Phong độ văn hóa Hà Nội

ANTD.VN - Kết quả khai quật ở Ngọc Hà, Công viên Thống Nhất trong thập niên 60, thế kỷ XX phát hiện rìu đồng cho thấy xa xưa Hà Nội là vùng đất cổ. 

Nơi đây có truyền thuyết như Lý Ông Trọng chém con giải trên sông Hồng để cứu mẹ và ngày nay đình làng Chèm còn thờ Lý Ông Trọng. Cáo chín đuôi hại người, người dân ở khu vực Hồ Tây và Lạc Long Quân đã chiến đấu giết chết con cáo hóa tinh này nên mới có tên làng Cáo Đỉnh (làng Cáo Đỉnh sáp nhập với làng Xuân Tảo nay là Xuân Đỉnh). Rồi truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy, Tháng Gióng đánh giặc Ân... 

Phong độ văn hóa Hà Nội ảnh 1Trong quá trình phát triển, tâm thức đã tạo ra tính cách hào hoa, can trường, nếp sống tao nhã, thanh lịch và tế nhị của Hà Nội

Trong gần 800 năm, Hà Nội xưa liên tục là kinh đô của Đại Việt kể từ khi Lý Công Uẩn lập kinh đô cho đến khi Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn chuyển kinh đô vào Huế năm 1802. Thời gian đó, các vua  triều  Lý, Trần, Hậu Lê đều cho xây dựng các công trình văn hóa tín ngưỡng, ly cung, biệt phủ, đắp bồi văn hóa cho đất kinh kỳ. Tháp Báo Thiên nằm cạnh hồ Gươm từng được cho là công trình vĩ đại và có giá trị kiến trúc và nghệ thuật cao. Chùa Một Cột cũng là sự sáng tạo độc đáo của những người thợ Đại Việt. Và Quốc Tử Giám không chỉ là trường đại học đầu tiên của Việt Nam mà còn có giá trị kiến trúc. 

Theo thống kê, Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng di tích với  5.922 di tích lớn nhỏ, bao gồm di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Hầu hết các di tích này được xây dựng từ lâu, muộn nhất là 100 năm và sớm nhất là nhiều thế kỷ, trong đó 2.396 di tích đã được xếp hạng. UNESCO đã xếp hạng Hoàng thành Thăng Long là di sản nhân loại, bia đề danh tiến sỹ Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng được vinh danh là di sản văn hóa và tư liệu thế giới. Mười  một di tích cũng được Chính phủ công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 1.202 di tích cấp thành phố.

Cùng với các di tích vật thể, các truyền thuyết, huyền thoại tiếp tục ra đời trong các triều đại phong kiến. Truyền thuyết Lý Công Uẩn khi xây thành đang chọn vị trí xây cấm thành thấy con chó trắng trên lưng có chữ vương bơi từ Đình Bảng (Bắc Ninh) sang núi Nùng và đẻ nên Lý Công Uẩn đã xây cấm thành ở khu vực này. Khi thành hoàn thành, Lý Công Uẩn đã cho xây đền thờ gọi là Cẩu nhi. Đó chỉ một trong vô số truyền thuyết. Cùng với sản xuất ra của cải vật chất, việc sáng tạo ra các giá trị tinh thần đã làm nên tâm thức Hà Nội. Tâm thức trở thành cọc bám vững chắc cho người Thăng Long tồn tại và phát triển. 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Theo quan niệm phổ biến hiện nay về văn hóa thì theo trục ngang, Hà Nội có đầy đủ, từ văn hóa dân gian, làng nghề thủ công đến kiến trúc, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, hội họa. Nếu  theo trục  dọc, Hà Nội từng có văn hóa cung đình đến văn hóa dân dã. Không phải địa phương nào cũng có đủ trục ngang và trục dọc văn hóa như Hà Nội. Đây là nét riêng trong văn hóa Hà Nội, không chỉ nhiều mà nó còn mạnh vì thế nó có sức lan tỏa. 

Văn hóa Hà Nội không chỉ có yếu tố nội sinh mà còn yếu tố ngoại sinh. Kinh đô, Thủ đô này biết tiếp thu văn hóa nước ngoài để rồi sửa đổi, gạn lọc lấy những cái tinh túy đưa vào đời sống. Thăng Long - Hà Nội còn biết dung hợp các giá trị văn hóa nội sinh với ngoại sinh để tạo ra cái mới hoặc cùng tồn tại bên cạnh nhau mà không mâu thuẫn. Trong quá trình phát triển, tâm thức đã tạo ra tính cách hào hoa, can trường, nếp sống tao nhã, thanh lịch và tế nhị. Vì thế mới có câu “Không thơm cũng thể hoa nhài / Dẫu không thanh lịch cũng người thượng kinh”, “Người thanh tiếng nói cũng thanh / Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu” hay “Ăn Bắc, mặc Kinh”, ý là nói cách ăn mặc của người Kinh kỳ nền nã và kiểu cách. 

Cuối thế kỷ XIX, Pháp chiếm Hà Nội. Năm 1902, Hà Nội trở thành Thủ đô của Liên bang Đông Dương. Khi xây dựng và phát triển thành phố này, họ cũng đã phá bỏ nhiều công trình có giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật kiến trúc, trong đó có chùa Báo Ân (nay là Bưu điện Bờ Hồ) với 180 gian theo lối kiến trúc tôn giáo truyền thống. Họ cũng phá bỏ những gì còn lại của thành Hà Nội xây từ thời Nguyễn.

Tuy nhiên, người Pháp cũng xây dựng nhiều công trình sang trọng có giá trị về nghệ thuật và kiến trúc như: Nhà hát Lớn, Dinh Toàn quyền và rất  nhiều biệt thự với các phong cách kiến trúc khác nhau. Họ cũng đưa nghệ thuật, sách báo, ẩm thực, trang phục kiểu phương Tây vào Hà Nội. Phần bị cưỡng bức, phần tự nguyện nên văn hóa, văn minh Pháp cũng ảnh hưởng tới đời sống người Hà Nội. Tuy nhiên, người Hà Nội biết tước bỏ những gì không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.     

Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Hà Nội được chọn là Thủ đô và liên tục là Thủ đô cho đến nay. Vị thế Thủ đô làm cho văn hóa Hà Nội giàu có hơn nhiều vùng miền khác. 

Hà Nội xưa và nay luôn là nơi tụ hội của văn sĩ, trí thức và tầng lớp trung lưu. Và tầng lớp tinh hoa này đi đầu trong sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới. Mặt khác bản thân người Thăng Long - Hà Nội cũng đòi hỏi phải có những cái mới. Hai cái đó đã góp phần tạo ra phong độ văn hóa riêng của Hà Nội.