Moscow: Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga là "đoàn kết với khủng bố"

ANTĐ - Sau sự kiện máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 Nga bị máy bay tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, từ Tổng thống Putin đến các quan chức chính quyền và quốc hội Nga đã nổi giận đùng đùng.

Tổng thống Nga Putin đã cáo buộc hành động bắn rơi máy bay Nga của Thổ Nhĩ Kỳ là “cú đánh trộm từ sau lưng” và “không khác gì hành động đồng lõa với khủng bố”, đồng thời cảnh báo về mối quan hệ xấu đi nghiêm trọng giữa 2 nước.

Trong khi đó, nhiều nghị sỹ Nga kêu gọi nước này cắt đứt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, bởi đây là hành động “cố tình khiêu khích”, phá hoại những nỗ lực chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, mà Moscow đang tiến hành ở Syria.

Ông Nikolai Levichev, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện), thành viên Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga cáo buộc, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là cố tình gây hấn và có thể so với vụ đánh bom của tổ chức khủng bố IS vào chiếc máy bay A321 của Nga, trên bầu trời bán đảo Sinai của Ai Cập ngày 31-10.

Ông cáo buộc Ankara đã cố tình phá hoại những nỗ lực toàn diện của cộng đồng quốc tế, trong cuộc chiến chống khủng bố IS, Thổ Nhĩ Kỳ đang biểu lộ sự đoàn kết với những kẻ khủng bố, thông qua hành động bắn hạ máy bay Nga trên lãnh thổ Syria.

Ông Konstantin Kosachev, người đứng đầu Ủy ban quốc tế của Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) cho biết, trong một khoảnh khắc Ankara đã phá tan tất cả những gì xây đắp nhiều năm qua trong  quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiếc máy bay Su-24 Nga bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi

Thượng nghị sĩ Nga cho rằng, sự tin cậy và quan hệ đối tác đã mất, trả lại sự ngờ vực và thái độ thù địch. Theo lời ông, không có hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi và tất cả các tiếp xúc liên quốc gia với Ankara cần phải được bãi bỏ.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia, Vladimir Komoyedov khẳng định rằng máy bay Nga không hề bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Leonid Kalashnikov cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã cố tình gây căng thẳng.

Ông tuyên bố: "Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho những kẻ khủng bố (ngôn từ mà Nga gọi lực lượng đối lập chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, mà phương Tây hay gọi là “lực lượng đối lập ôn hòa”) vũ khí, đạn dược và thù địch với những người ủng hộ lực lượng chính phủ Syria".

Đồng thời, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tuyên bố đã hủy chuyến thăm Ankara, sau vụ việc máy bay tiêm kích F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 của Nga, bởi chính Tổng thống Putin cũng đã tuyên bố về sự xấu đi nghiêm trọng trong quan hệ 2 nước.

Trong bối cảnh đó, chính phủ Nga đã thông qua quyết định hủy bỏ cuộc gặp ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, vốn lên kế hoạch vào ngày 25-11 tại Istanbul, trong khuôn khổ của cái gọi là Hội đồng chung về Kế hoạch chiến lược Nga - Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hủy chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hôm 25-11

Phản ứng của các nước khác

Ngay trong ngày 24-11, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Bộ Ngoại giao nước này đã triệu tập đại diện của 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để báo cáo về vụ máy bay F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga.

Các phái viên của Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh đã được triệu đến để nghe Ankara giải trình về việc máy bay Su-24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, làm dấy lên phản ứng giận dữ từ phía Moscow.

Ngay sau sự cố ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, một quan chức quốc phòng Mỹ lên tiếng nói rằng quân đội Mỹ không biết gì về việc nước này bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga ở biên giới Syria hôm 24-11, mà chỉ được nghe đồng minh thông báo sau khi sự việc đã xảy ra.

"Lúc này chúng tôi có thể khẳng định rằng các lực lượng Mỹ không liên quan đến sự cố này". Quan chức Lầu Năm Góc tuyên bố đây là việc riêng của Moscow và Ankara, không liên quan gì đến chiến dịch chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS trên phạm vi toàn cầu.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk nói rằng “Trong thời điểm nghiêm trọng này, sau vụ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga, tất cả các bên nên giữ bình tĩnh” và cần tiến hành các tiếp xúc để xử lý sự việc một cách êm đẹp nhất.