Cầu Long Biên, ai đã từng qua, thương nhớ còn không?

ANTD.VN - Thỉnh thoảng tôi vẫn vượt sông Hồng đi thăm thú đâu đó, con sông Hồng mùa nào cũng ngầu đỏ màu nồng đậm của phù sa, có lúc thì cuồn cuộn hung dữ, có khi thì thảnh thơi êm đềm.

Cây cầu mang trong mình những thăng trầm lịch sử Hà Nội 115 năm

Có nhiều cây cầu vượt sông Hồng nhưng nếu nói một cây cầu mang trong mình nhiều thăng trầm lịch sử, cũng như nét hào hoa của Hà Nội thì có lẽ không cây cầu nào sánh bằng cầu Long Biên. Suốt lịch sử hình thành và tồn tại của mình, hơn một trăm năm trôi qua, cầu Long Biên là chứng nhân quan trọng cho những thời khắc không thể nào quên của Hà Nội.

Ngược về lịch sử, cầu Long Biên là cây cầu đầu tiên được xây vượt sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên bây giờ. Đi qua cầu, bên phía Hoàn Kiếm người ta có thể dễ dàng nhìn thấy một một tấm biển sắt chạm nổi dòng chữ: 1899 - 1902; Daydé & Pillé, Paris. Hai chữ số đầu là năm xây dựng và hoàn thành cây cầu. Còn Daydé & Pillé là một công ty xây dựng của Pháp có trụ sở ở Paris có bản thiết kế được coi là phương án tối ưu nhất trong 6 công ty của Pháp tham gia đấu thầu xây dựng cây cầu lịch sử. 

Đi trên cây cầu thép có tuổi đời hơn trăm năm đến bây giờ vẫn dễ dàng nhận ra một quá khứ hào hoa của nó. Những dầm thép vươn cao đầy tinh tế và khỏe mạnh, kết cấu thép vừa tạo độ vững chãi cho cây cầu, vừa có sự lãng mạn, bay bổng từ bàn tay tài hoa của những kỹ sư đến từ Paris. Có thể nói tất cả những cây cầu xây trên đất Đông Dương thời điểm đó không cây cầu nào đẹp và độc đáo bằng cầu Long Biên.

Cầu Long Biên ban đầu được mang tên vị Toàn quyền đương nhiệm thứ sáu của Đông Dương: Paul Doumer, người cũng có một số phận đầy thăng trầm. Sau khi làm Toàn quyền Đông Dương (1897-1902), ông Paul Doumer trở về Pháp tiếp tục tham gia chính trị và trở thành Tổng thống thứ mười bốn của nước Pháp và bị ám sát sau chưa đầy một năm cầm quyền bởi một kẻ lưu vong người Nga loạn trí, năm 1932. Những năm tháng làm Toàn quyền Đông Dương đã được ông Paul Doumer ghi lại trong quyển hồi ký “Xứ Đông Dương” (đã được dịch sang tiếng Việt) chứa đựng nhiều tư liệu lý thú, đáng tham khảo.

Cái tên Paul Doumer đã lùi dần vào dĩ vãng sau năm 1954 khi cây cầu bắc qua sông Hồng chính thức mang tên Long Biên. 1954 cũng là thời điểm quân viễn chinh Pháp phải rút khỏi Hà Nội theo hiệp định Geneva và Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng.

Một bức ảnh đen trắng chụp chiều 9-10-1954 đã ghi lại được hình ảnh những người lính lê dương Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên. Để ngày hôm sau, 10-10-1954, Việt Minh chính thức tiếp quản Hà Nội. Tôi đã lần tìm theo dấu vết của bức ảnh lịch sử đó và thật kỳ lạ, hơn sáu mươi năm, những hình ảnh lịch sử của cây cầu gần như vẫn y nguyên.

Quân Pháp rút khỏi Hà Nội theo đường cầu Long Biên phía đầu đường Hàng Đậu, những con tiện tròn đều tăm tắp ở lan can đường dẫn lên cầu đã có rêu mốc thời gian nhưng vẫn còn nguyên vẹn, một chút tưởng lặng có thể hình dung ra quang cảnh của hơn sáu mươi năm về trước khi những lính viễn chinh Pháp mang vẻ lặng lẽ của những kẻ bại trận rút khỏi Hà Nội.

Nhà văn Uông Triều

Cầu Long Biên cũng là cây cầu chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh chống Mỹ. Trong lần đánh phá Hà Nội lần thứ nhất, máy bay Mỹ đã đánh phá cầu 10 lần, làm sập 7 nhịp và 4 trụ lớn.  Trong chiến dịch đánh phá lần thứ hai, các máy bay B52 đã dội bom xuống cầu 4 lần, phá hỏng hơn 1.000m cầu và 2 trụ lớn bị cắt đứt. Cây cầu đã phải oằn mình chống chịu bom đạn chiến tranh và ít ai ngờ bãi giữa sông Hồng ngay dưới chân cầu đã trở thành trận địa pháo chống lại máy bay Mỹ và những chỗ rộng trên cầu đã trở thành những ụ pháo cao xạ.

Mấy chục năm trôi qua, vết thương chiến tranh vẫn còn hằn rõ, nhiều dầm thép đã bị phá hủy và được thay thế bằng những những dầm thép quân dụng, nhiều khung thép vươn cao đầy tráng lệ đã vĩnh viễn không khôi phục được nữa. Những nét đẹp nhất của cây cầu chủ yếu bây giờ là đoạn phía Hoàn Kiếm và một đoạn ngắn bên phía Long Biên.

Nhưng cầu Long Biên không chỉ có những vết thương chiến tranh, cây cầu còn là điểm nhấn tinh tế giữa một màu xanh mướt mát của bãi sông Hồng. Chỉ qua mặt phố mấy chục mét đã trông thấy một màu xanh mịn của bãi giữa sông Hồng. Đất dưới bãi bồi ẩm màu mỡ nên cây cối tươi tốt quanh năm. Nước sông Hồng thì lừ lừ đỏ nhưng trên bãi là màu xanh của chuối tiêu, ổi găng, tre, ngô nếp, các loại rau cải, xà lách, rau thơm và rất nhiều lau lách, cây dại phất phơ trong gió lộng.

Trên cầu Long Biên có những lối đi xuống bãi sông. Đi xuống dưới vòm cầu nhìn lên sẽ thấy những khối đá vuông vức được những người thợ xưa lắp ghép rất khéo, nghe thấy tiếng tàu hỏa chạy xình xịch phía trên của tuyến đường sắt huyết mạch Hà Nội - Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc, lại thỉnh thoảng gặp một người công nhân đang đu mình hàn xì hoặc tán đinh, sơn sửa cho cây cầu.

Những buổi chiều muộn cầu Long Biên được nhuộm trong nắng đỏ là một cảnh lãng mạn tuyệt vời. Những dầm thép kiêu hãnh hoài vọng trong nắng tà, bao nghệ sĩ nhiếp ảnh tranh thủ chụp những khoảnh khắc đẹp nhất của cây cầu để làm tác phẩm nghệ thuật của mình. Vào buổi tối, nhiều nam thanh nữ tú thích đứng dựa vào thành cầu ngắm sông Hồng hoặc trao nhau những nụ hôn say đắm được thăng hoa thêm bởi gió sông lồng lộng. 

Đã có một thời các đôi uyên ương rất thích mang khóa tình yêu khóa vào lan can cầu. Khóa xong thì ném chìa xuống sông nhờ cất giấu kỷ vật của mình nhưng nhiều khóa quá thì cây cầu thêm nặng và đã có lúc người ta phải cắt bỏ những cái khóa để giảm sức nặng cho cầu.

Cây cầu cũng là con đường đi lại mưu sinh của bao người lao động. Buổi sáng phía bên bờ bắc thì người xuôi sang nhộn nhịp, buổi chiều thì bên phía bờ nam nhộn nhịp người đi về hơn. Chỉ cần nhìn hướng di chuyển của dòng người là biết bên nào là trung tâm thành phố. Và ở những khoảng rộng trên cầu thỉnh thoảng lại có một người bán hàng, nào là ngô, khoai, rau; vào mùa đông là những hàng ngô nếp nướng, khoai luộc thơm lừng… 

Cầu Long Biên, ai đã từng qua, thương nhớ còn không?