Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế tại Biển Đông

ANTĐ - Ngày 16-9-2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo: Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế bằng việc cố tình thực hiện các dự án cải tạo trái phép trên Biển Đông, mà ông cho là sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự trong khu vực.

“Với những hành động của mình tại Biển Đông, Trung Quốc đã bất chấp cả luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế vốn nhấn mạnh đến cấu trúc an ninh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và sự đồng thuận trong khu vực về việc ủng hộ ngoại giao và phản đối mọi sự ép buộc”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố.

Tuyên bố của ông Carter được đưa ra cùng ngày với việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có bài phát biểu mang tính gây hấn và khiêu khích về tranh chấp trên Biển Đông, khi cho rằng Trung Quốc không bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình đối với các hòn đảo trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Trong cuộc gặp các nhà ngoại giao nước ngoài ở Bắc Kinh, ông Vương Nghị tuyên bố: “Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là lãnh thổ của Trung Quốc”. Ông Vương Nghị còn nguỵ biện rằng, bằng chứng này hoàn toàn dựa vào “sự thật lịch sử và pháp lý”.

Một đường băng đang hình thành tại bãi đá Subi mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông

Phát biểu đầy gây hấn của ông Vương Nghị được đưa ra hơn một tháng sau khi chính ông này tuyên bố hôm 5-8 rằng, Trung Quốc đã chấm dứt việc cải tạo và bồi đắp đảo trên Biển Đông.

Lần này, ông cũng không làm rõ được vấn đề là việc bồi đắp của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã chấm dứt hay là vẫn đang diễn ra, mà chỉ cho rằng việc xây dựng “cần thiết” này là nhằm cải thiện điều kiện tại các hòn đảo mà nước này sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép.

Những tuyên bố này diễn ra chỉ vài ngày trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Mỹ và có cuộc hội đàm chính thức với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào ngày 25-9, và vấn đề căng thẳng trên Biển Đông có thể sẽ có tác động nhất định đối với chuyến thăm này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng, hành động và việc làm của Trung Quốc đối với các bãi đá ngầm và đảo san hô trên Biển Đông đã có những ảnh hưởng to lớn đối với quan hệ của Bắc Kinh với Mỹ.

“Căn cứ vào những quan ngại của chúng tôi với khả năng quân sự ngày càng lớn và cách tiếp cận kiểu ép buộc đối với các tranh chấp của Trung Quốc, chúng tôi sẽ có những biện pháp thận trọng nhằm chuẩn bị cho nguy cơ đối đầu ngày càng tăng”, ông Carter tuyên bố.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo về không quân, ông Carter kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay việc cải tạo và bồi đắp đảo trên Biển Đông. Ông cho rằng, các hoạt động này có khả năng gây nên nguy cơ hiểu lầm và xung đột.

Cuối cùng, ông Carter kết luận rằng, Mỹ tiếp tục cam kết của mình đối với việc đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực. “Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay, chuyến đi trên biển và hoạt động ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép. Tóm lại, việc biến một bãi đá ngầm thành một sân bay không đủ tạo thành quyền chủ quyền hoặc cho phép hạn chế đối với sự quá cảnh hàng không và hàng hải quốc tế”, ông Carter nói.

Hồi đầu tháng, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây đường băng dài 3.000m trên bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngoài ra, nước này cũng đã xây hai đường băng dài 3.000m trên bãi đá Xu Bi và và đá Chữ Thập mà nước này đang chiếm đóng trái phép.

Hình ảnh hoạt động bồi đắp trái phép của Trung Quốc tại bãi Vành Khăn do CSIS công bố đầu tháng 9-2015

Về vấn đề này, ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của CSIS, cảnh báo rằng, với tam giác ba đường băng nói trên có thể cho phép Trung Quốc đe dọa toàn bộ hoạt động đường không quanh khu vực và đi đến chiếm đoạt chủ quyền quần đảo Trường Sa một cách bất hợp pháp. “Hành vi đó sẽ khiến căng thẳng leo thang và là mối đe dọa đối với các quốc gia khu vực và Mỹ”, ông Poling nhấn mạnh. 

Trong khi đó, chuyên gia Bonnie Glaser của CSIS nhận định, việc Trung Quốc tiếp tục xây đường băng trên Biển Đông cho thấy, nước này không muốn kiềm chế, không có ý định giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không muốn giảm căng thẳng với các nước láng giềng và Mỹ.