Bắc Kinh "phô diễn một hình ảnh thách thức"

ANTĐ - Ngày 5-7, Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận quân sự trái phép kéo dài đến ngày 11-7 tại vùng biển có diện tích 1.000km2 xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Mặc dù Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng đây là cuộc diễn tập thường lệ theo kế hoạch hàng năm, nhưng dư luận quốc tế cho rằng cuộc diễn tập này nhằm “phô diễn một hình ảnh thách thức” trước khi Tòa trọng tài quốc tế tại La Haye (PCA) dự kiến ra phán quyết vào ngày 12-7 tới.

Ngụy biện, ngoan cố

Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), cuộc tập trận này bắt đầu vào khoảng 8h Bắc Kinh. Về binh lực tham gia cuộc diễn tập, tờ Đại công báo phát hành ở Hong Kong (Trung Quốc) hôm 5-7 cho biết ngay từ ngày 30-6 đã có cơ quan truyền thông đưa tin nói rằng nhiều chiến hạm át chủ bài của 3 hạm đội lớn thuộc hải quân Trung Quốc đã tập trung tại quân cảng Tam Á ở Hải Nam.

Đó là tàu khu trục tên lửa Thẩm Dương (có lượng giãn nước tiêu chuẩn 6.500 tấn và đủ tải là 7.100 tấn) thuộc Hạm đội Bắc Hải, tàu khu trục tên lửa Ninh Ba Dương (có lượng giãn nước tiêu chuẩn 6.500 tấn và đủ tải là 7.940 tấn) và tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ Triều Châu Dương (có lượng giãn nước đủ tải là 1.300 tấn) thuộc Hạm đội Đông Hải và các tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải.

South China Morning Post dẫn bình luận của ông Ashley Townshend, nghiên cứu sinh tại Đại học Sydney (Australia) cho rằng việc ấn định thời điểm các cuộc tập trận này cho thấy ý đồ của Bắc Kinh muốn “phô diễn một hình ảnh thách thức” trước khi PCA dự kiến ra phán quyết vào ngày 12-7 tới. Ngay cả tờ Thời báo Hoàn cầu cũng phải thừa nhận rằng cuộc tập trận diễn ra vào “thời điểm nhạy cảm” trước phán quyết của PCA. Tờ báo này cho rằng, phán quyết của PCA “đặt ra mối đe dọa nhiều hơn với Trung Quốc”. 

Theo bài báo, Mỹ có thể sử dụng phán quyết của PCA để gây thêm sức ép với Trung Quốc “tạo thêm nhiều căng thẳng ở Biển Đông”. Mỹ đã triển khai 2 tàu sân bay đến gần Biển Đông và theo tờ Thời báo Hoàn cầu, điều này phát đi tín hiệu “buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của PCA”.

Vì vậy, theo họ, Trung Quốc nên “tăng tốc khả năng răn đe quân sự chiến lược” chuẩn bị cho cuộc đối đầu quân sự có thể xảy ra sau ngày 12-7. “Mặc dù Trung Quốc không thể theo kịp Mỹ về sức mạnh quân sự trong tương lai ngắn hạn, Trung Quốc cần có khả năng để buộc Mỹ trả giá”, tờ Thời báo Hoàn cầu viết. Theo báo này, Trung Quốc hy vọng tranh chấp có thể được giải quyết bằng đàm phán, nhưng cũng phải chuẩn bị cho bất cứ cuộc đối đầu quân sự nào.

Càng “diễn” càng cô độc

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Guardian, chuyên gia Andrew Nathan thuộc Đại học Columbia về chính sách đối ngoại và chính trị Trung Quốc cho biết, Trung Quốc chắc chắn sẽ không để ý đến mọi lời chỉ trích từ quốc tế. “Trung Quốc sẽ chẳng quá lo lắng về những khiếu nại của những nước láng giềng. Chắc chắn khi đến một thời điểm thay đổi được cán cân quyền lực trong khu vực, quốc gia này sẽ bỏ ngoài tai mọi lời phản đối của các nước láng giềng”.

Bà Đường Tú Mân, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng cuộc tập trận trên nhằm chứng tỏ lập trường của Trung Quốc không chịu khuất phục trước áp lực bên ngoài và quyết tâm bảo vệ yêu sách của họ đối với vùng biển có tranh chấp.

Theo bà Đường Tú Mân, cuộc tập trận vừa là cách để Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự vừa là để chứng tỏ họ sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ quyền lợi quốc gia. Các nhà phê bình trong và ngoài nước cho rằng lập trường ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông làm suy giảm vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế và đẩy ra xa các đồng minh láng giềng tiềm năng.

- Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook: “Bất cứ điều gì làm leo thang căng thẳng ở khu vực đó của thế giới đều phản tác dụng. Mỹ không tìm cách đối đầu với Trung Quốc nhưng sẽ duy trì sự hiện diện để ổn định trong khu vực. Washington đã chỉ ra con đường ngoại giao để giải quyết hòa bình vấn đề tranh chấp hàng hải”.

- Bà Colin Willett, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á: “Washington có nhiều lựa chọn để đáp trả bất cứ hành động nào của Trung Quốc trong khu vực có tầm quan trọng sống còn đến các lợi ích của Mỹ. Quan điểm của Mỹ là phán quyết của tòa phải có tính ràng buộc pháp lý. Washington hy vọng Trung Quốc sẽ xem phán quyết như một cơ hội để tái khởi động những cuộc thảo luận nghiêm túc với các nước láng giềng”.

- Ông Malcolm Cook, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore: “Cuộc tập trận cho thấy Trung Quốc muốn chứng tỏ quyết tâm bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông”.