"Cuộc hôn nhân" đứt gánh

ANTĐ - Quyết định của người dân Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) chẳng khác nào một quả bom nổ giữa lòng châu lục già, khiến cho tương lai cũng như tham vọng của một liên minh với bề dày lịch sử 60 năm trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết.

Những người ủng hộ Anh rời khỏi EU biểu dương lực lượng

“Cuộc hôn nhân” không hạnh phúc kéo dài 43 năm giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã đứt gánh. Sau nhiều năm tranh cãi, với tỷ lệ 51,9% số phiếu ủng hộ Brexit (Anh rời khỏi EU) và 48,1% số phiếu phản đối, người dân Anh đã quyết định cho cuộc chia tay lịch sử này. 

Với nước Anh, cái giá  cuộc chia tay này không nhỏ. Ước tính, Brexit sẽ khiến Anh mất đi một thị trường ổn định 500 triệu dân ở các nước EU, dẫn tới thiệt hại 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020, bởi hơn một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Anh hiện có điểm đến là các nước EU, đóng góp từ 4-5% GDP. 

Trong số các ngành kinh tế, ngân hàng - lĩnh vực vốn đóng góp tới 8% tổng sản lượng kinh tế Anh bị ảnh hưởng mạnh nhất, khi nhiều khả năng các ngân hàng quốc tế lớn như Bank of America, Morgan Stanley hay Citigroup sẽ chuyển sang một nước EU khác để trực tiếp kết nối với thị trường rộng lớn chứ không còn mặn mà với Anh như trước.

Không chỉ làm suy yếu nền kinh tế, Brexit còn có thể kéo theo nguy cơ khiến xã hội Anh trở nên bất ổn. Hơn 2,2 triệu người Anh đang sinh sống và làm việc tại các nước khác trong EU có thể lâm vào cảnh thất nghiệp, đồng thời bị cắt đứt mọi quyền lợi tiếp cận ưu đãi trong xã hội. Ngoài ra, Brexit cũng có thể tạo ra một tiền lệ xấu, khiến Xứ Wales hay Scotland, vốn là khu vực có tỷ lệ ủng hộ EU rất cao, sẽ tiến hành trưng cầu ý dân để tách khỏi Liên hiệp Anh.

Vậy thì vì sao người dân Anh vẫn quyết dứt áo ra đi, khi mọi dự đoán đều cảnh báo rằng nước Anh sẽ bước vào thời kỳ mới với một tương lai không ổn định? Câu trả lời có thể tìm thấy ở lời giải thích sau: Khi các cử tri đưa ra quyết định, họ hiếm khi tập trung vào vấn đề chính trị phức tạp như các chính trị gia đề cập. Với người dân, lợi ích trước mắt và liên quan trực tiếp mới là quan trọng. 

Thực tế trong vài năm gần đây, nhiều người Anh cho rằng họ phải gánh trách nhiệm quá lớn của chính phủ, do Anh được coi là một trong những trung tâm lớn của EU và phải đóng góp những khoản tiền lớn vào ngân sách của châu Âu. Ngay cả những người ủng hộ Anh ở lại EU cũng phải thừa nhận rằng Anh chỉ có thể hùng mạnh, an toàn và thịnh vượng hơn trong một EU đã được cải cách.

Trong khi những thiệt hại khi rời EU mới chỉ là lời cảnh báo, thì hiện tại mỗi năm nước Anh phải chi 8,5 tỷ bảng tiền thuế của người dân đóng góp vào ngân sách của mái nhà chung EU. Ngay trên quê hương mình, nhiều người Anh đang phải giành giật khốc liệt việc làm với những người nhập cư. Nhiều ý muốn của người Anh không thể thực hiện vì phải cần sự đồng ý của 27 nước thành viên khác của EU…

Với người Anh, tất cả những điều này đã biến mất sau quyết định chia tay với EU. Nhưng với EU, đây là bước thụt lùi đáng kể trong những nỗ lực xây dựng một liên minh hùng mạnh kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Nó là “phát súng cảnh báo” đối với 27 quốc gia EU còn lại rằng cần phải xây dựng một châu Âu như kỳ vọng của người dân châu lục, chứ không phải như tham vọng của các chính trị gia.