Lẫn lộn duyên nợ bóng đá, nghệ sĩ

ANTĐ - Chắc chắn với nhiều nghệ sĩ thị dân Hà Nội, cái tháng bắt đầu từ ngày 11-6 đến 11-7 của năm nay sẽ là một tháng khác thường. Đó là tháng của vòng chung kết EURO ở thủ đô Ánh sáng đang huyền diệu diễn ra. Một kiểu tháng   Ramadan thiêng liêng chay thanh tịnh dành riêng cho những tín đồ “Túc cầu giáo”. 

Thơ Đoàn Ngọc Thu đầy nữ tính nên cách chị bình luận bóng đá  cũng đầy lãng mạn

Vì thế, những nhan nhản dung tục bình thường của những tháng trước sẽ bị hất tung đảo lộn. Nghệ sĩ nghèo thì chuẩn bị mỳ ăn liền, cháo trắng đóng sẵn. Nghệ sĩ giàu thì mua cà phê hộp, like trên  facebook vài ba trang nhà hàng Ý, chuyên đưa pizza bất kể giờ giấc.

Đại loại là thứ thực đơn của tủi thân nước nhỏ phải chạy theo lịch phát sóng truyền hình trực tiếp của đám đại gia khệnh khạng châu Âu nước lớn. Bởi hầu hết mọi trận đấu đều rơi vào “nửa đêm giờ Tý canh ba”. Thế nhưng “Tái ông thất mã” trong rủi có may.

Nhiều nhà văn già hết duyên viết có truyền thống khó ngủ móm mém hả hê cười. Nhiều tiểu thuyết gia đang loay hoay dựng trường thiên nghìn trang có cớ ngừng bút. Những họa sĩ trẻ tranh ế đang tắc tị cách tân ung dung tạm thời dừng vẽ. Những nhà thơ trung niên đang ngoại tình ngưng không lén lút đến chỗ hẹn. Đám diễn viên người mẫu chạy “xô” sẽ âm thầm xếp chậu điềm đạm náo nức ngồi trước màn hình.

Các bộ phim “thảm họa Việt” sẽ không ra mắt nữa với lý do chính đáng là rạp chiếu vắng khách. Thật là một khung cảnh tuyệt vời yên bình. Bóng đá sẽ là ăn là ngủ theo đúng cái “slogan” sáo rỗng nhưng cảm động đến nao lòng.

Xưa cũng như nay, bóng đá và nghệ sĩ có lẫn lộn nhiều duyên nợ. Đã không ít cầu thủ giăng thơ để ảnh trên facebook, không ít nhà thơ nhấp nhổm ngồi bình bóng đá trên sóng truyền hình. Không phải ngẫu nhiên mà nhân mùa EURO, các tờ báo thể thao bỗng phơi đầy các bài phỏng vấn của đủ loại nghệ sĩ đang bồng bềnh thời thượng méo mó âu yếm tâm sự về tình yêu bóng tròn. Từ cô ca sĩ chân dài tới ông nhạc sĩ tóc ngắn.

Trên một tờ xanh đỏ thời trang, một nam ca sĩ uốn éo mơ hồ giới tính đã rưng rưng dự đoán: “Em nghĩ là Bồ Đào Nha sẽ vô địch, bởi họ như một chiếc siêu xe chạy bằng xăng pha nhớt. Nhất là có anh Ronaldo, eo ơi anh ấy đẹp trai quá. Trận chung kết sẽ là trận giữa đội của em và… Argentina”. Chao ôi, tình yêu hồn nhiên khi quá sâu sắc thì thỉnh thoảng có mù lòa. Có sao đâu, ví như với nhiều nhà văn, tình yêu văn chương vẫn luôn ngọt ngào hòa trộn với tình yêu bóng đá.

Ông nào yêu văn xuôi Liên Xô thì hâm mộ đội tuyển Nga. Ông nào yêu thơ Phú Lang Sa thì mê đắm đội tuyển Pháp. Tây Ban Nha có tổ sư tiểu thuyết Cervantes thì đương nhiên là thần tượng của đám thích viết dài. Hôm vừa rồi ở vòng bảng, Tây Ban Nha sơ sểnh để thua Croatia, một tay thích viết tiểu thuyết ở phố gần Nhà Thờ Lớn nức nở, mặt rầu rĩ thê thảm như Đông Ki Sốt.

Theo kết quả từ cuộc thăm dò bỏ túi của một nhà phê bình văn học tóc dài bạc trắng thì gu bóng đá nói chung ở các nghệ sĩ, đặc biệt là đám nhà văn, thường tương đối rõ ràng minh bạch. Những người sáng tác đều không ưa lối đá của mấy đội đến từ Vương quốc Anh. Cầu thủ cần cù hùng hục quá. Đá bóng mà tròn vai nhịp nhàng chặt chẽ, thiếu đi bất trắc bất ngờ thì thà xem phim Ngọc Trinh đóng vai tố khổ còn hơn.

Chẳng trách gì ông Angel Maria Villar, Chủ tịch liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha kiêm Phó Chủ tịch UEFA khi xem trận Anh hòa 0-0 với Slovakia hôm 21-6 đã hồn nhiên lăn quay ra ngủ. Nhân đây cũng thử nhìn sang giải Copa America đang diễn ra ở Mỹ mà so sánh. Liên tục là những tỷ số 3-1 rồi 4-1.

Thậm chí ở trận bán kết, Chile đã giã cho Mexico 7-0. Bóng đá mà không có bàn thắng thì khác gì kỳ thủ chơi cờ không biết chiếu hết. Ibrahimovic thôi đừng khổ não nhăn nhó nữa, xem đội của cậu chơi chẳng khác gì uống thuốc ngủ quá liều. 

Không giống với những người sáng tác thường yêu lối đá thăng hoa bay bướm lỏng lẻo, hầu hết những người làm lý luận phê bình thường thích kiểu đá duy lý bất cần cảm xúc mà Đức và Italia là tiêu biểu. Chính vì vậy có nhiều “fan” đã lấy làm lạ khi nữ thi sĩ Đoàn Ngọc Thu lại có thể cuồng nhiệt yêu nổi Mannschaft.

Thơ của Thu đầm đìa nữ tính, những bài bình luận bóng đá độc đáo của chị đều ướt át lãng mạn. Mở đầu là thơ và kết thúc cũng là thơ. Thế mà! Có lẽ nghệ sĩ luôn hình như phức tạp, cái trong cái ngoài ở họ luôn tồn tại song song mâu thuẫn. Ví như lão thi sĩ Dương Tường chẳng hạn, ông làm thơ yếu đuối đến bất ngờ “tôi đứng về phe nước mắt”, nhưng khi vào trận thì cổ vũ hung hăng chẳng thua gì một “hô li gân” đầu gấu.

Rồi bình luận viên trẻ Khắc Cường có vẻ tài cao, hay hiện hình trên VTV trông lẻo khẻo lơ ngơ như dân nhặt bóng. Thế nhưng lúc dẫn chương trình, chợt nhiên nồng nàn sắc sảo, y hệt một huấn luyện viên già “dơ” lụ khụ. Bóng đá quả là một thứ “đô pinh” thần thánh, nó làm chúng ta thăng hoa bứt thoát tầm thường.

Có phải vậy chăng mà sau tháng EURO, phố Hà Nội vốn đã ít nhiều tử tế bỗng càng thêm tử tế.