Trả lời câu hỏi: Điều gì tạo nên linh hồn Hà Nội?

ANTD.VN - Noel Poirier - cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam vừa cùng với nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo có cuộc trò chuyện với người yêu Hà Nội tại Ngôi nhà Di sản 38 Hàng Đào. 

Ông cho rằng: “Linh hồn của Hà Nội không phải do các chuyên gia đô thị, hay một kiến trúc cụ thể tạo nên. Linh hồn Hà Nội chính là nhờ người dân nơi đây mà thành”.

Trả lời câu hỏi: Điều gì tạo nên linh hồn Hà Nội? ảnh 1Những khu tập thể “chuồng cọp” qua góc nhìn của các họa sĩ trong triển lãm “Thay hình đổi mặt”

Hà Nội như… vợ hiền

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo có đùa: “Với tôi, Hà Nội như một người vợ, có lúc thì rất tuyệt vời, có lúc lại lẩm cẩm”. Ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm không thích câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Bởi lẽ: “Đừng cậy mình là người Hà Nội mà không thanh lịch. Có những người lúc nào cũng tâm đắc mình là người Hà Nội cũ, mình là một dạng khác, nó không hòa tan được”, nhiếp ảnh gia chia sẻ.

Sẽ là không phải nếu tách riêng người Hà Nội với người nơi khác. Ông không thích dùng từ “Người Hà Nội” trong bất cứ hoàn cảnh nào, tính cách Hà Nội thì có, chứ người Hà Nội gốc gác về mặt gia phả thì quá ít, ông mong mọi người đừng nên đặt nặng vấn đề này, kẻo thành những mâu thuẫn không đáng có. Thủ đô Hà Nội là nơi hội tụ. Bên cạnh sự thanh lịch, những người dân nơi khác đến Hà Nội cũng đã tạo nên bao hình ảnh đẹp. Đồng thời, họ xây dựng, gìn giữ cho một nền văn hóa chung của đất nước mà Hà Nội là tiêu biểu.

Nói về Hà Nội, cựu đại sứ Jean Noel Poirier nhận thấy: “Hà Nội có nhiều quận mới, khu mới. Ví như khu Mỹ Đình, Hà Nội đã thành công biến một vùng ven thành một phần Hà Nội”. Trong lòng mỗi người không còn những biên giới “Hà Nội cũ”, “Hà Nội 1”, “Hà Nội 2” hay ranh giới thành phố và ngoại ô. Những con người sinh sống trong thành phố có cảm giác họ là người Hà Nội. Điều này khác hẳn với Paris. Ở Paris, các khu mới được xây sau chiến tranh thế giới thứ II, có một vách ngăn vô hình nhưng ai cũng nhận ra đó là: người ở ngoại ô, các khu không phải là người Paris. 

Hà Nội có một tinh thần cưu mang, đón chào người ở phương xa đến. Và người ở xa cũng hiểu được tấm lòng Hà Nội, dù qua những cử chỉ bé nhỏ, vụn vặt thường ngày. Có thể nói, ai cũng tìm thấy một phần “mình” trong thành phố. Có những người không thể đi xa Thủ đô. Họ coi nơi đây là nơi duy nhất mà họ có thể sống với tất cả các trạng thái tinh thần: vui, buồn, hờn giận, hạnh phúc… Họ luôn tìm thấy một nơi chốn phù hợp trong mọi hoàn cảnh rồi tìm được bình yên.

Trả lời câu hỏi: Điều gì tạo nên linh hồn Hà Nội? ảnh 2Một góc Hà Nội xưa

Thần thái người Hà Nội hôm nay

Cố gắng nắm bắt linh hồn của Hà Nội, cựu đại sứ Noel Poirier tìm ra một số nét đẹp, một số bí mật của Hà Nội mà người Hà Nội lại không lưu ý đến và ông lấy làm thú vị. Người dân Hà Nội có một cách sống trong thành phố rất riêng, sống trên vỉa hè: ăn cơm, chăm con, đi đứng… làm ăn trên vỉa hè. Du khách đi lại trong thành phố khám phá người dân sinh hoạt trên vỉa hè có thể khám phá về tính cách, thói quen của người Việt Nam. Nhìn khung cảnh phố phường Hà Nội tấp nập, ông thấy như xem một vở kịch lớn với nhiều trạng thái.

Hà Nội - một thành phố vừa vặn cho mọi lứa tuổi, đáng chú ý là các khu tập thể; “chuồng cọp” cơi nới thường bị coi là xộc xệch, nhếch nhác tại các khu tập thể ở Thành Công, Giảng Võ quanh Núi Trúc, cựu đại sứ Noel Poirier lại cho rằng đó là hình ảnh đặc trưng. “Tôi nghĩ khi những kiến trúc sư Liên Xô trước đây quay trở lại khu tập thể, có lẽ họ sẽ cảm giác đây là… sao Hỏa, không thể nhận ra kiến trúc như ý định xây dựng ban đầu họ đem đến khu này”. Người dân Hà Nội đã thật linh động để thích nghi và để lại những dấu ấn văn hóa vào đời sống.