Phim và rạp ở Hà Nội xưa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 1919, bộ phim câm “Thần cọp” lần đầu tiên chiếu tại khách sạn Metropole (phố Ngô Quyền) đã mở ra cơ hội cho người dân Hà Nội được  tiếp cận với bộ môn nghệ thuật mới mẻ của phương Tây.

Phim và rạp ở Hà Nội xưa ảnh 1Bộ đội Việt Minh vào tiếp quản giải phóng Thủ đô Hà Nội đi qua cửa rạp Đại Nam (phố Huế) ngày 10-10-1954

Rạp chiếu bóng đầu tiên

Dù là phim câm nhưng sự lạ lẫm và mới mẻ của loại hình giải trí này đã mê hoặc giới  trẻ Hà Nội. Nhận thấy đó là  cơ hội kiếm tiền, một người Pháp tên là Aste đã móc nối với Hội đồng thành phố phá một phần đền Bà Kiệu lấy mặt bằng xây rạp. Rạp có tên  là Pathé, mái lợp tôn, kê ghế gỗ, khánh thành ngày 10-8-1920. Đây là rạp chiếu bóng (xưa gọi là “chớp bóng”) đầu tiên ở Hà Nội.

Rạp thứ 2  là  Tonkinois ở phố Hàng Quạt, trước khi trở thành rạp chiếu phim, Tonkinois là nhà hát Năm Chăn chuyên diễn tuồng. Chủ Tonkinois là anh chàng Tây lai lấy vợ Việt. Gọi là nhà hát nhưng thực ra chỉ là mấy ngôi nhà rộng năm gian khi diễn tuồng thì dẹp đồ đạc, thu gom quần áo, khán giả quây xung quanh chiếc đèn treo ba dây. Rạp chiếu phim lần đầu tiên vào ngày 12-6-1921 và sau đó chuyên chiếu phim trinh thám, phiêu lưu nhiều tập, phim về chiến tranh.

Cũng không bỏ lỡ cơ hội, ngày 11-9-1923, một số người Pháp đã thành lập Hãng phim và chiếu bóng Đông Dương (Indochine Films et Cénema - IFEC). IFEC vừa sản xuất vừa nhập phim chiếu tại Hà Nội và các tỉnh thành khác trên cả nước. Sau khi IFEC thành lập, hãng này cũng bỏ tiền xây rạp. Rạp đầu tiên của họ khánh thành vào năm 1924 mang tên là Palace, sau đó là Family (ở phố Hàng Buồm).

Năm 1930, một công ty chiếu bóng nữa do người Pháp làm chủ đã ra đời ở Hà Nội để cạnh tranh với IFEC, đó là Societé des cinéthéâtre d’Indochine (SDCI). Thấy chiếu bóng là ngành kinh doanh béo bở, một số Hoa kiều cũng bỏ vốn xây dựng, nhưng họ chỉ xây rạp nhỏ, thuê phim của người Pháp và một số ít phim Hồng Kông (Trung Quốc) để chiếu. 

Trước năm 1930, mỗi rạp chỉ đặt một máy chiếu, khi hết phim, thợ sẽ thay cuộn mới để chiếu tiếp. Màn ảnh được làm bằng vải trắng, xung quanh viền vải màu xanh thẫm hoặc đen. Sàn phòng chiếu bằng phẳng và màn ảnh được đặt trên cao nên xem xong phim ai cũng bị mỏi cổ. Khán giả ngồi trên những ghế tựa hoặc ghế băng có tựa lưng bằng gỗ, nhưng có vài rạp không có ghế ngồi mà ngồi dưới sàn, màn ảnh nằm ở giữa phòng cho khán giả xem 2 mặt. Rạp kiểu này có 2 hạng vé, xem mặt chính thì trả 2 xu, xem mặt trái thì chỉ mất nửa tiền. 

Năm 1932, Hà Nội xuất hiện thêm một số rạp nữa là Majestic (nay là rạp Tháng 8 ở phố Hàng Bài) và rạp Hội Âm nhạc (nay là Nhà hát múa rối Kim Đồng ở phố Đinh Tiên Hoàng). Rạp Hội Âm nhạc có 2/3 phía trên là ghế tựa, còn lại phía dưới là ghế băng và giá vé rất rẻ nên thu hút rất đông khán giả là học sinh con nhà nghèo. Tiếp đó là các rạp Bắc Đô (Hàng Giấy). Một số người Việt Nam bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh mới này và ở Hà Nội nhà tư sản Vạn Xuân là người đầu tiên bỏ tiền xây rạp Olympia (nay là Nhà hát Hồng Hà ở phố Hàng Da) vào năm 1936.

Phim và rạp ở Hà Nội xưa ảnh 2Rạp chiếu bóng ở Hà Nội đầu thế kỷ 20

Cạnh tranh quyết liệt 

Đầu năm 1930, phim chiếu vẫn là phim câm có phụ đề tiếng Pháp nên khán giả đi xem chủ yếu là học sinh, người biết tiếng Pháp và công dân Pháp sinh sống ở Hà Nội. Còn các bà, các cô vẫn bị chèo và cải lương hút hồn. Để thu hút thêm khán giả không biết tiếng Pháp, nhiều rạp đã cho dịch ra tiếng Việt và có thuyết minh. Bộ phim đầu tiên theo kiểu này là “Phía Tây không có gì lạ” khiến các rạp chật cứng. 

Sức hút của “chớp bóng” ngày càng mạnh mẽ đã lôi kéo được các bà, các cô vốn mê các vở cải lương bi lụy đến các rạp xem phim. Một cuộc cạnh tranh bắt đầu diễn ra giữa IFEC và SDCI. Họ cải tạo lại các rạp chiếu bằng cách làm dốc sàn, lắp ghế da cho hạng vé sang và ghế gỗ cho hạng bình dân, lắp quạt trần. Một số rạp mới xây có ban công và các hàng ghế được bố trí lệch nhau.

Trước khi chiếu phim nào đó, họ quảng cáo phim đó trên các báo tiếng Việt, căng băng rôn trên các phố, dán áp phích ngay trước cửa rạp. Nhận thấy Tết Nguyên đán là cơ hội tốt cho kinh doanh nên năm 1934 lần đầu tiên SDCI tổ chức chiếu phim Tết. Không chỉ chiếu vào trước Tết mà họ còn chiếu vào ngày đầu tiên của năm mới. Họ tạo không khí Tết bằng cách cắm hoa đào, dán câu đối chúc Tết trong rạp và yêu cầu nhân viên tươi cười niềm nở với khán giả.

Tết năm 1935, rạp Majestic chiếu phim “Tarzan” và chủ rạp còn đưa cả cây cối vào góc rạp để tạo cảm giác giống như cánh rừng nhiệt đới. Trước những chiêu hút khách của SDCI, IFEC cũng đã chạy theo để không mất cơ hội. Vì người Việt muốn đầu năm vui vẻ nên các rạp khai thác phim Mỹ, Hồng Kông và một ít phim Pháp có nội dung mang tính giải trí hay hài nhẹ nhàng. Báo Trung Bắc Chủ nhật năm 1939 đã viết: “Các ông chủ rạp hỉ hả bởi lợi nhuận thu về trong khi ông Nguyễn Định Nghị (trùm chèo ở Hà Nội, chuyên diễn ở rạp Sán Nhiên bóp đầu tìm cách nghĩ ra chèo, cải lương, để kéo các bà, các cô về với nghệ thuật cổ truyền”. 

Phim và rạp ở Hà Nội xưa ảnh 3Rạp Tháng 8, ảnh chụp năm 1977

Khi xảy ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật đưa quân vào Việt Nam và Hà Nội cuối năm 1940 thì chiếu bóng bắt đầu bị ảnh hưởng nặng nề. Lý do là bởi giao thông đường biển từ Pháp tới Việt Nam bị Đức và Nhật phong tỏa đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển phim. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp nắm quyền cai trị Đông Dương khiến chủ rạp người Pháp bi quan về tình hình kinh doanh và đã bán lại rạp cho người Hoa. Để bù vào nguồn phim thiếu hụt từ Pháp, các chủ rạp người Hoa nhập phim từ Hồng Kông. Và dù chiến tranh thì họ vẫn không bỏ qua chiếu phim vào dịp Tết. 

Tháng 12-1946, thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội, dân chúng phải tản cư về các vùng quê mãi đến năm 1948 mới rục rịch trở về thành phố, và cuộc sống dần trở lại ổn định vào năm 1950. Các hoạt động nghệ thuật trong thành phố được khôi phục, một số người giàu có đã xây thêm rạp mới ở phố Khâm Thiên, Lò Đúc, Bạch Mai... và các rạp lại chiếu phim. Lúc này phim chiếu rạp hầu hết là của Mỹ. Một tấm panô quảng cáo cho phim Mỹ “Thời đại Nguyên tử” căng to tướng trước cửa rạp Bắc Đô vào Tết năm 1953 có khuyến mại khủng “mua 3 vé tặng 1 vé”.  

Bộ phim Việt đầu tiên

Không chỉ nhập phim, SDCI và IFEC còn sản xuất. Phần lớn phim  do 2 hãng này sản xuất lấy các tích chuyện dân gian Việt Nam, diễn viên Việt Nam vốn là nghệ sỹ của các gánh hát chèo. Và bối cảnh quay chủ yếu là vùng ngoại ô Hà Nội. Có phim thu hút rất đông khán giả.

Có một người Việt rất đám mê với nhiếp ảnh và phim là Nguyễn Lan Hương (còn gọi là Hương Ký). Ông Hương Ký đi lính thợ ở Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi giải ngũ đã ở lại Pháp  học nghề nhiếp ảnh và quay phim. Khi thạo nghề, ông trở về Hà Nội mở hiệu ảnh và quay phim. Không muốn mất cơ hội kiếm tiền từ phim ảnh, năm 1924, Hương Ký đã bỏ tiền sản xuất bộ phim đầu tiên có tên “Đồng tiền kẽm tậu được ngựa”, một bộ phim hài dân gian với sự tham gia của nhiều diễn viên chèo nổi tiếng. Phim được chiếu tại rạp Palace và Family đã mang lại doanh thu lớn cho ông. Đó là những bước đi ban đầu cho việc sản xuất và phát hành phim tại Việt Nam. 

Đến thập niên 50, các ông bầu Trần Đình Long, Kim Chung và một số người khác đã  bỏ tiền làm phim. Trong số các phim sản xuất thời kỳ này phải kể đến “Kiếp hoa”, “Bến cũ” và đặc biệt là “Nghệ thuật và hạnh phúc” với sự tham gia của đào kép nổi tiếng là Ái Liên, Ngọc Dư, Anh Đệ...