Có tiết kiệm mới mong ngẩng đầu lên được

ANTD.VN - Hôm qua tôi chứng kiến ông bố trẻ bên hàng xóm dạy con, thấy đúng là đáng nể. Thằng bé học lớp 4 xin mua cái bánh mì, nhưng ăn được già nửa thì chán quá, muốn bỏ đi, vậy mà cậu ta bắt con mình đứng ăn bằng hết.

- À, nhà đấy thì tôi lạ gì. Không chỉ ông bố đâu, bà mẹ cũng chặt chẽ lắm. Giàu mà keo kiệt, đi ô tô xịn nhưng mà mua bán cái gì cũng tính toán chi li, con cái ăn mặc tuềnh toàng, đôi dép phải rách hẳn mới cho thay. Bọn trẻ nhà đấy có bao giờ được ăn vặt, được mua đồ chơi thoải mái như con cháu nhà mình đâu.

- Thế là tốt chứ! Tôi vẫn phản đối cái cách hai đứa nhà tôi nuông chiều con chúng nó. Hàng ngày lũ trẻ thích gì cho nấy, thành ra chúng nó có biết coi trọng cái gì đâu? Có lần tôi đi chơi về mua cho cháu mấy cái bánh mà chúng nó để mốc ra chẳng buồn ăn. Đồ chơi thì rải từ nhà ra ngõ, lãng phí không biết bao nhiêu tiền. Đi nhà hàng thì gọi đồ ăn thức uống ê hề, đến khi đứng lên ra về vẫn thừa mứa.

- Những cái trên thì tôi không bàn cãi, nhưng chuyện vào nhà hàng, chả lẽ lại ăn hết sạch, người ta cười mình bần tiện. Xưa nay các cụ vẫn ý tứ, ăn gì cũng để lại một chút gọi là phép lịch sự.

- Bà đúng là cổ hủ, bây giờ vẫn còn suy nghĩ đấy. Chúng ta được thiên nhiên ưu đãi quá nhiều nên lối sống cũng phóng khoáng, lâu dần biến thể thành “vung tay quá trán”, nên cứ nghèo mãi. Trong khi các “con rồng châu Á” như Nhật Bản và Singapore vì xuất phát điểm khó khăn, không có gì nên dân họ đã hình thành thói quen tiết kiệm từ nhỏ, bây giờ mới được như vậy đấy. Đúng là lịch sự hão.