Nhà mặt phố

ANTD.VN - “Nhà mặt phố” là tên một dự án của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn từng thực hiện ở Hà Nội, nhưng cũng là đặc trưng của một thủ đô sôi động. 

Những căn nhà mặt phố ngày nay hầu hết được sử dụng để kinh doanh buôn bán - Ảnh: LAM THANH

Có một câu nói kinh điển vẫn thường được chị em lấp lửng tuổi lấy chồng áp dụng khi đánh giá người đàn ông tiềm năng đó là: “Nhà mặt phố, bố làm to”. Có nhà mặt phố, mà lại là nhà mặt phố ở ngay trung tâm, chỉ cần đem cho thuê cũng đủ trang trải cuộc sống thường nhật. Lại thêm một ông bố làm to chưa hẹn ngày về hưu thì người đàn ông tiềm năng đó quả thật là nên tính đến. 

Nói một cách dễ hiểu, nhà mặt phố với bố làm to là một cặp giá trị rất có giá trị. Một bên là giá trị về vị trí, về kinh tế, tức là giá trị hữu hình. Bên kia “bố làm to” là giá trị vô hình, bởi nó đại diện cho quyền lực, khả năng chi phối, giá trị này nó gắn với cái ghế. 

Giờ kinh tế thay đổi, nhà mặt phố, bố làm to không còn là chỉ số duy nhất để đánh giá một người đàn ông về tiềm năng vật chất. Nhà mặt phố chẳng là gì so với dàn siêu xe hay nhà lầu biệt thự, còn bố làm to thì vẫn bền bền có giá. 

Nhưng chuyện nhà mặt phố của Hà Nội cũng chứa trong mình một câu chuyện về lịch sử của đô thị này. Nhiều bạn bè của tôi, mà ngay chính cả bản thân tôi ngày đầu tới Hà Nội cứ thắc mắc mãi, tại sao Hà Nội lại có nhiều con ngõ sâu như thế. Có những con ngõ chỉ vừa cho một người len mình vào. 

Ngõ Hà Nội là một không gian sống, không gian cộng đồng và cả không gian kinh tế. Đi sâu qua những con ngõ sâu và tăm tối ấy sẽ đến một không gian hoàn toàn khác biệt, rộng rãi và thậm chí còn chói chang ánh nắng. 

Lân la hỏi chuyện, tôi được biết rằng Hà Nội có những con ngõ sâu như vậy là do ngày xưa người Hà Nội không thích ở gần đường ồn ào xe cộ, họ bán phần đất trước mặt cho người khác, chỉ dành một lối đi nhỏ dẫn vào khoảng đất sau nhà. Đến thời mở cửa, khi “mặt tiền là tiền mặt” thì xu hướng đó thay đổi, con cháu thời nay thỉnh thoảng luồn mình lách qua những con ngõ nhỏ xíu ấy vẫn trách cứ bố mẹ mình vì cái sở thích né tránh ồn ào ấy mà bán mất đất vàng.

Cũng cái ngày xưa ấy, khi việc giao thương buôn bán thời bao cấp gói trong những cửa hàng mậu dịch, theo những hệ thống buôn bán được áp đặt theo chỉ tiêu thì những căn nhà mặt phố không thường dùng để buôn bán. 

Hơn nữa, khi chính quyền phân nhà cho cán bộ, công chức thường phân theo chức vụ. Người có chức vụ càng cao thì càng thích ở trên cao, vì chẳng ai muốn cấp dưới “ngồi trên đầu” mình cả. Thế nhưng, khi nền kinh tế được cởi trói, giao thương rộng ra, hàng hóa đề huề thì những căn nhà mặt phố trở thành mặt tiền. Mà đã có mặt tiền thì đương nhiên là có tiền mặt. 

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, người đã có rất nhiều triển lãm thị giác về Hà Nội cũng từng bật mí với người viết, anh đang thực hiện một dự án mới, đại thể tên của nó hình như là: Mông và mặt. Ý tưởng này được anh diễn giải như sau: “Nhà tập thể Hà Nội ngày xưa đều là “mông”, tức là đều ở bên trong nhưng khi có những con đường được mở mới chạy qua thì “mông” đã thành ra “mặt”, tức là ra mặt tiền. Có nơi còn “mông” và “mặt” lẫn lộn.

Hà Nội bây giờ đúng là đầy những nhà đang phải nhìn nhà phía trước, tức là đang phải nhìn “mông” của nhà khác, đùng một cái có một con đường nhỏ xinh, thậm chí là cong mềm mại xoẹt qua, thế là chẳng cần có một giấc mơ thần đèn, bỗng nhiên chuyển ra mặt phố. Chỉ có một xê dịch như vậy thôi, giá trị căn nhà đã hoàn toàn thay đổi. 

Lâu lâu rồi, có một câu chuyện khá lãng mạn về tình yêu gắn liền với một căn nhà mặt phố. Chuyện rằng, nhà nọ có hai thiếu nữ. Hai nàng ngây ngây thơ thơ có thói quen sáng sáng làm dáng đứng ở hành lang nhà mặt phố, mắt đượm buồn nhìn về xa xăm. Cả hai nàng đều chờ một hình ảnh thân quen, đó là một chàng trai không rõ bụng mấy múi thường chạy thể dục qua. Mỗi lần đến căn nhà có hai chị em, chàng liền dừng chân buông mắt nhìn lên, nét nhìn rất chăm chú. 

Mà chàng chỉ nhìn thôi, mãi chẳng thấy thi triển phương án tấn công nào. Không thể chịu nổi, cô chị chắc cũng vì tiệm cận độ ế dũng cảm lao xuống chặn ngay chàng lại hỏi một câu dứt khoát: Thế rốt cuộc anh thích tôi hay thích cô em.

Bị hỏi bất ngờ, chàng trai hồn nhiên đáp: Thích cô hơn. Từ cái ngày chặn nhau hỏi chuyện đó họ thân nhau rồi cũng đi tới hôn nhân. Có lần, trong chếnh choáng hơi men, khi đã thấm đẫm hôn nhân đau khổ, chàng mới tâm sự với cô vợ: “Thật ra ngày đó anh nhìn lên phía em không phải để ngắm gái, mà vì nhà em có cái đồng hồ rất to, mà anh thì cần phải xem giờ”. Nghe bảo, đó cũng là lần đầu tiên anh dám tâm sự thật với vợ.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh