"Đấu trường La Mã cổ đại" giữa lòng Hà Nội

ANTD.VN - Có lẽ điều ấn tượng nhất ở phố Hàng Đậu là ngã 6 con phố này có 1 tháp nước cổ với lịch sử hơn trăm năm thoáng trông rất giống với “Đấu trường La Mã cổ đại”. 

Tháp nước Hàng Đậu xây dựng năm 1894 là một công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp. Tháp hình trụ tròn, đường kính 19m, tính cả chóp là 25m, trên mái lợp tôn, xung quanh thân là những ô cửa nhỏ. Công năng của tháp là cung cấp nước cho khu vực nội thành Hà Nội thời Pháp thuộc và chính thức dừng sau năm 1954.

"Đấu trường La Mã cổ đại" giữa lòng Hà Nội ảnh 1Tháp nước cổ với lịch sử hơn trăm năm thoáng trông rất giống với “Đấu trường La Mã cổ đại”

Chuyện nhà văn với tháp nước 

Đã có nhiều người nhầm lẫn gọi tháp nước Hàng Đậu là “bốt Hàng Đậu” vì cứ ngỡ nó là một lô cốt cổ vì kiến trúc cửa tò vò, trông giống các lỗ châu mai. Nhưng thực ra ở khu vực này trước đây có một bốt cảnh sát lớn của người Pháp. Cùng với bốt Hàng Trống, bốt Hàng Đậu là 2 bốt cảnh sát lớn nhất nhì thời Pháp. Những người bị bắt bớ, phạm pháp thường bị đưa về các bốt này để tra xét. Chính nhà văn Tô Hoài một lần đi xe đạp buổi tối, xe không có đèn đã bị giữ về đây.

Nhà văn Vũ Trọng Phụng trong cuốn tiểu thuyết “Số đỏ” đã viết về những viên cảnh sát “minđơ”, “mintoa” đi tuần tra các phố và bắt phạt dân phố những tội như để chó chạy rông, tè bậy, cãi nhau…Có lẽ viết được những điều ấy phải là nhà văn chứng thực từ những bốt cảnh sát này. Nhưng người “quậy” nhất liên quan tới bốt Hàng Đậu thì phải kể đến nhà văn Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân trong một đêm say láng cháng, rét mướt đã đích thân gõ cửa bốt Hàng Đậu đòi gặp tay Chánh sở cẩm người Pháp để… bàn công việc. Tên Chánh sở cẩm người Pháp rất tức tối nhưng không thể quy tội nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” cho đi gọi những đồng hữu của Nguyễn Tuân để đưa nhà văn về…

"Đấu trường La Mã cổ đại" giữa lòng Hà Nội ảnh 2Tháp nước Hàng Đậu được xây dựng năm 1894, trước cả cầu Long Biên, nằm tại ngã 6 của các phố cổ Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu...

Ô Hàng Đậu

Phố Hàng Đậu là tuyến giao thông quan trọng trong thành phố, nằm trên con đường trục từ cầu Long Biên đi vào nội thành. Có lẽ vì thế cái tên Hàng Đậu có vẻ lấn lướt các tên phố khác. Tháp nước nằm ở ngã 6 nhưng được gọi là tháp nước Hàng Đậu và ngay cả một vườn hoa nằm giữa phố Phan Đình Phùng, Quán Thánh, được đổi tên là Vạn Xuân từ lâu nhưng hình như chỉ khi nào được gọi là “vườn hoa Hàng Đậu” thì người ta mới biết đến nó. 

Phố Hàng Đậu là một con phố được quy hoạch khá sớm. Phố chỉ dài hơn 200m nhưng có khá nhiều biệt thự cổ và đoạn giáp với phố Nguyễn Thiếp xưa kia từng có một cửa ô có kiến trúc gần giống Ô Quan Chưởng. Và như đã nói về sự lấn lướt tên gọi ở trên; cửa ô này có tên chính thức là Ô Phúc Lâm nhưng người dân thường gọi là Ô Hàng Đậu. Ô Hàng Đậu bị phá khi người Pháp lấy gạch xây đường dẫn lên cầu Long Biên.

"Đấu trường La Mã cổ đại" giữa lòng Hà Nội ảnh 3Tháp nước Hàng Đậu cung cấp nước cho khu vực nội thành Hà Nội thời Pháp thuộc và chính thức dừng hoạt động sau năm 1954

Dấu ấn một chí sĩ 

Phố Hàng Đậu còn lưu dấu ấn của một chí sĩ nổi tiếng là người cương trực. Đó là Tiến sĩ Lê Đình Duyên (1819-1878), người từng giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Đốc học Hà Nội. Chính ông Lê Đình Duyên là người đã ngăn cản Jean Dupis vẽ cổng thành Hà Nội. Nên nhớ rằng Jean Dupis là một lái buôn người Pháp, kẻ gây hấn khiến Pháp mang quân đánh thành Hà Nội. Lê Đình Duyên ngăn cản Jean Dupis và bị hắn hành hung. Chưa rõ Lê Đình Duyên ngăn cản Jean Dupis vẽ cổng thành Hà Nội vì lý do gì. Vì sự căm ghét cá nhân hay ngăn cản âm mưu kẻ ngoại quốc lập kế hoạch chiếm thành nhưng hành động phản kháng lúc đó, khi người Pháp chiếm ưu thế và Jean Dupis là một kẻ có thế lực lớn thì mới hiểu sự cương trực và lòng ái quốc của Lê Đình Duyên.

 Lê Đình Duyên về sau đã mở một ngôi trường ở phố Hàng Đậu. Ông có biệt hiệu là Cúc Hiên và ngôi trường mang luôn tên đó. Trường của ông có nhiều học trò theo học, ban đầu chỉ là mấy gian nhà tranh tre, mái lá, sau được các học trò gom góp xây dựng một ngôi nhà bằng gạch. Học trò của Lê Đình Duyên có nhiều người thành đạt, có thể kể đến Vũ Nhự, sau này cũng trở thành Đốc học Hà Nội.

Ở số nhà 51 phố Hàng Đậu có thời từng là nơi ở của 3 nhà văn có tiếng thời tiền chiến. Đó là Vũ Hoàng Chương lừng danh với tập “Thơ say”; Đinh Hùng với tập thơ “Mê hồn ca” và Ngọc Giao nổi tiếng với tập truyện “Cô gái làng Sơn Hạ”…

Hàng Đậu ngày nay

Thời Pháp thuộc, phố Hàng Đậu nổi tiếng bởi những cửa hiệu bán đồ gỗ thì bây giờ nơi đây lại được biết đến là trung tâm mua bán cá cảnh của Hà Nội. Dọc tuyến phố có rất nhiều cửa hàng bán cá cảnh và đồ dùng phụ trợ. Những bể cá rất lớn, sặc sỡ với những chú cả cảnh đủ màu sắc. Cá vàng mắt thô lố, cá rồng oai vệ, cá chọi hung hăng, cá hoả tiễn bơi nhanh như tên bắn... 

Phố xá khu vực này đông đúc, nhộn nhịp nhưng không phải cuộc sống lúc nào cũng màu hồng. Ngay dưới chân tháp Hàng Đậu trước đây luôn có 2 người đàn bà cao tuổi vô gia cư ngồi sát tường phố nhìn sang tháp nước với khuôn mặt u buồn. Trừ những ngày mưa lớn, giá cóng chứ khi nào cũng thấy 2 người đàn bà ngồi im lặng với vẻ cô đơn, nghèo khó. Tôi đã từng chứng kiến 2 bà trải áo mưa cùng một tấm chăn mỏng để qua đêm giá lạnh. Giờ thì không thấy bóng dáng 2 người đó đâu nữa. Hy vọng rằng những cảnh đời nghèo khó, cô đơn đã có một tổ ấm với gia đình hoặc một chỗ nào đó tươi sáng hơn hòa nhịp cùng sự nhộn nhịp, tươi vui nơi phố phường.