Bất chấp phản đối, G7 và EU vẫn siết chặt trừng phạt Nga

ANTĐ - Nhóm G7 và Liên minh châu Âu vừa đưa ra tuyên bố sẽ tiếp tục trừng phạt Nga thêm 6 tháng vì tình hình thực hiện thỏa thuận Minsk 2 ở miền đông Ukraine vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Ngày 28-5, truyền thông Nga đưa tin, lãnh đạo G7 tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt chống Nga. Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố rằng, nguyên thủ quốc gia các nước G7 thống nhất rằng, trong tháng 6 tới sẽ gia hạn trừng phạt chống Nga.

Trong Tuyên bố chung thông qua tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản cho biết rằng, những hạn chế trong quan hệ với Nga vẫn có hiệu lực, chừng nào Moscow chưa thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk và có thể sẽ tăng cường trừng phạt nếu cần thiết.

Trong tuyên bố chung của mình, giới chức lãnh đạo G7 cho biết, chế độ trừng phạt chỉ có thể được dỡ bỏ khi nào Nga thực hiện trọn vẹn các cam kết. Nếu không, khối này sẵn sàng ban hành thêm biện pháp hạn chế nếu như có thêm những rắc rối từ hành động của phía Nga.

Đồng thời, bản tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng, các nhà lãnh đạo của G7 tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại với Moscow để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhưng điều này phụ thuộc vào những hành động sắp tới của Moscow.

Ngoài ra, các thành viên 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới cũng kêu gọi tiến hành bầu cử tại Donbass càng sớm càng tốt. Để làm được như vậy, theo quan điểm của hội nghị G7, các bên có liên quan cần nỗ lực hết sức mình để đạt tới sự ngừng bắn hoàn toàn.

G7 đã quyết định sẽ gia hạn lệnh trừng phạt đối với Nga

Trước đây 2 hôm, lãnh đạo Hội đồng châu Âu cũng cho biết rằng, các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU chống lại Nga sẽ vẫn tiếp tục có hiệu lực cho đến khi thỏa thuận Minsk được thực hiện đầy đủ.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk cho biết tại cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh của G7 là hành động của EU đối với nước Nga sẽ không thay đổi. Nhà lãnh đạo châu Âu lưu ý thêm rằng, ông “không quan sát thấy tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các thỏa thuận Minsk”.

Đáp trả về quyết định của G7 gia hạn trừng phạt chống lại Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov phát biểu gọi tuyên bố G7 là “cực kỳ vô lý”. Nhà ngoại giao Nga nhắc nhở rằng, nước ông “không phải là một bên trong cuộc xung đột Ukraine”.

Đồng thời, Thư ký báo chí của Tổng thống Putin là ông Dmitry Peskov tuyên bố rằng, lập trường của điện Kremlin trước sau không thay đổi, Moscow cho  rằng, đây không phải là vấn đề trong chương trình nghị sự của Nga, bởi Nga không tham gia vào xung đột ở Donbass.

Đồng thời, ông cũng cho biết rằng, việc gia hạn trừng phạt chống Nga sẽ không gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga cũng như trên toàn cầu và việc giải quyết các sự vụ quốc tế.

Lệnh trừng phạt đối với Nga của Liên minh châu Âu cũng sẽ tiếp tục có hiệu lực

Vừa qua, 5 quốc gia là Hungary, Síp, Hy Lạp, Italia và Slovakia có ý định ủng hộ việc nới lỏng các chế tài trừng phạt Nga. Nguồn tin trong ngoại giao đoàn châu Âu đã không loại trừ khả năng những quốc gia này có thể ngăn chặn sự mở rộng của các cơ chế trừng phạt.

Tại Italia, vùng Veneto đã bỏ phiếu công nhận Crimea là của Nga đồng thời ra nghị quyết kêu gọi chính phủ nước này dỡ bỏ lệnh cấm vận Moscow. Vùng  Lombardy và Liguria cũng chuẩn bị hành động tương tự và kêu gọi châu Âu xem xét lại chính sách ngoại giao “sai lầm” đối với Nga.

Ngoài ra, nghị viện Pháp cũng đã bỏ phiếu ra nghị quyết kêu gọi chính phủ Pháp hủy bỏ lệnh trừng phạt Nga. Đồng thời, chính quyền 3 vùng trên khắp nước Đức cũng đã lên tiếng kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel lập tức bình thường hóa quan hệ với Moscow.