Châu Âu có thể mất cả trăm tỷ euro bởi lệnh trừng phạt Nga

ANTĐ - Một tài liệu nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế Áo cho thấy, lệnh trừng phạt Nga có thể làm châu Âu thiệt hại đến 92 tỷ euro hoặc hơn nữa trong tương lai dài hạn.

Viện nghiên cứu kinh tế Áo (Das Österreichische Institut für Wirtschaftsforschung, WIFO) hôm 4-7 đã công bố báo cáo về những hậu quả có thể xảy ra cho nền kinh tế châu Âu từ các biện pháp trừng phạt của EU và Thụy Sĩ chống lại Nga, cũng như những biện pháp đáp trả mà Nga thực hiện.

Theo nghiên cứu trên, do áp lực tổng thể lên nền kinh tế Nga và các biện pháp đáp trả của Moscow, các nước EU và Thụy Sĩ có thể bị mất tới 34 tỷ euro trong triển vọng ngắn hạn và đến 92 tỷ euro trong dài hạn. Phần Lan, các nước Baltic và các nước Đông Âu có thể mất tới 0,8% GDP trong chu kỳ dài hạn.

Chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ các biện pháp trừng phạt và phản trừng phạt sẽ là các quốc gia châu Âu gần Nga về mặt lãnh thổ và có kim ngạch thương mại với Nga cao hơn. Trong đó,  Đức sẽ mất mát nhiều nhất, nền kinh tế nước này sẽ thiệt hại khoảng 22,3 tỷ euro.

Bởi vậy, hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều doanh nhân ở châu Âu, đặc biệt là ở Trung và Đông Âu, liên tục kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga, điều đảm bảo cho để Liên bang Nga gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đã áp đặt đối với một số sản phẩm từ EU.

Tuần trước, các doanh nhân đến từ Đức lại một lần nữa lên tiếng đòi hỏi gỡ bỏ lệnh cấm vận Nga. Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế miền Đông của Cộng hòa liên bang Đức Eckhard Cordes tuyên bố: “…những sự kiện hiện nay đã vượt quá những chờ đợi tồi tệ nhất của chúng tôi”.

Châu Âu có thể mất cả trăm tỷ euro bởi lệnh trừng phạt Nga ảnh 1Nga-Mỹ-châu Âu đang triển khai các lệnh trừng phạt lẫn nhau vì tình hình Ukraine

Ông Cordes cho rằng, tình hình hiện nay đã vượt quá mọi dự đoán tồi tệ nhất của giới chức kinh tế nước này. Ước tính, kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Nga đã giảm 1/4, tương đương 9 tỷ USD, 150.000 người lao động Đức có khả năng mất việc làm, con số này trên khắp châu Âu có thể lên tới 2,2 triệu người (1% tổng chỗ làm).

Ông Cordes còn cảnh báo, sự suy yếu các liên lạc kinh tế đồng thời sẽ dẫn đến sự giảm sút ảnh hưởng chính trị. Tình hình sẽ tiếp tục bấp bênh trong thời gian dài, kể cả khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ ngay lập tức. Ông còn cho rằng, tổng thiệt hại của Liên minh châu Âu có thể sẽ lên đến 100 tỷ euro.

Trước đó, giới doanh nghiệp châu Âu đã kêu gọi chính phủ Đức mời lãnh đạo Nga dự hội nghị thượng đỉnh G-7 diễn ra ở Bavaria. Họ nhấn mạnh việc không nên bỏ lỡ mọi cơ hội đối thoại với Nga, bởi những cơ hội này là không nhiều trong khi Nga đang chuyển hướng mạnh mẽ về phía đông.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo các nước EU vẫn chưa đưa ra bất kỳ tín hiệu nào về  khả năng xem xét lại chính sách của mình đối với Nga. Thêm vào đó, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên EU hôm 22-6 đã thông qua quyết định kéo dài thời hạn trừng phạt của châu Âu đối với nước này đến 31 tháng 1 năm 2016

Đáp trả lại, đích thân Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố, Nga cũng sẽ kéo dài thời hạn cấm vận lương thực-thực phẩm từ châu Âu thêm một năm, gấp đôi quyết định của EU, đồng thời sẽ ngăn chặn tất cả các "lỗ hổng" và "sơ đồ đen" trong nhập khẩu hàng hóa vào Nga.