EU công bố kế hoạch "hạn ngạch bắt buộc" để giải quyết khủng hoảng tị nạn

ANTĐ - Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker đã công bố kế hoạch “đặt hạn ngạch bắt buộc” để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II. 

EU công bố kế hoạch "hạn ngạch bắt buộc" để giải quyết khủng hoảng tị nạn ảnh 1Châu Âu khủng hoảng vì hàng ngàn người tị nạn Syria
Theo kế hoạch, 120.000 người tị nạn sẽ được tiếp nhận bởi các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU), với số lượng đã được định trước. 

Nếu kế hoạch được thực hiện thành công, châu Âu sẽ được phân bổ được hơn 60% người di cư hiện nay ở Ý, Hy Lạp và Hungary đến Đức, Pháp và Tây Ban Nha.

Mức hạn ngạch bắt buộc sẽ phụ thuộc vào dân số, GDP, tỷ lệ thất nghiệp và số đơn xin tị nạn đã được xử lý. Các nước từ chối nhận người tị nạn sẽ phải đối mặt với mức phạt tài chính.

Kế hoạch cũng đưa ra các biện pháp để giúp nền kinh tế các quốc gia ở Trung Đông và châu Phi và điều luật nhằm ngăn chặn tình trạng buôn người và những kẻ buôn lậu.
EU công bố kế hoạch "hạn ngạch bắt buộc" để giải quyết khủng hoảng tị nạn ảnh 2Hàng ngàn người tị nạn đổ vào châu Âu

Thủ tướng Đức, Angela Merkel phát biểu: “Hạn ngạch là bước quan trọng đầu tiên để giải quyết tình trạng khủng hoảng này. EU cần một hệ thống để chia sẻ khó khăn đối với những người tị nạn”.

Cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất ở châu Âu và phương hướng giải quyết nó đã phơi bày sự chia rẽ trong EU.

Trong khi Cộng hòa Séc, Slovakia, Ba Lan và Romania đã phản đối ý tưởng “hạn ngạch bắt buộc”, Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz cho biết, nước này sẽ chấp nhận thêm hơn 2.000 người di cư nữa. Bên cạnh đó, chính phủ Australia tuyên bố sẽ cố gắng nhận thêm nhiều người di cư hơn nữa, khoảng 12.000 người.

Bỏ qua quy định của EU, Đức đã đón nhận thêm những người di cư Syria và hy vọng rằng có thể giải quyết 800.000 người tị nạn trong năm nay. Phó Thủ tướng Đức, Sigmar Gabriel cho biết, nước ông có thể đối phó với 5.000.000 người tị nạn trong vài năm tới.

Cuối tuần này (ngày 13-9) Hungary dự kiến sẽ nhận thêm 40.000 người  di cư. Vincent Cochetel, một khu vực điều phối người tị nạn của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) đã kêu gọi các nhà chức trách Hungary tiến hành thủ tục đăng ký và tiếp nhận.

Hungary đã trở thành một điểm đến quan trọng của người tị nạn Syria với hơn 150.000 người đã đến trong năm nay. Hiện các nhà chức trách đang cố gắng củng cố lại hàng rào biên giới nhằm kiểm soát người nhập cư từ Serbia và thiết lập luật tị nạn.