FED tăng lãi suất - tác động kinh tế toàn cầu

ANTĐ - Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, kết thúc 7 năm FED giữ lãi suất cơ bản ở mức gần bằng 0 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế cuối năm 2008. Đây là động thái hết sức quan trọng có tác động đến kinh tế Mỹ và toàn cầu.

FED tăng lãi suất - tác động kinh tế toàn cầu  ảnh 1Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ 

Vì sao tăng vào thời điểm hiện nay?

Từ năm 2014, FED đã bắt đầu điều chỉnh chính sách tiền tệ như chấm dứt mua trái phiếu kho bạc và chứng khoán thế chấp, đồng thời đặt ra tiêu chí cho các bước tăng lãi suất khi nhận thấy một số tín hiệu tích cực trong thị trường lao động và tỷ lệ lạm phát sẽ tăng tới mục tiêu 2% trong trung hạn. Một số nhà phân tích cho rằng FED nên duy trì chính sách tăng trưởng hợp lý, kiên trì lạm phát thấp trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu yếu và áp lực chống lạm phát quá cao. Họ lưu ý rằng FED đã thống nhất về dự báo tăng trưởng, lạm phát và cần chờ đợi đến khi tỷ lệ lạm phát thực sự gia tăng để tạo cơ hội lớn hơn cho những người thất nghiệp và thiếu việc làm. Tuy nhiên, do lo ngại về nguy cơ không giữ được mục tiêu lạm phát và các biến dạng có thể có trong các thị trường tài chính khi giữ tỷ lệ lãi suất gần bằng 0, một số chuyên gia kinh tế đã đề nghị FED nên tăng lãi suất cơ bản từ đầu năm 2015.

Theo quan điểm của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - những tiêu chí về lao động và lạm phát đã đáp ứng được các mục tiêu đặt ra và cần tăng lãi suất cơ bản. Tỷ lệ thất nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng được thảo luận tại cuộc họp vừa qua của FED. Tăng trưởng việc làm đã làm giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 5,75% trong quý IV/2014 xuống 5% trong quý IV/2015. Tỷ lệ 5% là gần với mức mục tiêu của FOMC và nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tỷ lệ đó phù hợp với tình hình lạm phát ổn định. Trong năm 2015, mỗi tháng nền kinh tế Mỹ tạo ra trung bình khoảng 200.000 việc làm.

Việc cải thiện thị trường lao động đã góp phần đạt được tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình trên 2% trong 3 quý đầu năm 2015. Tuy nhiên, tình trạng tăng trưởng năng suất chậm (chỉ khoảng 0,5% trong cả năm) cùng với sự gia tăng số lao động tạm thời nghỉ việc do sinh con cho thấy độ mở của nền kinh tế Mỹ đã đủ để thu hút những người mới tham gia lực lượng lao động cũng như có thể đưa người dân quay trở lại làm việc. Tốc độ tăng trưởng GDP này là phù hợp với nhu cầu của các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ, hạn chế những thiệt hại trong thương mại quốc tế của Mỹ khi giá trị ngoại hối của đồng USD đang tăng lên. Tình trạng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2016.

Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát trong năm 2015 bị kéo xuống bởi giá năng lượng và nhập khẩu giảm. Các biện pháp then chốt nhằm đạt mục tiêu lạm phát không quá 2% cho thấy một bức tranh hỗn hợp hơn: chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE- không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) ổn định ở mức 1,25% nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng cao hơn, đạt mức 2% trong tháng 11-2015. Ngoài ra, FED cũng kỳ vọng lạm phát sẽ tăng khi giá năng lượng ngừng giảm, cùng với việc thúc đẩy thị trường lao động sẽ giúp đẩy chi phí và giá cả lên một cách nhanh chóng hơn. 

Kinh tế Mỹ đã sẵn sàng? 

Đối với những người lạc quan, Mỹ đã thành công trong việc tạo ra sự phục hồi cho nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn tăng trưởng chậm và chưa bền vững. Các chuyên gia cho rằng lãi suất tăng thêm 0,25% sẽ gây ra những tác động tiêu cực nhưng đó là sự hy sinh cần thiết để FED đón đầu lạm phát. Những người hoài nghi cảnh báo lạm phát vẫn ở mức rất thấp và hành động tăng lãi suất của FED có nguy cơ khiến thị trường toàn cầu chao đảo, đồng thời FED cũng sẽ đẩy đồng USD tăng vọt nếu nâng lãi suất quá sớm. Theo tính toán của FOMC, nếu chờ đợi lâu hơn để tăng lãi suất sẽ làm tăng rủi ro không thể chấp nhận đối với nền kinh tế Mỹ. FED phải tính đến vấn đề tăng chi phí đi vay để giữ nền kinh tế đi đúng hướng và tạo sự đột phá sau giai đoạn hồi phục.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo tăng lãi suất cơ bản không chỉ là vấn đề của chi tiêu và lạm phát mà quan trọng hơn đó là kỳ vọng của thị trường đối với toàn bộ lộ trình điều chỉnh lãi suất. Về vấn đề này, Chủ tịch FED - Janet Yellen và nhiều thành viên khác của FOMC đã nhấn mạnh rằng lãi suất sẽ không tăng quá nhanh. Một trong những “câu thần chú” đã được bà Yellen đưa ra hồi đầu năm nay là lãi suất sẽ được nâng lên từ từ. Theo dự báo, sau khi tăng lần đầu tiên ở mức 0,25%, đợt điều chỉnh cuối cùng lãi suất sẽ chỉ ở mức chưa đến 4%. 

Mức tăng dần của lãi suất cơ bản được căn cứ trên mức lạm phát thấp - tỷ lệ lạm phát trung bình hiện nay vẫn ở mức khá xa so với mục tiêu 2% của FED và vẫn chưa bắt đầu tăng lên. FED cho rằng tăng dần lãi suất là phù hợp với sự ổn định trong tăng trưởng kinh tế, đồng thời giá cả được dự báo cũng tăng dần lên sau khi chịu tác động của khủng hoảng. Ở thời kỳ sau khủng hoảng như hiện nay, FED cần phải đi trước một bước. Biện pháp tăng dần cũng thể hiện sự thận trọng khi đưa lãi suất lên cao hơn từ mức gần bằng 0.

Việc tăng lãi suất cơ bản quá nhanh sẽ làm suy yếu nền kinh tế, thậm chí đưa nó quay trở lại suy thoái hoặc sẽ rất khó để thực hiện chính sách tiền tệ dễ dàng hơn. Ngược lại, FED cũng có thể kiểm soát mức lạm phát trong lộ trình thực hiện tăng lãi suất. Quyết định tăng lãi suất của FED là tin tốt, báo hiệu rằng nền kinh tế Mỹ đã phục hồi từ cuộc Đại Suy thoái và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vừa phải trong những năm tới.