Lý do đả lôi đài

ANTD.VN - Chuyện bỗng dưng đấu võ không hẳn vì thù vì oán, vì tranh danh hoặc đoạt lợi thì có nhiều nhất trong chuyện “chưởng”. Và những trận thú vị nhất, vớ vẩn nhất luôn đậm đặc có trong các tác phẩm tân kỳ võ hiệp của nhà văn Kim Dung. 

Chuyện “chưởng” là chuyện bịa đặt, những cuộc “đả lôi đài” phần lớn là hoang đường, nhưng sâu xa trong nó đẫm đầy một tinh thần thượng võ

Theo vỉa hè đồn đại, ông nhà văn ở Hồng Kông (Trung Quốc) này không có công phu giao đấu thực sự, đại loại chỉ động khẩu chứ không động thủ. Độc giả thường biết những cuộc “tao ngộ chiến” long giời lở đất qua những trang sách của ông viết, nói nôm na đầy trân trọng là ông đã tới cảnh giới tuyệt đỉnh của “võ mồm”.

Phải cay đắng xót xa nói như thế vì có rất nhiều người làm thơ hay làm điện ảnh (nói chung là làm nghệ thuật), có một thân võ công kinh người. Thi sĩ người Việt là cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là vậy. Theo như văn sĩ Nguyễn Tuân thuật lại, cụ Hiếu nhuần nhuyễn giỏi Thái Cực quyền. Lúc buồn bã, Tản Đà thường ngậm dao một mình bơi ra ghềnh đá xa tít Đồ Sơn, cậy hào sống độc ẩm. 

Trường hợp của đại diễn viên Lý Tiểu Long người Tầu cũng đáng kể. Người ta bảo, những cảnh anh ta bay bướm đấm đá khốc liệt ở trên phim còn thua xa những cảnh của chính anh ta đấm đá ở ngoài đời. Môn “triệt quyền đạo” do Lý Tiểu Long khai sinh được nhiều người học võ MMA, chuyên đánh nhau theo kiểu thực chiến lung tung beng, coi là một nguồn tham khảo quan trọng.

Rồi ví như đại thi hào Lý Bạch chẳng hạn. Thơ ông hay khỏi nói nhưng kiếm pháp của ông cũng tuyệt diệu vô cùng. Có điều, do không viết tiểu thuyết cũng không vì bị ai đá, nhưng trong một lần say khói sóng Thái Trạch hà, ông cô đơn ngã xuống lãng mạn ôm trăng mà mất. Hậu nhân nhớ ông, lập Tróc Nguyệt đài (đài bắt trăng) trên sông đấy để ngàn đời tưởng niệm.

Vì không có võ thực nên đọc những trận bâng quơ tỷ thí trong các trường thiên tiểu thuyết của Cắm Dùng xếnh xáng thấy tuyệt luân thú vị. Kiệt tác “Hiệp khách hành” có kể một trận điển hình. Cao thủ giang hồ Đinh Bất Tứ vốn luyện Cửu Tiết tiên (roi chín khúc) mà lão tự coi nó là “thứ linh động phi thường, là con rồng trong các thứ binh khí”. Lão ghét bất cứ ai sử dụng cây roi này, kiểu tâm lý như một số siêu mẫu may mắn lấy được đại gia thích độc đáo thời trang nhưng lại bị “đụng hàng”.

Vừa mua cái váy vô tiền khoáng hậu một tỷ, treo lên facebook “câu viu” nghìn like, thì khi ra đường bỗng thấy một đứa cùng nghề mặc y chang như vậy. “Tức chết đi được, Đinh Bất Tứ sầm mặt, thằng nhãi này võ công chưa học được ba thành, đã cả gan dùng đến cây Cửu Tiết tiên. Ngươi không mau mau tìm dây tự treo cổ lên thì còn chờ đợi cái gì nữa”.

(Sách đã dẫn - NXB Văn học, trang 174). Nguyên nhân dẫn đến một trận quyết chiến sinh tử tím mày tím mắt nhiều khi cũng chỉ hồn nhiên như thế. Nếu miễn cưỡng phải so với động cơ thách đấu của anh chàng beo béo luyện Vịnh Xuân gốc Nam Mỹ đang dậy sóng “phây búc” gần đây thì còn vớ vẩn hơn nhiều.

Lý do để “đả lôi đài”, đại loại là thứ đấu võ công khai được cấp phép, thì có vô số chuyện cảm động. Rưng rưng nhất là đấu võ để chọn chồng hay còn gọi là “tỷ võ chiêu thân”. Người ta dựng một sàn bằng gỗ minh bạch giữa ngã tư đường, người thách đấu đương nhiên là một thiếu nữ giỏi võ phải xinh và thường thường đi với bố. Người bố nói “không cầu danh không vì lợi.

Chỉ vì tiểu nữ đến tuần cập kê mà chưa có người mai mối. Nó từng có lời thề là không mong chồng giàu sang, chỉ cần là một hảo hán võ nghệ siêu quần. Phàm những người từ ba mươi tuổi trở xuống không có vợ, có thể thắng tiểu nữ một quyền hay nửa cước thì sẽ lập tức gả cho y”. (Anh hùng xạ điêu - NXB Văn học). Kiểu chọn chồng này không hiểu sao bây giờ bỗng tuyệt truyền. Phiên bản tinh thần của nó chỉ tồn dư phảng phất ở những cuộc thi hoa hậu hay những cuộc thi tìm kiếm tài năng trên truyền hình.

Có lẽ do văn minh nhân loại đang ở thời bình, các thiếu nữ cập kê thôi không đấm đá, chỉ hát, chỉ múa, chỉ hùng biện. Và các cô cũng không đi với bố nữa, chỉ đi với ông “bầu”. Nếu nhỡ có chọn được chồng thì cũng không phải là một “hảo hán võ nghệ siêu quần” mà đấy có thể là một đại gia đã từng có vợ.

Chuyện “chưởng” là chuyện bịa đặt, những cuộc “đả lôi đài” phần lớn là hoang đường, nhưng sâu xa trong nó đẫm đầy một tinh thần thượng võ. Võ đạo hiển nhiên là để tu tâm dưỡng tính tự thắng mình, nhưng thỉnh thoảng cũng phải biết thắng người những khi “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” (Lục Vân Tiên của thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu).

Có điều, sau những trận tranh hùng “khuyến thiện trừng ác”, đa phần các hiệp sĩ chân chính đều “Sự liễu phất y khứ/ Thâm tàng thân dữ danh”. Đây là yếu ngôn trong bài “Hành khúc của người hiệp khách” của thi tiên Lý Bạch, hình như đã được thi hiệp Tản Đà của người Việt phóng khoáng dịch là “Việc xong rũ áo ra đi/ Ẩn thân rừng núi kể gì tiếng tăm”.