Mạng xã hội có vui không?

ANTD.VN - Lịch sử văn minh nhân loại là tiến trình khám phá và xác định bản chất của thế giới tự nhiên, để từ đó sáng tạo ra nhiều loại sản phẩm tinh hoa, cả vật thể lẫn phi vật thể, nhằm phục vụ cho hạnh phúc con người. 

Mạng xã hội có vui không? ảnh 1Mạng xã hội mang đến cho con người nhiều lợi ích, nhưng cũng lấy đi nhiều riêng tư cá nhân 

Ở tiến trình này, khoa học và công nghệ luôn giữ vị trí then chốt, cho dù nó có thăng có trầm, thậm chí đôi lúc trì trệ tới mức thụt lùi. 

Đã có một thời gian dài ở châu Âu, từng bị xót xa gọi là “đêm trường Trung Cổ”, kéo dài suốt sáu bảy trăm năm từ cuối thế kỷ thứ 5 cho đến cuối thế kỷ 14. Ở những đêm dài mông muội đó, khoa học khách quan hầu như không có thành tựu, chứ đừng nói gì đến ứng dụng công nghệ.

Tất nhiên cái đích khát khao cuối cùng để con người vươn tới, vẫn là sự nhân văn, nhân bản, tự do bác ái công bằng, trong đó luôn lấp lánh chứa đựng sự cao cả của Chân, Thiện, Mỹ. Trên con đường gian lao dài dằng dặc ấy, hình như để giảm bới mệt mỏi, thỉnh thoảng người ta phải nghĩ ra những ứng dụng tiện lợi nhằm đáp ứng các tiêu chí hạnh phúc nhất thời. Nó có thể đơn giản như trò chơi trong các lễ hội, như món ăn món uống. Cũng có thể hoành tráng hơn như xe hơi như tàu bay. Và càng những năm gấp gáp sống gần đây, nhu cầu muốn được thỏa mãn ngay lập tức lại càng bành trướng. Liệu đây có phải là một điều kiện tiên quyết để thúc đẩy cho “mạng xã hội” ra đời?

Mạng xã hội dưới những cái tên “hơi bị Tây” kiểu như “phây búc” như “tuýt tờ” như “chấm chấm”, là đứa con xuất sắc của cuộc cách mạng tin học 3.0. Cho đến giờ nó đã thành máu thịt của đời sống đương đại. Các chính trị gia lớn dùng nó để tranh cử. Các doanh nhân lớn dùng nó để buôn bán. Các cặp tình nhân vừa và nhỏ dùng nó để tỏ tình. Những phẩm chất ưu việt của nó, hầu như đã ngông nghênh bộc lộ. Thông tin nhanh, phong phú đa dạng, độ chính xác khi phản ánh hình thức của sự việc là tương đối trung thực. Đặc biệt sự phản hồi chia sẻ tương thích cũng cực nhanh, cực nhiều chiều. Người ta không nghiện facebook mới là lạ. Vừa “bốt” một cái ảnh có mình đang ở một quán nhậu nào đấy, lập tức “com men” ào ào đổ về cho biết lý lịch chủ quán, lý lịch món ăn, thậm chí cả lý lịch của bố chủ quán. 

Thôi thì, cuồn cuộn thông tin, đủ kiểu cắt nghĩa giải thích có cả xui khôn xui dại. Có điều, nhanh như thế để làm gì. Để ăn cũng vội, chơi cũng vội, yêu thương hay hờn ghét cũng đều vội. Bởi khi phải đối diện với bất hạnh, điều mà bất cứ ai cũng khó tránh, thì tốc độ sống cũng như cự ly sống chợt nhiên thành vớ vẩn. Điều này lý giải tại sao đã có rất nhiều những người yêu lối sống thong thả, đã từ chối mạng xã hội.

Một trong những phẩm chất cao cả của thông tin là sự minh bạch hóa. Nhưng minh bạch không có nghĩa phơi bày những riêng tư cá nhân của mình lẫn của người khác theo cách sống sượng. Khá nhiều kẻ tà ý dựa vào đó để tự tin thành hung hăng, rồi hăm dọa rồi chỉ trích tới mức nhục mạ lẫn nhau. Không phải ngẫu nhiên mà ở ta gần đây, câu đầu lưỡi của một bộ phận không nhỏ là “có muốn bị đưa lên Phây không”. Và khi đã sống phần lớn thời gian trong internet thì mạng xã hội đâu còn là thực tại ảo nữa. 

Người ta, nhất là đám trẻ non nớt chưa sâu sắc trưởng thành, rất dễ rơi vào những hoang tưởng vui buồn theo từng cơn “lên đồng” của một đám đông nông nổi. Đã quá nhiều trường hợp đau lòng của lứa tuổi học trò khi phải chịu những hệ lụy không đáng từ các cơn bão “ném đá” xuất xứ ở cộng đồng mạng. Đâu phải ngẫu nhiên đã có trường trung học ban hành nội quy “những điều cấm kỵ khi lên facebook”, bắt buộc chấp hành tuyệt đối.

Tất nhiên, tính có ích của mạng xã hội là không thể phủ nhận, có thể nói nó là một trong những phương tiện văn minh nhất mà chúng ta hiện có. Thế nhưng, phương tiện muôn đời vẫn là phương tiện, một khi quá phụ thuộc vào phương tiện, chắn chắn sẽ bị phương tiện hóa. Cách đây chừng hai nghìn năm, đại triết gia Trang Tử từng cảnh báo trong “Nam Hoa kinh” bằng câu chuyện “ông già đất Sở”.

Có một người văn minh đi ngang qua đất Sở thì gặp một ông già đang vất vả tự tay xách nước tưới rau. Người đó bảo, ông không biết bây giờ người ta đã có hệ thống tưới rau bằng gầu sao. Ông già trả lời, không phải tôi không biết mà là tôi không thích. Bởi “kẻ có đồ dùng máy móc tất sẽ làm việc máy móc. Kẻ làm việc máy móc tất có tấm lòng máy móc. Lòng máy móc thì không còn trong trắng. Lòng không trong thì thần tính bất định không tới được Đạo”. Sống online sẽ làm người ta thất thần khi ở đời thực, nó dễ dàng làm tàn lụi những kỹ năng sống hồn nhiên khác. Dễ thấy nhất là những ứng xử hụt hẫng trong văn hóa đọc sách. Mà chính nhờ văn hóa đọc này, nhân loại ngày nay mới có được diện mạo văn minh sống động đẫm đầy nhân văn, nhân bản.

Có phải vậy chăng mà ngay chính cộng đồng mạng, những Facebooker điềm đạm tử tế, đều đã đồng thanh kêu gọi: Hãy sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, văn minh và vui vẻ nhất.

Sống online sẽ làm người ta thất thần khi ở đời thực, nó dễ dàng làm tàn lụi những kỹ năng sống hồn nhiên khác. Dễ thấy nhất là những ứng xử hụt hẫng trong văn hóa đọc sách. Mà chính nhờ văn hóa đọc này, nhân loại ngày nay mới có được diện mạo văn minh sống động đẫm đầy nhân văn, nhân bản.