Đi tìm chuyện ly kỳ thế kỷ trước được cất giấu trong lòng phố Mã Mây

ANTD.VN - Trong các phố cổ ở Hà Nội, có lẽ Mã Mây là một trong những tên phố gợi được sự êm dịu, ngọt ngào nhất nhưng kỳ thực cái tên phố dịu dàng ấy lại không liên quan gì đến mây khói bồng bềnh cả, thậm chí còn không ít những sự kiện ly kỳ.

Thuyết khách ở phố Mã + Mây

Phố Mã Mây vốn là gộp từ hai phố Hàng Mây và Hàng Mã (Hàng Mã này không phải là Hàng Mã hiện nay). Hàng Mây xưa bán hàng mây tre vì trước kia phố gần cửa sông Tô Lịch trên bến dưới thuyền, các sản phẩm từ miền ngược mang về rất nhiều; còn Hàng Mã là nơi sản xuất các mặt hàng phục vụ cho các đám hiếu, nổi tiếng nhất là đòn rồng rước linh cữu.

Phố Mã Mây giờ đông vui nhộn nhịp thế nhưng có thời từng là hội sở của quân Cờ Đen - một đội quân khét tiếng từ bên kia biên giới di sang, từng giúp triều Nguyễn đánh Pháp mà hai trận oanh liệt nhất đã chém đầu Đại úy Garnier và Đại tá Rivière ở khu vực Cầu Giấy. Nhưng về sau, quân Cờ Đen nhũng nhiễu, có nhiều vụ bắt cóc và cướp bóc, sau phải rút về nước.

Nhà văn Doãn Kế Thiện từng kể một câu chuyện về một tên Phó tướng của quân Cờ Đen có tên là Phùng Bá Cẩu. Tên Cẩu người loắt choắt, nghiện thuốc phiện nặng, môi thâm, má hóp, nằm hút xách nhiều đến nỗi bẹp cả tai, mắt thì như loài cú vọ nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát, đặc biệt tài múa đao của hắn thì nhiều người phải ngưỡng mộ. Mỗi lần quân Cờ Đen tập trận ở khu vực ngoài ngõ Phúc Lộc bây giờ, Cẩu ta lại trổ hết tài nghệ khiến người xem phải thán phục.

Trước hết là tài cưỡi ngựa của hắn, con ngựa được Cẩu thuần hóa rất diệu nghệ, hắn nhỏ con mà lên xuống ngựa nhanh như sóc. Ngựa phi như bay, thanh đại đao quất vun vút và những thân chuối đổ roàn roạt. Cảnh tập trận này giống hệt cảnh một tay đao phủ lừng danh được Nguyễn Tuân miêu tả trong tập truyện ngắn “Vang bóng một thời” của ông, kể về những ngày hắn chuẩn bị làm công án tại pháp trường. Tay đao phủ tập chém chuối rất kỹ trước khi chém tử tù, những thân chuối bị chém rất ngọt và khi ra pháp trường, tử tù cũng được hắn chém rất lẹ, cái đầu đã đứt lìa nhưng vẫn dính một tẹo da cổ để khỏi rơi hẳn xuống đất…

Khi quân Cờ Đen đóng ở phố Mã Mây đã có khối chuyện bắt cóc, trộm cướp xảy ra. Một lần, đám thủ hạ của Cẩu xông vào nhà một nhà giàu ở phố Hàng Mắm, lấy đi nhiều của cải và bắt cóc một cô gái lớn. Cả nhà khóc lóc sợ hãi, đến cầu cứu quan để can thiệp nhưng quan trên cũng bất lực vì cũng sợ đám tàn quân nửa anh hùng, nửa thảo khấu này.

Nhưng có một ông già nghe chuyện bất bình, tự nguyện làm thuyết khách đến gặp Cẩu. Ông dùng lời lẽ vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn, đủ lễ nghĩa để thuyết phục. Cẩu nghe xong thì xuôi, lệnh cho thủ hạ thả cô gái kia ra và thậm chí từ đó hắn coi ông già như một người bạn tâm giao.

Kinh sư cai quản Kinh thành Thăng Long

Phố Mã Mây hiện tại có một đền thờ một vị quan nổi tiếng của kinh thành Thăng Long. Đó là Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) - người đỗ Hoàng Giáp từ năm 15 tuổi, đã phục vụ 5 đời vua Trần và là một nhà thơ, học giả danh tiếng đương thời.

Nguyễn Trung Ngạn đảm trách nhiều chức vụ trong suốt thời gian dài làm quan của mình, từng nghênh đón tay sứ giả nhà Nguyên đầy kiêu ngạo khiến hắn phải kính trọng. Nhưng có lẽ vị trí đáng nhớ nhất của Nguyễn Trung Ngạn là khi làm “Kinh sư đại doãn” cai quản Kinh thành Thăng Long. Nguyễn Trung Ngạn không phải người Thăng Long, ông là người huyện Ân Thi, Hưng Yên nhưng có 7 nơi ở Hà Nội có đền miếu thờ phụng.

Phải có một công đức lớn nào đó thì mới được người dân yêu quý như vậy. Viết đến đây, tôi bỗng dưng nhớ đến câu ca nói về việc này rất đáng ngẫm ngợi: “Thương dân, dân lập đền thờ/ Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương.” Chắc hẳn vị quan kia đã “thương dân”, làm được nhiều việc phúc đức cho dân thì mới được người dân kính trọng, ngưỡng mộ đến thế.

Chốn cờ bạc có phố nhà ngục khét tiếng thời trước

Cũng ở phố Mã Mây xưa, do vốn rất gần với cửa sông Tô Lịch - phố Chợ Gạo bây giờ - bến thuyền nhộn nhịp mà khách tứ chiếng đổ về rất nhiều. Mã Mây từng là nơi cờ bạc nổi tiếng thời trước, được dân anh chị, giang hồ chọn là nơi tụ tập. Mỗi dịp lễ, Tết các ổ bạc thậm chí đánh công khai luôn ngoài mặt phố. Vì tụ tập đông giới giang hồ nên các quán thanh lâu vì thế cũng không thiếu và thời đó, người ta gọi các cô gái làm nghề này là “con em cầm các”.

Chưa hết, Mã Mây còn nổi tiếng là nơi có nhà ngục trước khi người Pháp xây dựng Hỏa Lò. Từ số nhà 19 đến 33, vốn là nhà ngục được thực dân Pháp mua hoặc thuê lại, chúa ngục cũng ở nhà đối diện để tiện cai quản và trong ngục lúc nào cũng có vài trăm phạm nhân sắp mang ra xử tội. Khó có thể hình dung được con phố nổi tiếng với khách du lịch hiện nay đã từng có một nhà tù khét tiếng đông nghịt tù nhân, nhưng bây giờ những vết tích của ngục tối đã không còn, đi tìm dấu xưa, người cũ mà lòng không khỏi bồi hồi, nao nao một thời quá vãng.

Nhà văn Uông Triều

Ngôi nhà đặc biệt của một hội kín có lịch sử từ châu Âu

Mã Mây còn có một ngôi nhà đặc biệt nữa, đó là nhà số 37, là nơi đặt trụ sở của chi nhánh Hội Tam Điểm Bắc Kỳ, mà khi ấy được phiên sang một cái tên giản dị hơn: “Hội Huynh đệ Bắc Kỳ hoặc Hội Tương tế Bắc Kỳ”. Nên biết rằng Hội Tam Điểm (Franc-maçonnerie) là một hội kín có một lịch sử lâu đời từ châu Âu, thường tập hợp giới tinh hoa trí thức, có xu hướng làm các việc thiện nguyện.

Khi khánh thành trụ sở hội, chính hội này đã mượn phiên bản “Nữ thần tự do” (Tượng Bà đầm xòe) mới được triển lãm ở Nhà đấu xảo mang về trưng bày để thêm danh tiếng cho mình. Sau này trụ sở Hội Tam điểm được chuyển đến tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo và mới bị sụp đổ gần đây. Những thành viên từng tham gia hội kín này có thể kể đến các nhân vật lừng danh như vua Duy Tân, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Hoàng Minh Giám…

Phố giấu trong lòng mình những lịch sử, ký ức

Phố Mã Mây cong cong như một chiếc lược dịu dàng và hiện thời vẫn là một trong những phố có nhiều nhà cổ nhất ở Hà Nội. Đặc biệt nhà số 87 đã được bảo tồn để trở thành một ngôi nhà tiêu biểu của phố Hà Nội xưa. Đó là kiểu nhà ống, dài và hẹp, giữa nhà có một khoảng trống (giếng trời) để đón ánh sáng và làm không khí trong nhà thêm thoáng đãng, nhà vừa là nơi ở kiêm chỗ buôn bán.

Có thể hiểu rằng những ngôi nhà ống bây giờ không phải phát sinh gần đây, nó đã thừa hưởng một di sản lâu dài từ quá khứ. Đến thăm ngôi nhà này, thấy những cầu thang gỗ, sàn gỗ, giếng trời chợt gợi nhớ một thời xưa cũ của cha ông, chỉ tiếc rằng những nơi như thế này đang hao hụt, mất mát đi rất nhiều.

Phố Mã Mây thời bao cấp được biết đến bởi những hàng thịt chó nhưng giờ đi khắp phố cũng không tìm thấy hàng nào nữa. Mã Mây giờ có rất nhiều khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, khách du lịch đủ các màu da, ngôn ngữ. Phố vẫn giữ truyền thống như một nơi lưu trú, ăn chơi của khách bốn phương như lịch sử thuở ban đầu.

Đi trong lòng phố, ngắm những ngôi nhà cổ, tự hỏi đâu là nhà ngục cũ, đâu là trụ sở Hội Tam Điểm, chỗ nào gã Phùng Bá Cẩu xưa từng làm mưa làm gió một thời… Phố đã giấu trong lòng mình những lịch sử, ký ức để đôi khi người đương thời phải lật giở, hồi tưởng để không quên một thời thăng trầm, “thương hải tang điền” đã xa.