Mục tiêu "nhổ cỏ tận gốc"của ông Erdogan

ANTĐ - Những ngày này, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành truy quét sâu rộng, từ giáo viên, thẩm phán, cán bộ công chức tới các binh sĩ trong quân đội sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15-7. Hơn 50.000 người bị truy trách nhiệm hoặc gắn mác “liên đới”, dù người phát ngôn Chính phủ cho rằng mọi việc diễn ra hoàn toàn theo pháp luật. Số người bị ảnh hưởng nhiều tới mức không ai tin rằng tất cả đều là tín đồ của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong ở Mỹ từ năm 1999 - đang bị Ankara cáo buộc là kẻ chủ mưu của cuộc đảo chính.

“Mượn gió bẻ măng”

Theo báo Guardian, chiến dịch “nhổ cỏ” của ông Erdogan đạt đến một cấp độ khiến người ta nghi ngờ ông này “mượn gió bẻ măng” để quét sạch những thành phần bất đồng chính kiến, bất kể họ có tham gia cuộc đảo chính hay không.

Theo thông tin mới nhất từ truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền của Tổng thống Erdogan đã bắt giữ tới gần 3.000 sĩ quan quân đội, trong đó có tới hơn 100 tướng lĩnh và đô đốc hải quân trong lực lượng vũ trang, đồng thời sa thải hơn 8.000 cảnh sát có dính líu đến đảo chính. Các tướng lĩnh bị bắt sẽ bị đưa ra tòa để xem xét có bị giam giữ hay không. Trong số 103 người bị bắt giữ này, có ít nhất 10 viên tướng đã nhận cáo buộc chính thức là vi phạm Hiến pháp và âm mưu lật đổ chính quyền bằng bạo lực.

Chưa dừng lại, ngày 19-7, chính quyền đóng cửa các cơ quan truyền thông liên quan và cho biết 15.000 người đã bị đình chỉ công tác ở Bộ Giáo dục cùng với 100 quan chức tình báo. Hơn 492 người đã bị loại bỏ chức vụ tại Cục Tôn giáo, 257 người ở Văn phòng Thủ tướng và 300 người thuộc Bộ Năng lượng. Trong ngành Giáo dục, tờ Le Monde dẫn thông cáo của Bộ Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 15.200 viên chức của bộ đã bị đình chỉ để điều tra.

Ngoài ra, Hội đồng Giáo dục bậc cao (YOK), cơ quan quản lý các đại học ở nước này đã yêu cầu 1.577 hiệu trưởng và chủ nhiệm khoa của nhiều trường từ chức. YOK cũng ra lệnh cấm tất cả giáo sư, giảng viên tại các đại học của Thổ Nhĩ Kỳ xuất ngoại cho đến khi có thông báo mới.

Cho tới thời điểm này không ai thực sự biết phong trào này sâu rộng thế nào. Số người bị ảnh hưởng nhiều tới mức không ai tin rằng tất cả đều là tín đồ của ông Gulen. Quả thật, quy mô của chiến dịch bắt bớ và sa thải khiến nhiều người không khỏi lo ngại. Tổ chức Ân xá quốc tế, Tổ chức Quan sát nhân quyền cùng các nhà lãnh đạo Âu - Mỹ đều đồng thanh kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ nên tuân thủ luật pháp.

“Số lượng vụ bắt giữ kể từ ngày 15-7 rất đáng báo động... Những người liên quan đến bạo lực và giết chóc phải trả lời trước công lý nhưng đàn áp người bất đồng chính kiến hay dọa khôi phục án tử hình không phải là công lý”, Tổ chức Ân xá quốc tế khẳng định. Tuy nhiên đáp lại những chỉ trích, Ibrahim Kalin, người phát ngôn của ông Erdogan bày tỏ: “Chúng tôi là những người phải xuống đường, đổ máu vì dân chủ và luật pháp”.

Ai là “kỳ phùng địch thủ” của ông Erdogan?

Với những diễn biến hiện tại thì thế đứng của Tổng thống Erdogan sau cuộc đảo chính đã được củng cố thêm nhiều phần. Sự vững chắc sau cuộc chính biến này đến mức dư luận nghi ngờ ông Erdogan tự đạo diễn, hay ít nhất là biết trước và cố tình lợi dụng nó.

Trong những thắc mắc như tại sao phe đảo chính không khống chế ông Erdogan và dàn quan chức cấp cao, hay tại sao họ không chiếm sân bay, đài phát thanh, truyền hình, mạng Internet một cách hiệu quả? Kết quả của sơ hở này là trong những giờ đầu hỗn loạn của cuộc đảo chính, ông Erdogan và các Bộ trưởng quan trọng của ông kịp thời xuất hiện trên các phương tiện đại chúng để kêu gọi những người ủng hộ hành động.

Nhân vật mà ông Erdogan cáo buộc chịu trách nhiệm vụ đảo chính - giáo sĩ Fethullah Gulen mạnh mẽ phủ nhận vai trò của mình trong sự kiện này - “Có khả năng đây là một cuộc đảo chính dàn dựng”. Theo Bloomberg, sau thất bại của nhóm quân đội đảo chính, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hứa sẽ xây dựng “một Thổ Nhĩ Kỳ mới”.

Mặc dù cuộc đảo chính đã nổ ra ngay tại Thủ đô và một thành phố lớn nhất nước này khiến cho ít nhất 80 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Tổng thống Erdogan vẫn tuyên bố với người dân cả nước về kế hoạch làm mới Thổ Nhĩ Kỳ bằng hai cách cơ bản. Thứ nhất, quyền lực sẽ được tập trung trong tay Tổng thống; thứ hai, giới tinh hoa theo chủ nghĩa thế tục sẽ nắm ít vai trò chính trị hơn.

Hiện, rất nhiều người tỏ ra lo ngại về hành động tiếp theo của ông Erdogan. Một số người so sánh cuộc truy quét lần này với cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 9-1980, trong đó có 600.000 người bị giam giữ, một số người còn bị tử hình.

Mặc dù Ankara có thể sẽ không ban bố tình trạng thiết quân luật như năm 1980 bởi quân đội đang bị tổn hại nặng nề sau cuộc đảo chính bất thành, nhưng các biện pháp khẩn cấp có thể sẽ được áp dụng. Số người bị giam giữ mà không cần công bố tội danh có thể sẽ tiếp tục tăng. Việc sa thải công nhân viên công chức không cần sự chấp thuận của quốc hội nhiều khả năng sẽ tiếp diễn.

Dù rất khó xác định ai là tín đồ của Gulen, nhưng Tổng thống Erdogan cáo buộc phong trào “Nhà nước song song” đã thực hiện các cuộc chống tham nhũng nhằm vào con trai của một số Bộ trưởng thân cận với ông hồi năm 2013. Vậy ai mới là “kỳ phùng địch thủ” của ông Recep Tayyip Erdogan?...                            

NATO cảnh báo Ankara

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg lên tiếng rằng có thể sẽ không có chỗ cho một nước thành viên NATO khi nước đó để xảy ra các cuộc đảo chính quân sự.

Ngoài ra, hôm 19-7, ông Johannes Hahn, Ủy viên châu Âu về chính sách láng giềng và đàm phán mở rộng tuyên bố: Thổ Nhĩ Kỳ không tuân thủ luật pháp quốc tế khi tiến hành đàn áp sau đảo chính ở nước này và danh sách những người bị bắt giữ đã được chuẩn bị sẵn từ trước. Nếu Liên minh châu Âu chứng minh được Thổ Nhĩ Kỳ cố tình thúc đẩy đảo chính để lợi dụng thanh trừng hàng loạt, thì đó sẽ là vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế và không phù hợp với trật tự dân chủ, do đó, con đường gia nhập EU của nước này coi như đã đóng lại.