Doanh nghiệp Pháp, Đức phàn nàn do thiệt hại từ lệnh trừng phạt Nga

ANTĐ - Giới doanh nghiệp Pháp và Đức đã lên tiếng phàn nàn về việc họ phải chịu những thiệt hại nặng nề về kinh tế, do những quyết định trừng phạt mang màu sắc chính trị mà EU áp đặt đối với Nga.

Ngày 26-6 vừa qua, đại diện thương mại Nga ở Pháp đã thông báo một thông tin là việc đình chỉ vô thời hạn việc bàn giao 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp "Mistral" là Vladivostok và Sevastopol cho Nga, khiến các doanh nghiệp Pháp lo ngại về khả năng gián đoạn hợp tác Nga-Pháp.

Đại diện thương mại Nga ở Pháp là ông Alexander Turov cho biết, quyết định của Paris ngừng chuyển giao tàu "Mistral", do ủng hộ lệnh trừng phạt Nga của Mỹ và châu Âu khiến các doanh nghiệp Pháp lo ngại. Tuy nhiên, giới doanh nhân hai nước vẫn quan tâm đến việc hợp tác.

RIA Novosti dẫn bình luận trên của ông Alexander Turov cho rằng, "sự quan tâm hợp tác thương mại nói chung và kỹ thuật quân sự nói riêng giữa các doanh nghiệp Nga và Pháp vẫn cao, nhưng có đôi chút lo lắng về vấn đề nguyên tắc bảo đảm tính tin cậy của hợp đồng cung cấp".

Alexander Turov bình luận, nói thẳng thừng là các nghiệp đoàn lao động Pháp phải không thể hiểu nổi quyết định bị chi phối bởi chính trị của chính phủ mình, vì có một nguyên tắc luật La Mã là “Pacta sunt servanda” - “hợp đồng cần được thực hiện, bởi chính trị là chính trị, còn kinh tế là kinh tế”.

Pháp chịu thiệt 5 triệu euro/tháng do 2 tàu đổ bộ trực thăng của Nga là Vladivostok và Sevastopol “nằm chết dí” tại cảng Saint-Nazaire

Biến cố xảy ra với hợp đồng mua sắm 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral khiến các doanh nghiệp và giới doanh nhân và Pháp lo lắng. Bây giờ trong quan hệ quốc tế mọi thứ bị đảo lộn, chính trị kiểm soát nền kinh tế và điều này là trái với các quy luật kinh tế - ông Turov giải thích.

Không chỉ giới doanh nhân Pháp mà các doanh nghiệp Đức cũng lên tiếng phàn nàn về những thiệt hại kinh tế mà họ phải nhận từ các lệnh trừng phạt mang màu sắc chính trị của chính phủ nước mình áp đặt đối với Nga, bởi tác hại của biện pháp trừng phạt Nga đã vượt quá mọi dự đoán tồi tệ nhất.

Ngày 27-6, tờ báo Deutsche Wirtschafts Nachrichten đưa tin rằng, Ủy ban Kinh tế Đông Đức đã kêu gọi hủy bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga - tờ Deutsche dẫn lời ông Eckhard Cordes, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế Đông Đức, phát biểu trên InoTV.

Ông Cordes  cho rằng, các sự kiện hiện nay đã vượt quá mọi dự đoán tồi tệ nhất của giới chức kinh tế nước này và ước tính, kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Nga đã giảm 1/4, tương đương 9 tỷ USD, 150.000 người lao động Đức có khả năng mất việc làm, con số này trên khắp châu Âu có thể lên tới 2 triệu người.

Các cảng biển ở Đức chịu thiệt hại nặng từ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga

Ví dụ như, cảng biển lớn nhất của Đức ở Hamburg đã phải chịu thua lỗ do lệnh trừng phạt Nga, bởi sự suy giảm khả năng vận chuyển so với kế hoạch trước đây, trong bối cảnh kim ngạch thương mại song phương liên tiếp suy giảm, khối lượng hàng xuất khẩu từ Đức vào Nga năm ngoái đã giảm 18% và trong hai tháng đầu năm nay tiếp tục giảm xuống 34%.

Ông Erkhard Cordes tin rằng, sự suy yếu các liên lạc kinh tế đồng thời sẽ dẫn đến sự giảm sút ảnh hưởng chính trị. Tình hình sẽ tiếp tục bấp bênh trong thời gian dài, kể cả khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ ngay lập tức. Ông còn cho rằng, tổng thiệt hại của Liên minh châu Âu có thể sẽ lên đến 100 tỷ euro.

Trước đó, các doanh nghiệp Đức đã kêu gọi chính phủ Đức mời lãnh đạo Nga dự hội nghị thượng đỉnh G-7 diễn ra ở Bavaria. Họ nhấn mạnh việc không nên bỏ lỡ mọi cơ hội đối thoại với Nga, bởi những cơ hội này là không nhiều trong khi Nga đang chuyển hướng mạnh mẽ về phía đông.