Đẹp hơn cả đẹp

ANTD.VN - Thực ra, cái đẹp vốn là nguyên khí tinh hoa ở trời đất. Khi nó kết tụ ở sơn thủy thì thành non xanh nước biếc. Khi kết tụ ở muông thú thì thành kỳ lân phượng hoàng. 

Đẹp hơn cả đẹp ảnh 1Thật đúng như từ điển định nghĩa “hình dáng khiến người ta muốn ngắm”

Tất nhiên, đẹp hơn cả đẹp vẫn chỉ là cái đẹp và được hầu hết các từ điển tiếng Việt định nghĩa là: “Tính từ. 1- người có nét mặt hình dáng khiến người ta muốn ngắm. Ví dụ, đẹp lão. 2- vật gì có đường nét hài hòa, màu sắc tươi tắn. Ví dụ, bức họa đẹp. 3- gây được sự kính phục sự ngưỡng mộ. Ví dụ, đẹp đôi hay cử chỉ đẹp”… Thế nhưng, nhiều người nhạy cảm kể cả chưa bao giờ háo sắc, thường hay nhầm lẫn cái đẹp là biểu tượng hiện thân chỉ có ở phụ nữ. 

Họ hấp tấp đau đớn suy diễn, đẹp tức là xinh, nên vội vàng gọi tất cả đàn bà là phái đẹp. Những người này (bao gồm thần tiên, vua chúa, văn nghệ sĩ lẫn lộn cả bình thường thảo dân), khi đủ dư dật, thành đạt, thăng hoa thì luôn thích trang hoàng lộng lẫy cuộc đời mình bằng thật nhiều mỹ nhân và mỹ nữ.

Chính vì thế, trong suốt chiều dài lịch sử buồn bã vô minh của nhân loại, các hoa hậu chẳng khi nào bị ế chồng, hoặc tệ hơn, bị lấy chồng nghèo. Các cô các bà trót có vẻ xinh xinh lại càng đinh ninh rằng, mình chính là “lô gô” của cái đẹp. Khát khao tưởng trong trắng vô tội này đã gây ra không ít các thảm họa khó lường, mà cuộc chiến xóa sổ thành Troy chỉ là một trong vô vàn những thí dụ kinh điển.

Theo bản dịch “Thần thoại Hy Lạp” của Nguyễn Văn Khỏa (NXB Giáo dục - 1963) thì ở một bữa tiệc xa hoa trên đỉnh Olympus, nữ thần bất hòa Eris đột ngột đưa ra một quả táo vàng trên vỏ khắc chữ “tặng người đẹp nhất”. Lập tức các quý bà, quý cô xô nhau đến nhận. Sau một vòng loại đầy sát khí rùng rợn, chung kết còn lại nhõn ba người. Nữ thần Hera phụ trách mảng quyền lực. Nữ thần Athena phụ trách mảng trí tuệ và chiến tranh. Nữ thần Aphrodite phụ trách phần tình yêu và sắc đẹp.

Trước ba quan chức hàng đầu của ba ngành mũi nhọn như vậy, các nam thần run rẩy (giống như một số quan chức ngày nay khi phải bị kê khai tài sản), đùn đẩy nhau thành lập ban giám khảo. Rồi họ khôn ngoan tháu cáy dụ được chàng Parix, một trần tục hoàng tử ngây thơ của thành Troy, nhận làm chủ khảo. Với lời hứa cho Parix lấy được Hellen, một thiếu nữ xinh nhất quả đất, nữ thần Aphrodite đã giành được quả táo. Khỏi phải nói hai quý bà còn lại nổi cơn tam bành như thế nào, và đấy là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc chiến hủy diệt thành Troy kéo dài mười một năm.

Tất nhiên, cái đẹp vốn mong manh, vốn hiếm hoi nhưng lúc nào cũng có. Biết trân trọng nâng niu và giữ gìn một cách sống đẹp, phải chăng đó chính là cái “đẹp hơn cả đẹp” mà chúng ta vẫn hằng ước ao đơn sơ khao khát.

Ở ta cũng có một cuộc chiến tương tự nhưng quy mô lớn và dai dẳng hơn nhiều. Đó là vụ tranh chấp giai nhân Mỵ Nương giữa thần núi Sơn Tinh và thần biển Thủy Tinh. Có thể Mỵ Nương chọn lấy thần núi chỉ vì đơn giản là nàng thích ăn các món thịt rừng nấu kỹ và ghét các món chế từ hải sản tươi sống. Không phải ngẫu nhiên mà khi đặt cho “mơ niu” cầu hôn, nàng chỉ toàn chọn voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, tuyệt đối không có tái. Văn chương 9X bây giờ kêu là “nàng đẹp thì nàng có quyền”. 

Cái đẹp nôm na bất hạnh đến thế sao. Thực ra, cái đẹp vốn là nguyên khí tinh hoa ở trời đất. Khi nó kết tụ ở sơn thủy thì thành non xanh nước biếc. Khi kết tụ ở muông thú thì thành kỳ lân phượng hoàng. Kết tụ ở hoa lá thì thành tử vi diêu bông, những thứ chỉ thấy thấp thoáng trong thiêng liêng thần thoại. Nhưng khi kết tụ ở người thì thường cụ thể thấy trong những nhân cách bình dị, cao cả đẫm đầy vị tha nhân văn. Vài hôm gần đây mạng xã hội đã nghẹn ngào dậy sóng khi một facebook đưa những ảnh hai vợ chồng già mười năm chăm sóc nhau ở bệnh viện. Cụ ông gầy gò thanh thản tựa vào vợ sau khi cụ bà đút cho cụ ông ăn thì dịu dàng ôm chặt lấy chồng. Hai cụ tuy sương khói nhăn nheo nhưng sao mà đẹp đôi đẹp lão. Thật đúng như từ điển định nghĩa “hình dáng khiến người ta muốn ngắm”. Có lẽ vì thế mà thành ngữ Việt điềm đạm răn dạy, “cái nết đánh chết cái đẹp”. Tiếc thay, câu thành ngữ sâu sắc đấy giờ đây chỉ thành câu cửa miệng cho các người đẹp ở vòng thi chung kết hoa hậu.

“Cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới”, đại văn hào người Nga Dostoevsky đã nồng nhiệt khẳng định thông điệp này trong liên tiếp những tác phẩm lớn nhất của mình. Sự cảm nhận day dứt của ông đã mang tính tiên tri. Chưa bao giờ thế giới từng tươi đẹp của chúng ta lại bị cảnh báo về ô nhiễm và băng hoại trầm trọng như  bây giờ. Cái đẹp và nhất là những cử chỉ đẹp mới thanh lọc được các cặn đọng. Tất nhiên, cái đẹp vốn mong manh, vốn hiếm hoi nhưng lúc nào cũng có. Biết trân trọng nâng niu và giữ gìn một cách sống đẹp, phải chăng đó chính là cái “đẹp hơn cả đẹp” mà chúng ta vẫn hằng ước ao đơn sơ khao khát.