Nơi hội ngộ và chia tay một thời

ANTD.VN - Thời bao cấp, các cửa hàng ăn uống quốc doanh nằm rải rác ở các phố. Cửa hàng nào cũng bàn granito, ghế sắt, trên tường là khẩu hiệu “Cửa hàng thanh niên làm theo lời Bác”. 

Rất hiếm cửa hàng có diện tích rộng rãi và không gian đẹp. Duy nhất chỉ quán bánh tôm Hồ Tây có cả hai tiêu chí đó. Những buổi chiều đẹp trời, từ đây có thể  thấy sâm cầm bơi trên hồ và núi Ba Vì mờ mờ. Còn mùa hè, gió Đông Nam thổi qua  hồ Trúc Bạch mát rượi.     

Nơi hội ngộ và chia tay một thời ảnh 1Khi đi qua hồ Tây, người ta gợi nhớ đến món bánh tôm nổi tiếng thời bao cấp ở Cửa hàng ăn uống quốc doanh Hồ Tây

Quán bánh tôm nằm trên đường Thanh Niên phía hồ Trúc Bạch thời bao cấp nổi tiếng không chỉ ở Hà Nội mà cả miền Bắc. Tên gọi đầy đủ là Cửa hàng ăn uống quốc doanh Hồ Tây. Thời đó, các cửa hàng ăn uống đều của Nhà nước nên phải có thêm hai chữ quốc doanh. Thực ra ở đây không chỉ bán bánh tôm mà còn bán cả nước giải khát gồm: cà phê đen, đá, nước chanh, xi rô...; một vài thứ bánh quen thuộc như: bánh sừng bò, bánh xốp, bánh quả... Vì xưa người Hà Nội không gọi là cửa hàng  ăn uống, quán sang thì gọi là hiệu, bình dân gọi là quán và ở đây món bánh tôm được nhiều người ưa thích hơn cả nên được gọi tắt là quán bánh tôm Hồ Tây.

Đầu thế kỷ XX khi bột mỳ xuất hiện ở Việt Nam, các bà nội trợ Hà Nội đã sáng tạo ra món này, nó là sự kết hợp hài hòa giữa ẩm thực Việt vốn ăn kèm nhiều rau với ẩm thực phương Tây nhiều chất béo. Làm bánh tôm không quá khó, ai cũng có thể làm được vì nguyên liệu chỉ gồm bột mì, khoai lang và dĩ nhiên là tôm. Bột mì hòa loãng thêm chút bột nghệ cho hấp dẫn thị giác, thêm khoai lang thái dọc trộn đều.

Khi mỡ đã sôi thì múc một thìa to rải đều trên chảo, sau đó cho vài con tôm lên trên rán cho đến khi bánh chín vàng rồi vớt ra để ráo mỡ. Khi ăn cắt ra đĩa, mỗi miếng bánh dứt khoát phải có tôm. Thế nhưng bánh tôm không thể thiếu nước chấm và rau sống. Tùy theo mùa mà rau có thể là xà lách, rau diếp, rau muống chẻ trộn thêm tí hoa chuối thái nhỏ nhưng phải tươi. Còn nước chấm phải có nước mắm, chút đường, dấm thêm dưa góp. 

Tôm thì ao hồ ở Hà Nội cũng có. Ngày trở trời tôm cá thiếu ô-xy nổi lên quanh bờ dùng tay cũng bắt được hàng mớ. Thế nhưng tôm hồng hồ Tây mới ngon vì vỏ không cứng, thịt ngọt đậm, lại giòn và dai, cùng với cà cuống cay thơm, cá chép trắng vẩy như pha lê, cá trắm đen như mực tầu và vẩy mượt như nhung the, tôm hồng là đặc sản của hồ Tây. Điều kỳ lạ là giống tôm này chỉ có ở hồ Tây. Tuy nhiên bánh tôm hồ Tây ngon còn vì thứ khác, đó là  bia hơi. Cửa hàng này trong diện được ưu ái nên mùa nào cũng có bia hơi. Mỗi suất bánh được kèm theo một hay hai cốc. Ăn bánh với rau sống đã ngon nhưng thêm bia hơi thì ngon vô tả.  

Thời chiến tranh, trai gái yêu nhau và chàng trai phải lên đường nhập ngũ thì sau khi chia tay ở vườn Bách Thảo chắc chắn hai người sẽ lên đây ăn bánh tôm. Cơ quan, xí nghiệp, trường đại học có người ngày mai ra trận cũng chọn quán bánh tôm này tổ chức liên hoan tiễn biệt. Cán bộ các tỉnh, thành về Hà Nội công tác thế nào cũng sắp xếp thời gian ra đây thưởng thức, cũng là để có chuyện về kể cho mọi người.

Thời liên lạc với nhau chỉ bằng thư từ thì hồ Hoàn Kiếm là nơi tìm đồng hương của sinh viên các tỉnh về Hà Nội học, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc thì quán bánh tôm Hồ Tây là nơi  tổ chức liên hoan mỗi khi họ gặp được đồng hương. Một suất bánh tôm giá ba hào, mỗi cốc bia hơi cũng ba hào, cuộc liên hoan tùy theo số người nhiều hay ít cũng hết khoản tiền kha khá so với mức lương thời đó. Nhưng chả ai tính toán, gặp được  nhau trên đất Thủ đô là quý rồi.

Giai đoạn Mỹ ném bom miền Bắc đã có những cuộc liên hoan ở đây đang vui phải tạm dừng vì còi báo động rú lên báo máy bay Mỹ ném bom Hà Nội. Cứ để nguyên mọi thứ trên bàn, tất cả chạy xuống hầm trú ẩn. Còi báo yên, tất cả lóp ngóp chui lên ăn tiếp nhưng câu chuyện lại chuyển sang máy bay Mỹ ném bom khu vực nào, nhà có sập, người có chết không. Và cũng không ít lần nghe tiếng pháo ầm ầm từ trận địa phòng không ở cuối hồ Trúc Bạch bắn máy bay Mỹ. 

Ngày 23-1-1973, Mỹ phải ký tắt Hiệp định Paris, rút quân về nước, hôm đó dù cận Tết nhưng người xếp hàng ăn bánh tôm mừng hòa bình ở miền Bắc dài tới mấy chục mét. Sau đó quán vẫn là nơi chia tay bạn bè đi B chiến đấu. Lại có thêm những cuộc hội ngộ, bạn bị thương từ chiến trường B, C ra chữa trị, an dưỡng. Vào ngày chủ nhật hay ngày lễ, quán đông hơn bất chấp trời mùa đông lạnh giá hay mùa hè nóng bức. Lên muộn sẽ không còn chỗ đành tiếc rẻ ra về. Nhưng đông nhất đúc là dịp kết thúc năm học. Học sinh cuối cấp ra đây liên hoan chia tay trường, chia tay nhau. Đánh chén bánh tôm xong cả lớp ùn ùn kéo nhau sang hồ Tây bơi thuyền. 

Ngày nay bánh tôm vẫn còn nhưng giống tôm hồng đặc sản không thấy nữa. Đôi lần đi qua đường Lạc Long Quân vào buổi  sớm, thấy vài người cào ốc bán mớ tép, lòng bồi hồi tôi lại nhớ về quán bánh tôm ngày xưa...