Thời thơ ấu cơm rang

ANTD.VN - Chẳng cứ người Việt, hình như ở bất cứ đâu trên thế giới có người ăn gạo thì hẳn là phải có món cơm rang. Người Indonesia ở đảo Bali chiên cơm đổ ra đĩa lót lá. Cho thêm vào đó những món thịt bò, thịt gà nấu cay. Một tay vê cơm ăn một tay lau nước mắt. Khách khứa đôi khi nhầm tay là đứt bữa. 

Thời thơ ấu cơm rang ảnh 1Cơm rang giờ đây đã trở thành một món ngon phổ biến

Những món ăn cay của người Indonesia giống như người miền Nam Trung Quốc. Đĩa cơm rang ăn ở ven hồ Nhĩ Hải tỉnh Vân Nam bao giờ cũng có thêm một đĩa ớt xanh quả dài thượt xào bóng mượt đặt bên cạnh. Khách lạ cứ ngỡ như ngọn rau cải xào. Gắp lên bỏ miệng dù lịch sự đến mấy cũng choáng váng ho khan tức tưởi.

Chẳng biết món cơm rang có mặt ở Hà Nội từ bao giờ. Đó là một món ăn rất lạ. Khi ở nhà hàng thì nó đứng vào hạng đặc biệt cầu kỳ đắt đỏ. Lúc ở nhà bỗng nhiên lại trở thành món ăn bình dân hạng cuối cùng. Nhiều gia đình Hà Nội xưa không bao giờ coi cơm rang là một món ăn có trong thực đơn của mình. Cỗ bàn khách khứa chẳng bao giờ làm món ấy. Đại khái chỉ coi là món ăn lót dạ buổi sáng của con nhà nghèo.

Những năm chiến tranh phá hoại, không còn gia đình Hà Nội nào được coi là giàu có nữa. Tình hình lương thực thực phẩm lúc ấy quá khó khăn, mọi người có tiêu chuẩn gần như bằng nhau ở mức tối thiểu. Cơm rang là món ăn sáng chủ lực ở rất nhiều gia đình. Trẻ con từ sáu bảy tuổi trở lên cho đến người già ai cũng có thể rang cơm theo cách của mình.

Bữa cơm chiều thường nấu dư ra độ một ống bơ gạo để sáng sau có cơm mà rang. Đó là thời kỳ người Hà Nội ăn nhiều gạo nhất trong lịch sử ẩm thực thì phải. Người lớn có tiêu chuẩn từ 13kg đến 17kg gạo một tháng tùy theo công việc. Lao động gián tiếp được 13kg. Làm việc chân tay trực tiếp được 17kg. Vài người có công việc nặng nhọc như công nhân bốc vác, lái tàu hỏa, thợ điện leo cột, thầy giáo dạy thể dục… được hưởng 21kg gạo một tháng. Trẻ con từ 12 tuổi trở lên có tiêu chuẩn như người lớn. 

Cơm rang gia đình đầu tiên dùng mỡ lợn, hành củ, hành hoa, nước mắm để chế biến. Người lớn cẩn thận phi hành rồi mới cho cơm vào vừa nén vừa đảo. Cuối cùng nêm nước mắm cho vừa ăn và rắc hành lá thái dài một đốt ngón tay. Trẻ con vụng tay làm bừa đôi khi cho vào chảo cùng lúc. Vẫn thành cơm rang mà không thể gọi là một món gì khác.

Đến thời hết mỡ lợn thì thay bằng mỡ cừu mùi hoi váng vất cả phố. Hết mỡ cừu lại chuyển sang mỡ hóa học trắng như bông và gần như không mùi. Hết nước mắm thì cho vài hạt muối vào nổ tí tách cũng vui tai. Mậu dịch bán ra thứ gì thì phải dùng thứ ấy mà không có lựa chọn. Chỉ miễn là vẫn có tí mỡ mới thành cơm rang dù rằng đôi khi mỡ chỉ đủ bôi bóng chảo cho cơm khỏi sát. Chính vì thế cơm rang ở nhà không bao giờ có công thức nấu nướng cố định. Nó là món ăn điểm tâm nhưng cũng có lúc là món chính độc nhất cho những người lỡ bữa trong nhà. Đi học đi làm về muộn cơm canh nguội hết tốt nhất là tự làm một bát cơm rang cho mình.

Thời thơ ấu cơm rang ảnh 2Nhà văn Đỗ Phấn

Lúc ấy vẫn có những quán ăn nửa công khai trên phố Tạ Hiện của vài người Hoa hoạt động. Họ chế ra những món cơm rang lạ miệng rất xứng đáng là một đặc sản trong thời đói khổ. Cơm rang thịt gà, cơm rang trứng, cơm rang lạp xường. Cơm rang thập cẩm có thêm hạt đậu, cà rốt. Nghề rang cơm của họ nghe nói gia truyền. Hạt cơm tròn bóng bẩy rời như xôi vò là ao ước sâu xa đến mức cay cú của mấy bà nội trợ Hà Nội. Làm được đĩa cơm rang như vậy phải bắt đầu từ khâu chọn gạo, nấu cơm, quạt nguội… không hề dễ. 

Cũng có những hàng cơm rang gánh vỉa hè vào buổi tối ở Đinh Tiên Hoàng gần Sở Văn hóa - Thể thao bây giờ. Chảo gang nhiều mỡ đảo cơm với dưa chua thơm đến cồn cào. Hương vị của chảo cơm này có thể tỏa lan đến nửa vòng hồ Gươm. Cơm rang trở thành món nhắm với rượu trắng nút lá chuối. Ngồi trên chiếc ghế con thấp lè tè vỉa hè nhấm nháp miếng cơm rang dưa cay. Thỉnh thoảng vấp răng vào miếng tóp mỡ béo bùi kể như niềm hạnh phúc còn hơn cả bất ngờ hoa hậu đến chơi nhà. Những quán cơm rang này bán đến tận nửa đêm mới hết hàng. Đám công nhân làm đêm và văn nghệ sĩ nghèo thường tụ tập nhau ở đấy đến quen mặt. Hôm nào rủng rỉnh hơn sẽ chạy ù lên góc Hàng Bè - Hàng Bạc làm thêm mấy chiếc chân gà quán bà Đồng nữa là đủ một tiệc tối đầy đặn nhớ thương.

Hai chục năm trở lại đây cơm rang đã hoàn toàn trở thành món ăn ở những nhà hàng trung lưu. Độ cầu kỳ chế biến mỗi nhà một cách nhưng không theo bất cứ quy chuẩn nào. Chỉ có thể chia ra vài loại kiểu như cơm rang gà, cơm rang bò, cơm rang hải sản và nấm. Nhưng lại có một điểm chung khiến cho những tín đồ của cơm rang thời chiến Hà Nội rất nản lòng. Người ta không dùng mỡ lợn nữa mà thay vào đó bằng dầu ăn. Phi mấy cọng hành bằng dầu ăn thôi cũng đủ thấy muôn phần thất bại. Lại thêm nước mắm công nghiệp có lỡ tay rớt ra áo cũng chỉ mươi phút là hết mùi. Nước mắm ấy rang cơm chẳng thà dùng muối hạt còn hơn.

Đến tận bây giờ nhiều người Hà Nội vẫn không thể hình dung ra tại sao ngày ấy mình có thể ăn hết hơn yến gạo một tháng. Kéo nhau cả đám ra nhà hàng bây giờ dù ngon đến mấy cũng chỉ gọi một đĩa cơm rang cho mỗi người vài thìa là đủ.

Chẳng biết món cơm rang có mặt ở Hà Nội từ bao giờ. Đó là một món ăn rất lạ. Khi ở nhà hàng thì nó đứng vào hạng đặc biệt cầu kỳ đắt đỏ. Lúc ở nhà bỗng nhiên lại trở thành món ăn bình dân hạng cuối cùng.