Sao phải lên Bờ Hồ?

ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Thuộc thế hệ 8X, nhà báo Đức Hoàng hiện đang là một trong những cây bút xuất sắc của làng báo, đồng thời cũng là một Facebooker rất “hot” với nickname Hoàng Hối Hận. Trong bài viết dưới đây, Đức Hoàng thể hiện quan điểm riêng của mình về vấn đề: người dân Hà Nội vui, ăn, chơi ở đâu, không chỉ ở khía cạnh văn hóa mà còn là vấn đề về quy hoạch để làm sao người dân đều có thể thụ hưởng các giá trị văn hóa tinh thần một cách bình đẳng nhất.

Một người phụ nữ bán hàng rong cầm cái quạt quật vào chân một người đi bộ. “Đi đi cho người ta bán hàng”- bà ta gào lên với một giọng mất kiềm chế. Đấy là Hàng Mã những ngày cao điểm.

Người đi bộ chen chúc nhau giữa xanh đỏ đèn màu, người bán hàng rong ngồi giữa lòng đường thành một “dải phân cách” kiên cố. Xe tải dẹp chợ của Ủy ban phường cố chen vào con phố, đi hai lượt, không ăn thua, rồi đi ra.

Người bán rong cầm ghế nhựa đứng ngay sau đuôi xe để “xếp lốt”, xe đi qua là lại ngồi xuống yên vị. Một phụ nữ đứng lại giữa phố, đưa điện thoại lên để chụp ảnh “tự sướng”. Đứng ngay trước mặt bà bán hàng rong.

Bà già hùng hổ vung cái quạt đập mạnh vào đôi chân trước mặt. Vị khách bộ hành giật mình, trừng mắt nhìn lại. Một bàn tay kéo đi, thôi thôi. May không có chửi nhau.

Bờ Hồ những ngày phố đi bộ ra đời, vẫn những mâu thuẫn cũ thời chưa cấm xe: là “chỗ trũng” ăn chơi của cả thành phố, người khắp nơi đổ về, để chơi, để ăn uống, hay chỉ để xem phố cổ trông thế nào.

Lại vẫn là “chỗ trũng” thương mại, người bán hàng từ khắp nơi cố chen lấy một chỗ trên phố đi bộ. Người từ bãi giữa cũng mò lên, cố tìm lấy phần của mình trong miếng bánh kinh doanh khổng lồ. Các phương tiện không vào khu Bờ Hồ nữa thì ách lại ở bên ngoài, trong những bãi gửi xe chật như nêm mà vẫn thiếu.

Cuối cùng thì việc giải phóng mặt bằng để tìm ra một không gian sinh hoạt mới cho người Thủ đô vẫn không thể thoát được cái quán tính tâm lý “lên Bờ Hồ”.

Từ hai thế kỷ trước, niềm mơ ước của những con người sống khắp vùng Hà Nội đã là được đi chơi Bờ Hồ.

“Cả vùng Bưởi chúng tôi lên ngồi tàu điện xuống đi chơi Bờ Hồ” - Tô Hoài viết về cái ngày khai trương tàu điện năm 1899. Ba mươi năm sau, hiện lên trong ký ức của “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam), cũng vẫn là nỗi thèm khát “được đi chơi Bờ Hồ, uống những cốc nước lạnh xanh đỏ”.

Ba mươi năm sau nữa, những ngày Mỹ ném bom Hà Nội, chốn ấy vẫn là nơi dòng người đổ về những ngày bầu trời bình yên. “Dù thiếu điện nhưng quanh hồ Gươm ngành điện vẫn cho mắc các bóng đèn sơn các mầu… Bờ Hồ vui không thể tả được” - Nguyễn Ngọc Tiến viết về những ngày cuối năm 1972.

Sao phải lên Bờ Hồ? ảnh 1Đã đến lúc Hà Nội cần phát triển nhiều khu vui chơi khác để giảm tải cho Bờ Hồ. Ảnh: Lam Thanh

Cho đến hôm nay, khi mà Hà Nội đã rộng ra hơn 20 lần, dân số đông gấp 17 lần so với ngày tiếp quản Thủ đô 1954, thì “đi chơi Bờ Hồ” theo một cách nào đó vẫn là một nỗi khao khát của người dân Thủ đô.

Nỗi khao khát ấy vẫn liên tục được bồi đắp qua năm tháng bằng việc đầu tư biến Bờ Hồ thành một không gian văn hóa, cảnh quan và tìm cách làm mới nó, ra sức quảng bá cho nó với tư cách của một trái tim.

Dù Bờ Hồ không thể to ra thêm được nữa. Sức chứa của trái tim ấy, cùng với những mạch máu xung quanh như Hàng Bông, Hàng Bài, Hàng Thùng… vẫn chỉ có vậy. 

Các nhà khoa học giả thiết rằng cơ thể của con khủng long cổ dài Brachiosaurus phải có một trái tim cực lớn, nặng khoảng 1,6 tấn; hoặc là nó phải có đến 4 trái tim nằm dọc cổ. Phải như thế thì máu mới lưu thông được trong cái cơ thể khổng lồ của nó.

Hà Nội trên thực tế đã trở thành một cơ thể siêu lớn. Và việc nó vẫn cương quyết chỉ có một “trái tim” với những van tim không thể giãn nở tạo ra những điều bất cập. Cho dù có loay hoay cách nào, thì trái tim ấy vẫn sẽ quá tải.

Cái làng Bưởi mà người dân khao khát leo tàu điện đi chơi Bờ Hồ của Tô Hoài, giờ đã thành trung tâm thành phố. Bây giờ người từ Hà Đông, từ Gia Lâm, từ tận Thạch Thất hay Thạch Bàn nếu muốn tìm đến một không gian cộng đồng đậm chất văn hoá Hà Nội, thì vẫn cũng sẽ phải “đi chơi Bờ Hồ”. Không còn lựa chọn khác.

Cho dù giao thông, đặc biệt trong những ngày lễ, có sự chen chúc, khổ sở. Cơ thể của con khủng long vẫn chỉ có một trái tim.

Có lẽ là cùng với việc “cải tạo” trái tim lịch sử của Thủ đô thành một điểm đến giá trị - đã đến lúc thành phố cần nghiêm túc nghĩ đến việc tạo ra thêm những trái tim văn hóa mới.

Rải rác khắp những vùng quanh “Hà Nội băm sáu phố phường” đã già cỗi vẫn còn những địa điểm lịch sử xứng đáng biến thành không gian văn hóa, thành phố đi bộ, thành tụ điểm để các bạn trẻ bày ra cây đàn guitar và hát như trên Bờ Hồ những ngày này.

Khu phố cũ Hà Đông có thể là một ví dụ tốt. Hay là những làng quanh hồ Tây. Hay là khu Bách Khoa? Cho đến lúc này, ngoài Bờ Hồ, thì khắp nơi ở Hà Nội, đất đai vẫn chỉ đang được tính toán với tư cách bất động sản.

Thực tế thì, rất nhiều người sống ở Hà Nội bây giờ ngần ngại khi nghĩ đến việc đưa trẻ con len lỏi qua Hàng Bông những ngày cuối tuần để “đi chơi Bờ Hồ, uống những cốc nước xanh đỏ”.