Dư luận quốc tế về hoạt động tuần tra quanh đảo nhân tạo ở Biển Đông

ANTĐ - Ngày 27-10, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, ông John McCain đã hoan nghênh quyết định của chính quyền Tổng thống Barack Obama điều tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen vào khu vực 12 hải lý (22 km) xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đồng thời cho rằng động thái này đáng lẽ phải được triển khai từ lâu. 

“Vì Trung Quốc không ngừng thách thức tự do hàng hải trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nên Hoa Kỳ phải điều máy bay bay qua, phái tàu đi qua và hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép; đó là một việc quan trọng hơn lúc nào hết. Và Biển Đông không thể là ngoại lệ”, Thượng nghị sỹ John McCain nói trong một tuyên bố bằng văn bản. Ông đề nghị tiến hành những hoạt động tuần tiễu thường xuyên trên không và trên biển trong những tuần lễ và những tháng tới đây để chứng tỏ “quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ tự do hàng hải”.

Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Randy Forbes thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ cho rằng hành động này là cần thiết do những bất ổn tại khu vực này. Ông nhấn mạnh, theo luật pháp quốc tế, rõ ràng Trung Quốc không có tuyên bố hợp pháp nào đối với chủ quyền tại các vùng biển trên và hiện là thời điểm để chính quyền Obama tái khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ đối với tự do hàng hải và đảm bảo hòa bình, ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Trước đó cùng ngày, điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã đề nghị có thêm hoạt động tại khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa. 

Liên quan đến việc Mỹ đưa tàu khu trục USS Lassen vào Biển Đông, Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 27-10 cho rằng đây là việc làm quan trọng nhằm duy trì “cán cân quyền lực” tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương. 

Australia cũng hoan nghênh động thái trên của hải quân Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne nêu rõ tất cả các nước đều có quyền tự do hàng hải và tự do hàng không, trong đó có vùng Biển Đông, theo đúng luật pháp quốc tế. Ông cho biết, gần 60% lượng hàng xuất khẩu của Australia được vận chuyển qua Biển Đông và nước này có các lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại vùng biển quan trọng này.

Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Mỹ và Nhật Bản đã trao đổi thông tin về việc tàu khu trục USS Lassen đi vào Biển Đông. Theo ông, những dự án tôn tạo lớn và xây dựng của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa cũng như các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng và thay đổi hiện trạng tại Biển Đông là mối quan ngại chung của cộng đồng quốc tế.

Indonesia kêu gọi các bên kiềm chế 

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi các bên kiềm chế ở Biển Đông, chỉ vài giờ sau khi tàu hải quân Mỹ tiến vào khu vực bên trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở vùng biển này, tờ Diplomat đưa tin ngày 28-10.

Phát biểu tại Viện Brookings, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington D.C trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ, ông Joko Widodo cho biết: “Indonesia không phải là bên liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông, nhưng chúng tôi có lợi ích hợp pháp trong hòa bình và ổn định tại đây. Đây là lý do vì sao Indonesia kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tránh những hành động có thể làm xói mòn lòng tin và đe dọa ổn định, hòa bình của khu vực này”. 

Ông Joko Widodo cho rằng, tranh chấp ở Biển Đông cần được tháo gỡ thông qua các biện pháp hòa bình, đặc biệt là tuân theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). 

Hồi đầu năm nay, trả lời phỏng vấn một tờ báo Nhật Bản, Tổng thống Indonesia cũng nhấn mạnh “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là “không tuân theo bất kỳ một luật pháp quốc tế nào”. Ông Widodo còn cho biết Indonesia sẵn sàng đóng “vai trò tích cực” để hòa giải các tranh chấp. 

Quang Vinh (Theo Diplomat)