Lễ hội ở phố

ANTĐ - Với chiều dài lịch sử hơn cả nghìn năm, đương nhiên Hà Nội đã và sẽ có vô số những ngày đáng nhớ, những ngày của lễ và của hội. 

Hoặc là hùng tráng như hôm hai vua Trần vừa thắng quân Nguyên oanh liệt về tới bến Đông Bộ Đầu. Hay cái ngày mà Hoàng đế Quang Trung đập tan quân Thanh ở gò Đống Đa, mùng 5 tháng Giêng Kỷ Dậu. Hay là cái ngày gần hơn, mùng 10-10-1954 lúc Trung đoàn Thủ đô dẫn đầu đại quân tưng bừng tiến vào năm cửa ô ngập nắng…

Hoặc là bi tráng như cái ngày Tổng đốc Nguyễn Tri Phương rồi Hoàng Diệu lần lượt tử tiết ở Hoàng Thành khi người Hà Nội kháng Pháp hai lần thất thủ. Và cũng bi tráng hệt như vậy là trận chiến trên không đánh Mỹ tháng Chạp năm 1972, có thể nói “máu và hoa” của quân dân Thủ đô lúc ấy, đã bừng sáng tô hồng cho chiến thắng vĩ đại 30-4-1975 của cả dân tộc.

"Con đĩ đánh bồng" được tái hiện trong một lễ hội phố cổ 
Tất nhiên với đa phần người Hà Nội, những ngày đáng nhớ không hẳn chỉ toàn là những ngày dữ dội hằn đậm khốc liệt từ các cuộc chiến tranh vệ quốc, mà nhiều khi chỉ là những ngày tươi vui bình dị thuần túy lễ hội được đời sống Việt thường nhật tần tảo giữ gìn.

Bởi đơn giản, Hà Nội từ rất lâu vốn đã là một trung tâm văn hóa. Mà văn hóa thì bao trùm mọi sinh hoạt, từ những nghi lễ đầm ấm dân gian truyền thống đến các nghi lễ tôn giáo thiêng liêng. Cùng với cả nước, phố Hà Nội hân hoan đón giao thừa, rồi vừa phóng khoáng nghỉ ngơi, vừa dư dật ăn uống trong suốt mấy ngày Tết Nguyên đán.  

Cùng ở một tâm thế chung ấy là rưng rưng đón ngày Đức Phật đản sinh, là ngày Noel giáng sinh Thiên Chúa. Thậm chí cả những ngày lễ mới du nhập vào như lễ Tình yêu Valentine 14-2, ngày quốc tế Lao động 1-5 cũng được náo nức chờ đợi. Tuy nhiên, với một bản sắc độc đáo, Hà Nội cũng có khá nhiều những lễ hội cho riêng mình.

Thôi thì không kể “bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy”, cái câu ca cổ đã làm xao động không biết bao nhiêu thế hệ nam thanh nữ tú của Hà thành. Thôi thì không dám kể lễ hội đền An Dương Vương ở Cổ Loa, lễ hội Phù Đổng cổ kính và kỳ thú tới mức “Ai ơi mùng chín tháng tư, không đi hội Gióng cũng hư mất đời”. Có phải vì thế mà những người tham gia lễ đều “ngoan”, nếu có tranh giành “cướp lộc” quá tay thì vẫn đẫm đầy nét hồn nhiên văn hóa. 

Nhưng không chỉ những làng thanh bình cổ xưa ven ô, ngay trong những con phố cũ tấp nập của Thăng Long thành cũng đầy ắp lễ hội cho riêng nó. Vì “phố”, với nghĩa là nơi buôn bán, là nơi tạo sinh dịch vụ của các phường nghề, nên mỗi một khu phố đều thờ một vị tổ cùng với những vị thần bảo trợ.

Ví như đền thờ vị tổ nghề giầy dép ở ngõ Hàng Hành, hay thờ tổ nghề kim hoàn ở đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc chẳng hạn. Đặc biệt, ở phố Hàng Chai còn có một đình thờ tổ nghề hát ả đào phía đằng sau khu nhà số 7. “Hàng năm các ả đào vẫn về đây giỗ tổ có hát chầu Thánh, múa bài bông”. Thật là một nét lãng mạn đặc sắc cực kỳ văn hóa phố của người Tràng An. 

Vào những ngày lễ lớn nói chung hay những ngày hội nho nhỏ nói riêng, tất cả những con phố cũ bỗng thong thả thăng hoa thành nửa quen nửa lạ. Vỉa hè thông thoáng tới bất ngờ, lòng đường cũng như lòng người chợt nhiên thanh thản cao rộng.

Có thể ngày lễ hôm đó trùng hợp nối vào thứ bảy, chủ nhật nên ngày nghỉ được kéo dài, nhiều lao động ngoại tỉnh mưu sinh ở Thủ đô lũ lượt hạnh phúc rủ nhau về quê. Hiếm hoi ô tô, thưa thưa xe máy. Đứng từ đầu phố nhìn được gần suốt cuối phố, nơi có một gánh hàng hoa để trên xe đạp đang ngân nga chầm chậm trôi. Các bà, các cô bỗng nhẹ nhàng khác ngày thường, nao nao muốn đi lễ chùa rút một quẻ bâng quơ cầu lộc. 

Lễ hội ở phố có được là nhờ Hà Nội đã từng có làng. Bây giờ Ngọc Hà đã không còn là làng hoa nữa, làng Láng đã thành đường Láng. Chợt hoang mang nhớ cái hồi còn ngu ngơ lều chõng, đợi đúng chùa Láng mở hội thì có theo một cô bạn cùng lớp xinh xinh học dốt vào nhờ sư bà dạy cho bài khấn “thi qua trong kỳ thi lại”.

Hôm rồi, lơ mơ ký ức có đi xuống mạn đấy. Ngẩn ngơ đứng ở dưới biển “phố Chùa Láng”, loang loáng những bê tông nhôm kính, tuyệt tích ao hồ. Loay hoay nhìn quanh, suýt thì lạc. May thay, xa xa vẫn thấy cổng chùa rêu phong tưng bừng cờ phướn. Ừ nhỉ, hôm nay mùng 7 tháng 3 âm lịch là ngày chính hội. Làng có vẻ đã mất rồi nhưng phố vẫn đọng đầy hồn lễ.