Gà ở phố

ANTD.VN - Dĩ nhiên gà nào cũng là gà cả thôi. Nông thôn có gà gì thì ở phố có gà ấy. Nông thôn có giống gà đặc sắc của mình. Phố có mọi giống gà nếu muốn.

Gà ở phố ảnh 1Chuyện nuôi gà ở phố không chỉ là thú chơi mà còn là kỹ năng một thời bao cấp đang trỗi dậy của người Hà Nội 

Những năm mới tiếp quản, Hà Nội vẫn còn rộn rã tiếng gà mỗi sớm. Hầu như bất cứ gia đình nào có mảnh sân con, vườn nhỏ cũng cố gắng tự đóng một chiếc chuồng gà. Nếu không nuôi thường xuyên thì cũng có chỗ để nhốt gà mấy hôm Tết. Bà con họ hàng ở quê Tết nhất thế nào cũng có con gà mang ra biếu.

Người ở phố cũng chuẩn bị chu đáo những món quà tặng lại họ khi ra về. Trường hợp quê xa nhiều khi khách mang cả gạo ra. Ăn hết gà và gạo cũng là đến lúc lục tục kéo nhau về. Những ngày gần Tết lúc ấy thành phố đông vui nhộn nhịp hẳn lên bởi những người đi ngắm Tết. Có thể nói không ngoa Hà Nội lúc ấy là một tác phẩm kiến trúc đô thị rất xứng đáng để thưởng thức.

Hà Nội thưa thớt tiếng gà vào những năm sơ tán 1965-1969. Nhưng chỉ trong thành phố thôi. Các gia đình đi sơ tán phần lớn cũng sẽ tìm cách nuôi gà để cải thiện bữa ăn tại chỗ. Gà lúc ấy cũng không “chuyển hộ khẩu” linh tinh như bây giờ. Đại khái phổ biến nhất là gà ri thì làng nào cũng có. Gà Mía chỉ ở Đường Lâm và gà Đông Cảo chỉ ở Khoái Châu. Những giống gà khổng lồ này nghe nói ngày xưa dùng để tiến vua. Gà Mông đen trên núi cao rất ít người biết đến. Gà chọi vùng Đình Bảng, Từ Sơn nuôi nhiều. Gà ngũ trảo (gà ác) trên vùng Nhật Tân có vài người nuôi chuyên nghiệp nhưng cũng chưa bao giờ gây thành đàn lớn.

Thành phố thật sự nuôi gà vào những năm từ 1969-1978. Đây cũng là lúc chế độ bao cấp đã đến lúc cực kỳ khó khăn. Tem phiếu vẫn có nhưng thực phẩm nhiều tháng không đủ cung cấp cho dân phố. Bà con đành phải tận dụng mọi diện tích chật hẹp trong căn hộ của mình để chăn nuôi gà. Thậm chí là cả lợn nữa. Ai cũng biết gà ri thịt ngon hơn nhưng chậm lớn nên hiếm người còn nuôi giống ấy. Đã thế gà ri bay nhảy rất nhanh. Nhiều nhà nuôi đến cuối năm sơ ý sổng ra là mất Tết. Dân phố nuôi gà công nghiệp lông trắng và gà tam hoàng lông nâu mua con giống ở Canh, Diễn.

Gà ở phố ảnh 2Nhà văn Đỗ Phấn

Gà công nghiệp nhưng nuôi hoàn toàn bằng thức ăn có sẵn. Nồi cơm nguội độn mì vét ra lưng bát tô trộn với cuộng rau muống băm nhỏ là có thể nuôi vài ba con gà lớn nhanh như thổi. Những chiếc lồng gà tạm bợ ở các gia đình được làm bằng đủ thứ vật liệu trên đời. Mảnh giát giường, chiếc mành tre cũ, mớ sắt đề-xê xin ở nhà máy dập hộp. Tất cả được buộc bằng dây thép, dây điện cũ. Lồng phải đủ kín và chắc chắn để ngăn lũ chuột cống mò vào là chính.

Gà công nghiệp không bay, không chạy. Khi thả ra chỉ đứng chơi trước cửa lồng chán lại vào. Đã có những con gà nuôi đủ một năm trong chuồng, Tết đến cân lên được sáu, bảy cân. Mổ ra lưng một rổ mỡ lá nhìn đã phát ngán. Gà này ở trại chăn nuôi người ta chỉ nuôi hai tháng bằng thức ăn công nghiệp là xuất chuồng. Ngạc nhiên nhất là khi đàn gà ở phố đông đảo như thế thì lại rất hiếm khi nghe thấy tiếng gà gáy. Đơn giản vì gà công nghiệp đến chạy nhảy còn chẳng buồn nói gì đến gáy. Cục tác lại càng không.

Cuối thời bao cấp con gà đã trở nên quá quen thuộc ở thành phố. Vài anh chị buôn bán chợ Giời có tiếng lóng gọi những ông khách lơ ngơ ngoài ấy là “gà”. Hôm nào may mắn “vặt lông” được vài “gà” như thế là rôm rả chắn cạ suốt đêm.

Giờ thì không còn ai nuôi gà thịt ở trong phố nữa. Thế nhưng thành phố vẫn ran tiếng gà gáy sáng trưa. Người ta nuôi những con gà tre, gà Nhật đuôi dài làm cảnh. Gà tre cất tiếng gáy như thổi kèn ống sậy rất vui tai. Chợ thú cảnh trên Hoàng Hoa Thám bán cả gà lôi lam sặc sỡ đã thuần hoá như gà nhà và những giống gà lông xù rất lạ nhập khẩu. Nhà thơ đường phố Bảo Sinh là người mê chơi gà chọi đến mức “…Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ/ Nhìn ai cũng thấy nửa thơ nửa gà”.

Cuối thời bao cấp con gà đã trở nên quá quen thuộc ở thành phố. Vài anh chị buôn bán chợ Giời có tiếng lóng gọi những ông khách lơ ngơ ngoài ấy là “gà”. Hôm nào may mắn “vặt lông” được vài “gà” như thế là rôm rả chắn cạ suốt đêm.

Gà thịt trong phố bây giờ hoàn toàn được vặt lông sẵn ở chợ. Rẻ và tiện đến mức trẻ con tầm 30 tuổi trở xuống rất hiếm đứa biết vặt lông, làm lòng. Dưới 20 thì đặc biệt thích những món gà rán sẵn KFC, McDonald’s hoặc Burger King. Rủ nhau ăn những món gà ấy xong làm cốc trà sữa cắm ống hút nữa là đủ một bữa gặp gỡ tưng bừng.

Người già hơn ở phố vẫn chung thủy với cách ăn thịt gà từ cổ xưa đến giờ. Món ngon nhất của họ vẫn chỉ là con gà ri luộc lên, chặt miếng bày úp lên đĩa vàng ươm. Lá chanh thái chỉ rắc lên trên và bát muối chanh ớt hạt tiêu để chấm. Đơn giản thế thôi nhưng giờ đây cũng không nhiều bà nội trợ quan tâm đủ vị và nấu nướng cho đúng cách. Luộc con gà cho chín tới thì đơn giản nhưng thớt mỏng công nghiệp và dao inox để chặt nó lại chẳng dễ chút nào. Phần lớn chặt xong phải ngồi tìm lại miếng da vừa bong để lắp vào cho đúng miếng thịt.

Thị dân Việt nào thì gốc gác nông dân cũng rất gần. Nghe tiếng gà gáy ở phố mỗi sáng vẫn cảm thấy an lòng khi chưa hẳn rời xa gốc gác của mình.

7-2017