Một hành động chủ đích đầy nguy hiểm

ANTĐ - Việc Trung Quốc cho triển khai tên lửa hiện đại, được cho là hệ thống phòng không HQ - 9, đến đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đang khiến dư luận quốc tế lo ngại.

Một hành động chủ đích đầy nguy hiểm ảnh 1

Hệ thống tên lửa HQ - 9 của Trung Quốc

Trong khi Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry gọi hành động này là minh chứng của việc “tăng cường quân sự hóa” và là một “mối lo ngại nghiêm trọng”  thì Thủ tướng Australia M. Turnbull nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tranh chấp trên Biển Đông hãy kiềm chế mọi hoạt động xây dựng, quân sự hóa các hòn đảo cũng như tuyên bố chủ quyền lãnh thổ”. Còn theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản, Tokyo “vô cùng quan ngại” khi có tin nói rằng Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến trên quần đảo Hoàng Sa. 

Cũng có những ý kiến cho rằng việc Trung Quốc triển khai một hệ thống phòng không hiện đại ở khu vực trên là nhằm phản ứng lại các hoạt động tuần tra mới đây của hải quân Mỹ gần đảo Tri Tôn cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, nếu theo dõi cả quá trình thì có thể thấy động thái mới nhất này của Bắc Kinh là bước đi tiếp theo nhằm hiện thực hóa chiến lược lâu dài là đặt phần lớn Biển Đông dưới sự kiểm soát quân sự của Trung Quốc. 

Những bước đi trước đó thì ai cũng đã biết. Đó là việc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa; bồi đắp các bãi đá thuộc Trường Sa thành những đảo nổi lớn, rồi xây dựng cả sân bay quy mô lớn. Còn về bước đi mới nhất cho triển khai tên lửa tại đảo Phú Lâm, Tiến sĩ E. Graham thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy cho biết, ông không quá ngạc nhiên với động thái của Trung Quốc. Ông phân tích: “Trung Quốc trước đó đã triển khai các phi đội máy bay tiêm kích. Nếu đã triển khai máy bay ở đó thì bước đi tiếp theo là đặt các tên lửa đất đối không để bảo vệ máy bay”.

Hành động này rõ ràng đi ngược lại với cam kết của Trung Quốc không quân sự hóa khu vực này. Từ Washington, Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cam kết sẽ không quân sự hóa vùng biển tranh chấp. Nhắc lại chuyến thăm chính thức Washington vào năm ngoái của ông Tập Cận Bình, ông J. Kerry nói: “Khi Chủ tịch Tập ở đây trong chuyến thăm Washington, ông ấy đã đứng tại Vườn Hồng với Tổng thống B. Obama và nói rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa Biển Đông”.

Đáng ngại hơn, theo báo Nam Đức (SZ), trong tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc đã lựa chọn biện pháp quân sự. Tờ Frankfurter Rundschau thì viết: Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng của họ trên đảo Phú Lâm bằng một “cỗ máy chiến tranh mới”, và với các nước láng giềng, đây thực sự là một sự khiêu khích có chủ ý và chắc chắn làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Với các nước trong khu vực, việc Trung Quốc “quân sự hóa” vùng biển tranh chấp sẽ dẫn đến nguy cơ chạy đua vũ trang bởi nước nào cũng phải tìm cách tăng cường tiềm lực quân sự để đối phó. Các chuyên gia quân sự đã từng cảnh báo rằng, các nguồn tin tại Triển lãm hàng không ở Singapore mới đây cho thấy thị trường máy bay do thám và thiết bị trinh sát đang nổi lên ở Đông Nam Á - nơi có các nước đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc. 

Nhìn rộng ra ngoài khu vực, không chỉ có tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc còn tranh chấp với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Việc Tokyo quan tâm sâu sát tới tình hình Biển Đông và bày tỏ lo ngại trước diễn biến phức tạp của tình hình cho thấy xu hướng “quân sự hóa” các vùng biển tranh chấp sẽ dẫn đến những nguy cơ khó lường nếu nó không được ngăn chặn.