Người tình của hoa hậu

ANTD.VN - Về đại thể, các hoa hậu cũng hao hao giống như người thường. Lúc buồn bã cũng tủi thân ứa lệ, khi hào hứng cũng rộng miệng tươi cười. Thậm chí, nếu quá bất hạnh mà bị thăng đường hầu tòa, thì vẫn biết sắc sảo thông minh đối đáp. 

Người tình của hoa hậu ảnh 1Một trong muôn vàn những cuộc thi tuyển chọn mỹ nhân

Chỉ hơi khác là ngay mới hồi chập chững thiếu nữ, lúc cô đơn dạo phố, hoa hậu đã được đông đảo đàn ông xúm vào đồng thanh gọi là mỹ nhân hoặc giai nhân. (Chữ “giai nhân” phải hiểu theo nghĩa thanh cao chứ hoàn toàn không có nghĩa ngô nghê là người sẽ bị sở hữu bởi bọn con giai). Và những mỹ nhân đẹp nhất sẽ được một ban giám khảo lẫn lộn cả đàn ông và đàn bà, vừa có tiền vừa hình như lại có tài lẫn đức, hân hoan bình bầu làm hoa hậu.

Hoa hậu nghĩa đơn giản là nữ hoàng của các loại hoa, còn nghĩa phức tạp hơn thì mơ hồ xuất xứ từ một câu cổ thi “Thử hoa khai hậu cánh vô hoa”. Một nhà Nho đen đủi lấy phải vợ xấu rồi may mắn ngoại tình được với một người đẹp đã hớn hở dịch xuôi “cái bông hoa đấy nở thì tất cả các loại hoa khác không dám nở”. Đại loại là một nhan sắc vô tiền khoáng hậu, trước không có mà sau cũng không có. 

Tuy nhiên, có vài người biết nhiều chữ vẫn cằn nhằn cho rằng, gọi “hoa hậu” là bất nhã, phải gọi là “hoa khôi”. Bởi hoa hậu dễ bị hiểu thành “cái phần sau của hoa”. Đương nhiên, phần sau của bất kỳ bông hoa nào cũng có một cái gì đấy.

Một bài thơ khét tiếng có từ thời bao cấp, được rất nhiều nam sinh viên chép vào sổ tay, đại lược là “Bông hoa trắng và bức tường cũng trắng. Sao bóng nó trên tường lại đen. Em nhìn đi đâu thế em, ừ anh biết chúng mình không có lỗi. Nhưng lòng anh băn khoăn tự hỏi. Sao bóng hoa trên tường lại đen”. Vỉa hè đồn rằng, bài thơ này nói hộ nỗi lòng của một người tình đã từng yêu hoa hậu.

Tất nhiên, vì hao hao cũng giống người thường nên đôi lúc các hoa hậu cũng chân thành yêu. Và hiển nhiên, cả thiên hạ nôn nao hồi hộp, tò mò muốn biết chàng là ai. Chắc chắn đấy phải là một người khác thường, thậm chí đạt tới mức cao quý toàn mỹ phi thường. 

Thực ra, nỗi tò mò này cũng đã có từ lâu. Cho dù từ xa xưa, cả Đông lẫn Tây với thói quen nông nổi nặng nam nhẹ nữ thường chỉ phẩm bình về vợ của các đấng quân vương, về hiền thê của các đại văn hào. Hoặc thâm thấp thời thượng hơn, về người bạn trăm năm của các ngôi sao showbiz mà hiếm khi để ý tới người tình của hoa hậu. Tỉ mỉ mà xét thế là bất công, bởi dân gian đã có câu “trai tài gái sắc”.

Trai tài là một giá trị, bia Văn Miếu bảo, hiền tài là nguyên khí quốc gia. Còn “gái sắc” được đứng sóng đôi trong cái hằng đẳng thức đáng nhớ ấy, tất yếu cũng phải là một giá trị. Có thể nó chưa tới tầm của nguyên khí, nhưng cũng “xêm xêm” tới mức là tiềm năng là nội lực của đất nước. Một dân tộc đã là thật hay sẽ là thật giỏi thì không thể không có con trai sắc sảo thông minh, con gái ngoan ngoãn xinh xắn. Hoa hậu và người tình của họ xứng đáng được tò mò tôn vinh.

Thời phong kiến xửa xưa, hiếm hoi hoa hậu vì chưa có nhan nhản những cuộc thi tuyển mỹ nhân. Mà nếu có thì cũng chỉ nhằm mục đích dung tục, biến hoa hậu thành hoàng hậu. Bạn trăm năm của “hậu” đương nhiên là “vương”. Lịch sử ấm ức sang trang và hầu hết các quốc gia văn minh tiến tới thời đại không quân chủ. Đột nhiên lý lịch trích ngang của người song hành cùng hoa hậu trở nên phức tạp và mở rộng.

Theo một khảo cứu vớ vẩn của một tiến sĩ Tây có bằng ta, thì phần lớn các hoa hậu quốc tế đều có phu quân là người nước ngoài. Ông tiến sĩ này có lẽ mua bằng nên ngây thơ coi hoa hậu như hàng hải sản đông lạnh hay như hàng dệt may xuất khẩu. Thật ra, hoa hậu thời nay cô đơn hơn và khó lựa chọn bạn đời hơn so với công chúa thời xưa, nếu nôm na hiểu là tại vị trí ấy phải có chức ấy thì công chúa thời xưa chính là “hoa hậu tại chức”.

Để công chúa đỡ cô đơn, thỉnh thoảng xung quanh nàng lại có bọn phù thủy, bọn khổng lồ và kinh dị nhất là bọn rồng lửa. Việc cứu rồi lấy công chúa tuy thiên nan vạn nan nhưng chỉ cần có tình yêu chân thành và sự thông minh can đảm.

Vì thế, người tình của công chúa không cứ phải môn đăng hộ đối hay dư dật sở hữu hơn 16 tỷ mà nhiều khi chỉ là tiều phu búa gỉ Thạch Sanh hoặc là xấu xí chân ngắn Sọ Dừa. Đấy là chưa kể sẽ dễ dàng hơn nếu vua cha có thói quen phong kiến gia trưởng, thấy con gái mới xấp xỉ đôi mươi đã âm thầm lo ế, thoạt thấy bất cứ ai đến cầu hôn cũng mừng rỡ hoan hỉ. 

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp tả “vụ” Hùng Vương gả Mỵ Nương, khi liếc nhìn danh sách “can đi đát” chỉ nhõn Sơn Tinh và Thủy Tinh mà đã phấn khích hồ hởi. “Nhưng có một nàng mà hai rể. Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều”.

Bây giờ nền kinh tế thị trường toang hoác mở, xung quanh hoa hậu luôn “thập diện mai phục” đủ cả sĩ nông công thương ngắn dài cao thấp. Tài thì chưa thấy đâu nhưng tiền thì lanh canh xủng xoảng mang vẻ đèm đẹp toàn mỹ. Những nam tài năng tử tế vốn nghèo chỉ giầu lòng tự trọng sâu xa chân thành sùng kính cái đẹp đành rụt rè “kính nhi viễn chi’. Cái “hằng đẳng thức đáng nhớ” đã bị thọt, gái sắc thì có nhưng trai tài vắng hoe. Nhiều hoa hậu loay hoay bị rơi vào ngơ ngác bơ vơ, so với đông đúc công chúa thủa xưa đáng kể là thiệt thòi bất hạnh.