Bóng dáng một người Hà Nội

ANTD.VN - Ở những bức tranh của Nguyễn Khánh Toàn, dù lớn hay nhỏ ta thấy anh luôn luôn để tên mình vào một góc khiêm nhường với nét chữ chân phương, TOÀN, thế thôi.

Tranh của Nguyễn Khánh Toàn khao khát đi tới tính nhân văn

Anh sinh ra trong một gia đình làm ruộng, quê hương vùng lúa Thái Bình, đồng đất nghèo chất phác, có thể hiểu là ít truyền thống nghệ thuật, nhưng lại giàu lòng yêu nước, nhiều tướng lĩnh và thời nào cũng có anh hùng.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp, anh ở lại Hà Nội, lấy vợ sinh con và vẽ tự do, nghĩa là không nằm trong bất cứ một biên chế nào. Tự kiếm việc mà sống, vẽ tranh mà sống. Cùng một lúc ôm vào mình phần việc minh họa của vài tờ báo và tạp chí, làm nhanh rút nhanh, có chỗ mấy năm chưa kịp tính công xá, nhưng vẫn vui và hết mình trong công việc. Bạn đọc yêu quý, anh em vì nể. Chỉ có thể nói anh là một tài năng ngay trong những công việc tưởng như tầm thường nhất. 

Làm một họa sĩ âm thầm ngồi vẽ trong những đêm vắng, ở những căn buồng ít dễ chịu. Và cứ thế trở thành một người Hà Nội từ lúc nào chính anh cũng chẳng rõ. Khoan hòa rắn rỏi, tràn đầy khát vọng, lớn theo Hà Nội lớn, đẹp theo Hà Nội đẹp. Đi giữa muôn người lẫn giữa muôn người nào ai hay, mà cũng chả cần ai biết tới. Theo thời gian, tranh anh vẽ chất chật nhà, đến một lúc phải thuê nhà mà chất. Vài ba năm lại một lần bày tranh ở nhà 29 Hàng Bài.

Bày cho bạn bè gần xa đến mừng vui với mình, bày để đợi hàng phố tìm đến xem tranh với mong muốn vợi đi ít nhiều sự buồn tẻ thường ngày. Những bức tranh khiến người khó tính nhất cũng phải xiêu lòng đứng lại, nó kêu gọi mọi người biết tìm đến những vẻ đẹp gần gụi, biết sống gần gụi. Tràn ngập cảm xúc, sắc màu tươi sáng mới mẻ, một sức làm việc ào ạt không dễ có.

 Vào mấy năm cuối đời, Toàn ít ngồi vẽ ở nhà, căn nhà bỗng trở nên chật chội bởi hai ông con trai đang lớn bổng từng ngày. Anh lẳng lặng chui vào một ngõ vắng đầu đường Văn Cao, đứng nghển cổ nhìn qua bức tường thấy được một góc hồ Tây. 

Ném mình vào cô đơn, anh đang tới gần những bí mật của sự sáng tạo. Đến gần những bí mật của sáng tạo ấy là lúc sắp bùng nổ sáng tạo, cái ao ước thèm muốn của mọi họa sĩ

Hình như cùng với độ chín của tuổi tác, bút pháp anh chuyển nhanh sang siêu thực. Tuy nhiên cho dù là hiện thực, là tượng trưng, là ấn tượng, là siêu thực gì gì đi nữa, thì Toàn vẫn cứ là Toàn.

Tranh anh ngày càng đẹp và tất cả vẫn trong một quán xuyến chung, một tinh thần xuyên suốt: đó là sự khao khát đi tới tính nhân văn cao, âu yếm với cảnh với người và muôn vật quanh mình. Ném mình vào cô đơn, anh đang tới gần những bí mật của sự sáng tạo. Đến gần những bí mật của sáng tạo ấy là lúc sắp bùng nổ sáng tạo, cái ao ước thèm muốn của mọi họa sĩ.

Tháng 7-2011, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Lê Phi Phi, chỉ huy dàn nhạc Đài phát thanh Macedonia, Toàn nhận được giấy mời tham dự trại sáng tác hội họa quốc tế một tháng của hội họa sĩ bên đó. Thu xếp nhanh việc nhà, Toàn ra máy bay đi liền. Vừa đặt ba lô xuống là được mời lao vào vẽ ngay.

Hôm ấy, anh vẽ những hàng cây cổ thụ đầy ấn tượng dọc đường từ sân bay về thành phố. Rồi anh vẽ tiếp một hơi xong bức thứ hai, khu vườn. Là khu vườn trước cổng nhà sáng tác. Một họa sĩ già đứng nhìn anh vẽ gật gù quay lại nói với đám học trò, đây là một vị khách trẻ có đẳng cấp.

Chuyến đi đó anh đã để lại cho Macedonia 5 bức tranh khổ lớn. Vào mấy ngày cuối có ông chủ nhà máy bột mỳ đến đón Toàn về chơi nhà. Vợ chồng ông đều là người gốc Thổ, Toàn đã vẽ tặng ông bà mỗi người một bức chân dung. Chia tay ông quyến luyến bá vai Toàn, thế là cả thành phố này chỉ nhà tao có tranh của mày. 

Lại có ông khách người Bỉ tới thăm Hà Nội, một hôm được bạn đưa đến nhà Toàn, ngồi suốt cả buổi trước bức cá, lặng im như cá, lúc đứng dậy mới chịu nói một câu, lũ cá của Toàn biết nói chuyện. Rồi ông đòi mua bức đó mang về treo trong nhà.

Ở ngoại ô Amsterdam có ông Mathieu là một nhà sưu tầm tranh uy tín, đã hai lần bố con ông bay tới Hà Nội xem và mua tranh của Toàn. Giờ trong nhà họ vẫn đang lưu giữ nhiều tranh anh. Lần nào trước lúc ra về, ông cũng hẹn hò với Toàn, nhất định phải mang cả gia đình sang Hà Lan với ông một chuyến.

Ông yêu tranh Toàn và yêu con người Toàn. Nhận được tin Toàn qua đời do cô Giang - vợ Toàn gọi sang, ông đã khóc. Năm trước vào dịp giỗ đầu để tưởng nhớ Toàn, bố con ông đã tổ chức bày tranh anh trong nhà thờ ngoại ô thành phố. Ông đặt tên cho phòng tranh là “Tôi đã có một giấc mơ”. Thật sâu xa và nhiều ý nghĩa. Ngày khai mạc phòng tranh trước đông đảo khách mời, trong nghi thức tôn nghiêm mà vẫn ấm cúng, ông xếp cô Giang và hai cháu đứng bên cạnh mình. 

Một hôm, tôi đảo qua Hội Nhà văn ngồi một lúc với ông Ngô Thế Oanh quyền Tổng biên tập Tạp chí Thơ, nghe ông than phiền người làm thơ vẫn nhiều, ngày càng nhiều nhưng người mua tạp chí thì ngày một ít. Sự ế ẩm của thi ca là chuyện có thật. Rồi như sực nhớ ra ông Oanh nói, thế là đã sắp 3 năm ngày mất của Toàn, Tạp chí Thơ dù sao cũng phải có cử chỉ gì với họa sĩ chứ nhỉ.

Tôi bảo hay nhất là đưa bức siêu thực của Toàn đang treo ở nhà tôi lên bìa của một số mùa đông. Mấy hôm sau, ông Oanh cho người mang máy đến nhà tôi chụp bức tranh đó. Bẵng đi vài tháng, tạp chí có tranh của Toàn ngoài bìa được in ra, ông ấy gọi điện cho tôi nhờ mang giùm mươi tập đến cô Giang, vợ Toàn, thay cho nhuận bút. 

Hôm cô Giang tổ chức cuộc gặp mặt nhân ngày giỗ của Toàn tại chợ Hàng Da tôi không có mặt, chỉ có  con trai và con rể của tôi đến dự. Chúng nó cũng đều là bạn của vợ chồng Toàn. Nghe nói buổi lễ rất trang trọng, bạn bè thân hữu đến đông, ông bà và các em, các cháu của Toàn từ quê cũng lên. Đêm ấy có một cuộc bán đấu giá 4 bức tranh của Toàn, tiền thu được bao nhiêu chia đều để 2 tổ chức từ thiện giữ. Gọi là một chút tấm lòng của Toàn và gia đình dành cho trẻ nghèo, lúc ngồi vào bàn học có thêm giấy bút, bữa cơm có thịt.

Tôi nhớ sinh thời Toàn có thói quen ngồi vẽ là phải có tiếng nhạc cổ điển để nhè nhẹ, lúc ngả mình tạm nghỉ là vơ ngay lấy một tập sách được dịch qua tiếng Việt bàn về đạo Phật mà tác giả của nó là một nhà hiền triết khổng lồ nào đó. Anh là người mến Phật giáo. Có một người duy nhất thường xuyên trao đổi sách và bàn luận với anh đó là đạo diễn điện ảnh Đào Trọng Khánh giờ đang sống ở Hải Phòng. Gần đây, tôi có xuống Hải Phòng, tạt vào thăm bác Đào, giật mình thấy bạn mỗi năm một già nhưng càng già nom lại càng hao hao giống pho tượng A Di Đà.

Toàn thì chưa được thế, lúc qua đời anh vẫn đang là một họa sĩ trẻ trung đầy sức vóc, với một nụ cười tủm tỉm.

Họa sĩ Nguyễn Khánh Toàn