyên bố theo đó, lực lượng hải quân Mỹ sẽ được điều chuyển bố trí trên hai đại dương quan trọng nhất với nước Mỹ là Đại Tây Dương/Thái Bình Dương từ 60%/40% trước đây thành 40%/60%.

Không chỉ tăng cường lực lượng, Mỹ còn tăng cường hợp tác với các quốc gia khu vực Biển Đông nhằm cùng nhau bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không. Điều đó có thể thấy qua việc Mỹ đạt được thỏa thuận với Philippines về việc triển khai quân Mỹ tại 4 căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này hay cung cấp tàu tuần tra cho Philippines, Việt Nam… cũng như tìm kiếm khả năng tuần tra chung với Nhật Bản, Australia trên Biển Đông.

Mỹ rõ ràng đang răn đe, ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông bằng những hành động mạnh mẽ trong chiến lược xoay trục.