Dù ai kín đáo đến đâu...

ANTD.VN - Với người Hà Nội, nhà vệ sinh công cộng là một nhu cầu cấp thiết, không thể giải quyết theo kiểu sang chảnh như Paris, ai có nhu cầu thì vào mua hàng rồi đi vệ sinh nhờ.

Dù ai kín đáo đến đâu... ảnh 1Hà Nội sẽ xây thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng

Cô bạn dẫn đường dẫn tôi đến một công viên rất nhỏ, nằm ở một góc khuất của Thủ đô Paris. “Đấy là một góc rất riêng của Paris, không nhiều du khách biết đến, là một nơi mà người Paris yêu mến và tự hào”, cô nói. 

Quả thực, đó là một công viên rất đẹp. Đi qua một cổng vòm cổ, khoảng xanh ùa vào mắt. Chỉ khoảng vài trăm mét vuông, với 2 vườn cây bóng mát, 1 thảm cỏ rộng, cùng sân cát dành cho trẻ em chơi đùa. Nhiều thanh niên đến đó phơi nắng, chuyện gẫu, đi tản bộ. Có một vòi nước công cộng, có thể rửa tay rửa mặt, mà muốn uống trực tiếp cũng được. 

Tôi rất thích công viên ấy, như nhiều góc khác của Paris, trừ một điểm: công viên không có nhà vệ sinh công cộng. Cực kỳ khó tìm ra nhà vệ sinh công cộng ở Paris, mặc dù cứ đi vài bước lại thấy 1 thùng rác. Muốn đi vệ sinh, người ta phải vào một tiệm ăn hoặc quán cà phê nào đó, mua một thứ thường có giá không dưới 3 euro (khoảng 80 nghìn đồng) và đi nhờ vệ sinh. 

Tôi mang thắc mắc này hỏi cô bạn, cô cười nói, hồi mới sang Pháp cũng thấy ngạc nhiên với điều này lắm, sau rồi cũng quen. Lý do vì sao thì cô không biết, chỉ phán đoán đó cũng là một biện pháp để… kích cầu mua sắm. Không thỏa mãn với câu trả lời này, tôi quyết tìm bằng được một nhà vệ sinh công cộng ở Paris để mục sở thị. Cuối cùng cũng tìm được ở một phố vắng, cách xa các cửa hiệu. Người ta xếp thành hàng ở bên ngoài, bên trong sạch sẽ, hiện đại và miễn phí.

Không phải chỉ riêng Pháp, ở Ý và Tây Ban Nha cũng rất khó tìm nhà vệ sinh công cộng. Đến mức, tại Madrid, hướng dẫn viên hẹn điểm đón chúng tôi là một nhà vệ sinh duy nhất nằm giữa quảng trường, không nhầm được.

Câu chuyện này đã tác động khá mạnh đến tư duy của một người Việt Nam - là tôi - vốn luôn cho rằng, việc có nhiều nhà vệ sinh công cộng chính là biểu hiện của đô thị văn minh. Theo thống kê, thì Hà Nội hiện có 371 nhà vệ sinh (năm 2017 sẽ được bố trí thêm 250 cái nữa), phục vụ cho gần 8 triệu dân, cộng với khoảng 3,5 triệu lượt du khách mỗi năm. Tương quan nhỏ đến mức không dám tính chi li 1 năm mỗi người có mấy phút sử dụng nhà vệ sinh ở thủ đô. Thuở trước, nhà vệ sinh công cộng khá phổ biến.

Ở quy mô thành phố, thì cứ vài con phố lại có một nhà vệ sinh công cộng, quy hoạch này có từ thời Pháp, người Việt gọi theo âm Hán Việt là nhà xí. Đến đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi nhà tập thể xuất hiện, thì lại kèm thêm nhà vệ sinh tập thể - hố xí 2 ngăn. Các nhà vệ sinh này mặc dù có người dọn thường xuyên, nhưng vì lượng người sử dụng quá lớn, nên thường thì chẳng vệ sinh chút nào.

Những thế hệ 7X, 8X hẳn không ít người còn lưu giữ ký ức khá “đau đớn” khi đi vệ sinh và bị rớt đồ đạc xuống hố xí. Thường khi ấy chấp nhận mất luôn, chứ không dám nghĩ đến việc mò lên. Tháng 1 lần, xe của công ty vệ sinh lại đến hút chất thải đi. Đó là khoảng thời gian kinh hoàng nhất của cư dân cả phố, bởi thứ mùi kinh khủng len lỏi vào từng nhà, dẫu đã đóng kín cửa.

Dù ai kín đáo đến đâu... ảnh 2Nhà báo Phạm Gia Hiền

Trong phố cổ, sau giải phóng Thủ đô 1954, các ngôi nhà được phân làm nhiều phòng nhỏ để giải quyết chỗ ở cho cán bộ tập kết và cán bộ Nhà nước. Bởi thế, các nhà vệ sinh vốn của riêng các chủ nhà được biến thành nhà vệ sinh chung cho cả số nhà, mà nhiều khi lên tới cả chục hộ.

Như ở phố Hàng Mã, có những số nhà đi vào trong ngõ chia ra tới 20 hộ, mỗi hộ chỉ vài mét vuông, nhưng cũng sinh con đẻ cái, phình ra tới cả trăm con người. Ngần ấy, mà chỉ có duy nhất một cái nhà vệ sinh chung ở cuối ngõ, thật khó tưởng tượng nhu cầu thiết yếu của con người ngày ngày giải quyết ra sao. Làm phép tính vui, nếu sáng ra mỗi người dành 3 phút để đi vệ sinh, thì những ai dậy muộn đành phải nhịn mà đi học đi làm, nếu không muốn chờ đến… trưa.

Tôi còn nhớ khi nhỏ, một lần nhà sửa lại buồng vệ sinh, mấy hộ gia đình đều phải di tản sử dụng nhà vệ sinh công cộng bên Bờ Hồ. Sợ bẩn, tôi đã nhịn đi ngoài gần 1 tuần lễ, hậu quả sau đó bị táo bón thêm… gần 1 tuần nữa. Đời sống thay đổi, nhà nhà đều có nhà vệ sinh riêng, thậm chí là từng tầng, từng phòng. Lại thêm tấc đất tấc vàng, nên dần dà các nhà vệ sinh công cộng trong phố cổ Hà Nội biến mất cả. Nhu cầu của dân sở tại thì tự giải quyết, nhưng nhu cầu của khách bộ hành thì khó khăn.

Cũng “may”, Hà Nội có nhiều cây xanh, góc tường vắng. Ngay một địa điểm rất nổi tiếng nên thơ, là nhà Thủy Tạ ở Hồ Hoàn Kiếm, phía cánh tả vốn có một bức tường hoa. Khoảng 20 năm trước, đó là nơi đóng đô của một đội quân bán rong, ăn xin và câu cá trộm. Họ ăn, ngủ, bán hàng tại đó 24/24 giờ, còn úp mặt vào bức tường hoa mà phóng uế.

Mỗi khi đi qua khu vực đó, mùi xú uế bốc lên kinh khủng, ai cũng phải rảo chân. Ở đó có một  cái biển “CẤM ĐÁI BẬY” rất to, rất vô hiệu. Khách du lịch đi qua chỉ vào hỏi hướng dẫn viên “Cái vịnh CAM DAI là ở chỗ nào?” (chữ “bay” trong tiếng Anh nghĩa là vịnh, kiểu như Ha Long bay là Vịnh Hạ Long).

Dù ai kín đáo đến đâu... ảnh 3Úp mặt bờ tường - hình ảnh xấu xí giữa đô thị văn minh. Ảnh: Lam Thanh 

Về sau, khi chấn chỉnh lại bộ mặt đô thị, lực lượng dân phòng rất vất vả để dẹp cánh đi vệ sinh bậy bạ. Họ nghĩ ra cách rình bắt quả tang, rồi gọi luôn một ông thợ ảnh Bờ Hồ, bắt “thủ phạm” trả tiền để chụp 2 tấm, 1 tấm đang úp mặt “thực hiện hành vi”, tấm còn lại đang múc nước hồ để dội. 2 tấm ảnh này sau đó được ghim lên bảng tin của đồn dân phòng đặt ở nhà tròn Bốn Mùa.

Bởi vậy, với người Hà Nội, nhà vệ sinh công cộng là một nhu cầu cấp thiết, không thể giải quyết theo kiểu sang chảnh như Paris, ai có nhu cầu thì vào mua hàng rồi đi vệ sinh nhờ. Chính quyền Hà Nội dự kiến trong vòng 10 năm tới, sẽ bổ sung 1.000 nhà vệ sinh công cộng trên toàn thành phố. Nghe đâu con số dự tính lên đến cả nghìn tỷ đồng. Chuyện tưởng nhỏ thế, mà cũng rất đau đầu. Chuyện tưởng kín thế, mà không có thì hở ra còn… kinh hơn nhiều. Ấy vậy, dân gian đã có câu vịnh nhà vệ sinh rất ngắn gọn mà hóm hỉnh rằng: “Dù ai kín đáo đến đâu. Vào đây cũng phải mau mau… cởi quần”.