Hà Nội: Những cây cầu nối nhịp bờ vui

ANTD.VN - Hà Nội là vùng đất nằm trong những dòng sông và dần trở thành thành phố của những cây cầu khi vượt qua con sông Hồng hùng vĩ là những cây cầu nối liền những bờ đông vui. Từ quá khứ đến hiện đại, mỗi cây cầu là một bước chuyển của lịch sử và sự phát triển của thành phố.

Long Biên: Cây cầu đẹp nhất xứ Đông Dương

Hà Nội: Những cây cầu nối nhịp bờ vui ảnh 1Cầu Long Biên (1899-1902) là cây cầu cổ nhất bắc qua sông Hồng 

Cầu Long Biên là cây cầu cổ nhất bắc qua sông Hồng. Nó có lịch sử hơn trăm năm và được xây dựng trong thời gian rất ngắn (1899-1902). Cây cầu từng là con đường huyết mạch quan trọng bậc nhất nối trung tâm Hà Nội với các địa phương miền Bắc. Cầu Long Biên là một cây cầu thép cổ điển, hùng vĩ và tinh tế, từng là cây cầu đẹp nhất xứ Đông Dương một thời. Cầu được xây dựng dưới thời toàn quyền Paul Doumer và mang tên vị toàn quyền này đến tận năm 1945 trước khi Thị trưởng Trần Văn Lai chính thức đổi tên là Long Biên. 

Cầu Long Biên là một nhân chứng bi thương và hào hùng của Hà Nội một thời. Trải qua nhiều năm tháng và bom đạn chiến tranh, Long Biên vẫn là một cây cầu cổ  kính, đầy vẻ lãng mạn của không gian đô thị cổ. Cây cầu gắn liền với lịch sử của Hà Nội và dù bây giờ chỉ dành cho đường sắt, xe máy, phương tiện thô sơ thì Long Biên vẫn là một biểu tượng của Hà Nội và một địa điểm được nhiều người ưa thích đến thăm quan, chụp ảnh. Cũng cần nói thêm rằng đây là cây cầu duy nhất ở Hà Nội các phương tiện lưu thông theo hướng tay trái, làm thêm vẻ độc đáo của cây cầu cổ.

Thăng Long: Cây cầu giữ nhiều kỷ lục

Hà Nội: Những cây cầu nối nhịp bờ vui ảnh 2Thăng Long là cây cầu nắm giữ nhiều kỷ lục, trong đó thời gian lâu nhất từ năm 1974 đến 1985

Cầu Thăng Long giữ nhiều kỷ lục. Đó là cây cầu được xây dựng với thời gian lâu nhất (1974-1985). Cầu được hai nước Trung Quốc và Liên Xô (cũ) giúp đỡ xây dựng. Giai đoạn đầu, từ 1974 đến 1978 Trung Quốc hỗ trợ xây dựng nhưng sau đó Trung Quốc rút và Liên Xô tiếp tục giúp việc xây cầu.

Vì công việc có lúc đứt đoạn như vậy, nên dường như cầu Thăng Long không thật đồng bộ. Phía bên hữu ngạn có những tháp cầu bị bỏ dở còn phía bên tả ngạn thì không có tháp cầu. Cầu Thăng Long cũng là cây cầu duy nhất bắc qua sông Hồng có hai tầng. Tầng trên là dành cho tô tô, tầng dưới cho đường sắt và phần đường dành cho xe máy và các phương tiện thô sơ. Đi ở tầng dưới nhìn lên sẽ thấy cây cầu thật kỳ vĩ với những dầm thép khổng lồ đan cài. Cầu Thăng Long một thời là cây cầu dài và lớn nhất của nước Việt, là biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô.

Việc đặt tên cầu, giống như sự thay đổi tên gọi ở cầu Long Biên cũng có những chuyện thú vị. Vì cầu xây dựng trên đất làng Chèm nên ban đầu người ta định đặt tên là cầu Chèm. Phía Trung Quốc giúp xây cầu thì muốn đặt là “Hồng Hà đại kiều” (cầu lớn bắc qua sông Hồng) nhưng cuối cùng người đề nghị đặt tên cầu Thăng Long là Tổng Bí thư Trường Chinh.

Cầu Thăng Long tuy là cây cầu lớn nhất nước Việt  nhưng vì khi cầu mới xây xong hầu như rất có ít người và phương tiện qua lại. Lúc đó kinh tế khó khăn, xe máy ít, ô tô càng hiếm, đặc biệt phần đường dẫn lên cầu dành cho người đi xe đạp dốc và xấu. Đi đường cầu chẳng khác gì leo núi và phải dắt bộ xe nên người dân vẫn thích đi phà Chèm hoặc vòng đi lối cầu Long Biên dù xa hơn. Mãi đến những năm 90 của thế kỷ XX, khi có đường cao tốc ra sân bay Nội Bài, đường dẫn lên cầu được cải tạo, mở rộng, thuận tiện hơn thì cầu Thăng Long mới phát huy hết tác dụng của mình.

Chương Dương: Cầu thép làm với tốc cầu treo

Hà Nội: Những cây cầu nối nhịp bờ vui ảnh 3Cầu Chương Dương (1983-1985) được thiết kế, thi công và hoàn thành trong thời gian kỷ lục và vượt tiến độ 12 tháng

Cầu Chương Dương rất gần với cầu Long Biên nhưng lại giống như một đứa em côi cút của cầu Thăng Long. Hồi đó, đường qua cầu Long Biên quá tắc nghẽn vì phương tiện đông mà lòng cầu nhỏ hẹp, cầu Thăng Long thì xây mãi chưa xong, người ta đã quyết định xây một cây cầu treo để giảm tải cho cầu Long Biên.

Một cây cầu treo tạm cho Thủ đô? Một nhân vật có trách nhiệm đã không  thỏa mãn với điều đó. Đó là ông là Bùi Danh Lưu, khi ấy đang là Thứ trưởng Bộ giao thông - Vận tải. Ông đã đề nghị xây một cây cầu thép vĩnh cửu thay cho cầu treo và làm nhanh với tốc độ cầu treo. Đề nghị đó đã được chấp thuận. Thế là những vật liệu thừa từ cầu Thăng Long được mang về, cả những dầm đường sắt cũng được tận dụng, cưa cắt, chế tác lại cho phù hợp. Cầu Chương Dương được thiết kế và thi công hoàn toàn do các kỹ sư Việt Nam đảm nhiệm và được hoàn thành trong thời gian kỷ lục (1983-1985) và vượt tiến độ 12 tháng. Người có công lớn trong việc xây dựng cầu Chương Dương chính là ông Bùi Danh Lưu, sau đó ông đã giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải trong 10 năm liền.

Việc xây dựng cầu Chương Dương đã giảm tải cho cầu Long Biên rất nhiều, cây cầu nhộn nhịp người đi lại, giúp cho giao thông thuận tiện, không chỉ cho các quận, huyện Hà Nội mà các tỉnh lân cận. Cầu được mang tên một trong những chiến thắng lừng lẫy nhất của quân dân nhà Trần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỷ XIII dưới quyền chỉ huy của Thượng tướng Trần Quang Khải ngay trên sông Hồng.

Nhật Tân: Biểu tượng mới của Hà Nội

Hà Nội: Những cây cầu nối nhịp bờ vui ảnh 4Cầu Nhật Tân (2010-2015) đã trở thành biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội 

Cầu Nhật Tân đã trở thành biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội. Cầu được thiết kế  thanh thoát, tinh tế, song song với cầu Thăng Long. Cầu có 5 trụ vươn cao, vừa là biểu tượng của 5 cánh của hoa đào Nhật Tân, vừa là 5 cửa ô truyền thống của Hà Nội. Cầu lớn hiện đại, được xây dựng trong thời gian khá ngắn (2010-2015), được Nhật Bản tư vấn thiết kế và giám sát thi công. Cầu Nhật Tân là cây cầu thép dây văng lớn nhất Việt Nam. Cầu cao, thoáng, những trụ cột vươn hùng vĩ trên mặt sông Hồng.

Cũng như cầu Thăng Long, người ta cũng từng tranh luận về việc đặt tên cầu, nào là Đông Đô, Cổ Loa, Việt Nhật… nhưng cuối cùng cái tên Nhật Tân được chọn nơi vùng đất cây cầu bắc qua. Đi trên cầu gió thổi lồng lộng, thông thoáng, cảm giác như đi trên một xa lộ lớn ở các nước hiện đại. Vào buổi đêm, cầu Nhật Tân lộng lẫy ánh đèn và hắt sáng cả một vùng thành phố.

Cùng với những cây cầu khác như Vĩnh Tuy, Đông Trù và những cây cầu sắp xây dựng; Hà Nội xứng đáng là một trung tâm lớn giữa vùng sông nước mênh mang nơi có những cây cầu tỏa ra khắp các phương hướng như những cánh tay thần kỳ mang tới sự phồn vinh và đông vui cho khắp vùng miền.