Giáng sinh ở phố

ANTD.VN - Hầu như bất cứ một sự sinh nở nào cũng đều là thiêng liêng đáng trân trọng. Ở tất cả mọi sự sinh, luôn bừng sáng một ánh tinh khôi khởi nguyên trong veo không gợn đục. 

Giáng sinh ở phố ảnh 1Vượt qua những khác biệt về văn hóa, lễ Giáng sinh đã trở thành một phần trong đời sống người Hà Nội

Một mầm non vừa nhú, một bông hoa mới nở. Tia nắng bình minh đầu tiên rọi mặt hồ, làn gió heo may đầu mùa qua phố. Kiệt tác hội họa “Bữa tiệc ly cuối cùng” của danh họa Leonardo da Vinci vừa khô sơn. Bản thảo tiểu thuyết lừng danh “Quo Vadis” của văn hào được giải Nobel Henryk Sienkiewicz vừa khô mực. Nhưng tuyệt vời hơn hết, thăm thẳm cao cả hơn hết vẫn là sự ra đời của một con người. Thiên nhiên thật vĩ đại khi hào phóng ban cho trái đất “ba phần tư là nước mắt này” những tiếng khóc tươi non oe oe của một đứa bé.

Và từ lâu lắm rồi, ngày sinh của một trong những vô số đứa bé thiên thần ấy được nhân loại nhiều nơi hớn hở thành kính làm lễ kỷ niệm. Đó là đêm hai mươi tư rạng sáng hai nhăm tháng mười hai của năm thứ nhất theo lịch Dương, cậu bé Jesus xứ Nazareth chào đời trong một hang đá lạnh lẽo nghèo nàn. Xung quanh máng cỏ cậu nằm, ngoài thanh bạch bố mẹ thì chỉ có đám mục đồng đang lập cập rét  và một bầy cừu nhỏ đang hà hơi để sưởi ấm cho cậu. Xa xa trên cao vút của bầu trời mùa đông xam xám bỗng rực sáng muôn vì sao.

Chỉ mãi về sau, khi đã lớn lên, đã cô đơn lang thang đi giảng thuyết những tín điều đẹp đẽ của tình thương, của lòng nhân ái thì người đời đã gọi cậu là Đấng Ki Tô. Và nhờ sự giao thoa văn hóa Đông - Tây, thuyết lý này đã tới đất Việt.

Cho đến nay, vượt qua những khác biệt, văn hóa Ki Tô giáo đã đương nhiên trở thành một phần của sâu lắng, trong mênh mông văn hóa Việt Nam. Ở nhiều vùng miền, các lễ trọng thể quanh năm tưởng niệm cuộc đời cao cả của Đấng Giê su Cờ rít đã trở nên quen thuộc y như lễ vào mùa, lễ cầu ngư hay lễ Tết Nguyên đán của người Việt.

Tiếng chuông nhà thờ làm kẻ tha hương quặn nhớ cố quốc không kém gì tiếng chuông chùa. Tuy Ki Tô giáo là một đặc sản tinh thần phương Tây nhưng khi truyền nhập vào phương Đông, đặc biệt vào mảnh đất hình chữ S đầy bi tráng, nó đã thẩm thấu dung hòa cùng những vị thế tâm linh bản địa. Việc người Việt thờ kính tổ tiên và Anh hùng liệt sĩ nằm trong chữ Hiếu, hoàn toàn phù hợp với giới răn thứ Bốn. Những bài “vãn” dâng hoa vang trong các thánh đường, vùa có âm hưởng thánh ca vừa có âm hưởng của chèo của quan họ. 

Bữa tiệc tối đêm Noel, chỉ lác đác có nhà làm ngỗng quay, gà tây sốt vang, còn hầu như là cỗ thuần Việt. Thậm chí nhiều nhà còn làm thịt chó, nồng ấm trong vị rượu trắng “quốc lủi”. Không phải ngẫu nhiên mà vào ngày ấy, với chính sách nhân văn tự do tôn giáo và tôn trọng tín ngưỡng, những vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước ta luôn chân thành tới thăm hoặc nồng nhiệt chúc mừng các hàng giáo sĩ. 

Theo điển lễ, mùa chờ Thiên Chúa Giáng sinh (Advent, Việt ngữ còn gọi là mùa Vọng) kéo dài bốn tuần lễ, bắt đầu từ giờ kinh chiều thứ nhất chủ nhật 30-11và kết thúc vào chiều muộn 24-12. Giáo dân trang hoàng lại nhà cửa, chuẩn bị làm hang đá bằng giấy dầu. Những phố nhỏ quanh nhà thờ Chính tòa như Lý Quốc Sư, Nhà Chung… thì được bên Môi trường đô thị cho từng đoàn xe phun nước rửa sạch đường bụi bặm. Nhà nhà nô nức sắm một cây thông tươi nho nhỏ, giá không đắt lắm, treo đầy những đèn nhấp nháy rực rỡ, những hình xinh xinh ông già tốt bụng Santa Claus ủng to, râu trắng, áo đỏ. 

Ngoài trời rét đậm, lạ một điều là không Noel nào mà Hà Nội không rét đậm, lòng đường nêm kín người mặt mũi vui vẻ theo tiếng nhạc bài Jingle Bell. Hầu hết là nam thanh nữ tú chưa làm lễ rửa tội, thỉnh thoảng lại hôn trộm nhau khi đi ngang qua vườn hoa Đức Mẹ. Lễ Giáng sinh ở phố với đa phần đám trẻ là ngày hội của Tình yêu. Thì cũng trong trẻo giống như những lễ tết cổ truyền khác thôi, ở Noel, hầu như cái gì cũng trong sạch. Con giai thì hào sảng “ga lăng”, con gái thì dịu dàng ôn nhu. Trong nhà, nhiều người già mắt đã riu ríu làm dấu thánh trước những ngọn nến gần tàn. Giai điệu da diết của bài “Đêm Đông” cũng chỉ còn văng vẳng. Tháp chuông nhà thờ thong thả buông vài tiếng chuông lẻ vào bầu trời lấm tấm mấy vì sao muộn.

Lại một đêm Giáng sinh trong trắng và yên bình trôi qua phố.

"Giáng sinh ở phố cũng trong trẻo như những lễ tết cổ truyền khác thôi, hầu như cái gì cũng trong sạch"