Bói dạo vỉa hè

ANTD.VN - So với vài tỉnh, thành lân cận, Hà Nội hiếm hoi có những người bói toán thành tiếng, nhưng thời nào cũng có khá đông đám đi bói dạo. Ở ngày này, khách quen uống trên các bãi bia ồn ào vỉa hè kiểu như Hải “xồm”, Lan “chín”, khi đã phê phê, thì thường có mấy chị sồn sồn tới gạ xem chỉ tay hay tướng mặt.

Đáng kể nhất là một bà áo khăn chải chuốt, tuổi ngoài lục thập môi choe choét ăn trầu đỏ. Giá xem chẳng hề đắt, khoảng chừng ba chai Trúc Bạch. Đúng sai hay dở chưa biết thế nào, chỉ biết thỉnh thoảng có những tay công chức khả kính đạo mạo vừa có vợ vừa có người tình, sau một hồi nghe bà ta nói bỗng dưng mặt tái mét loạng choạng đi về hướng nhà vệ sinh.

Nghề bói dạo ở Hà thành hiển nhiên đã có từ lâu. Sách cũ thời Lê mạt chép, khi chợ Cầu Đông họp (khoảng từ Hàng Đường đến phố Chợ Gạo bây giờ), luôn có một dãy dài dành riêng cho những ông hành nghề đoán số. Những ông này tuy không đồng phục nhưng ăn vận nhang nhác như nhau. Áo the nồng nàn mùi mồ hôi, khăn xếp tầng tầng cáu ghét.

Nhất loạt đeo kính “Phổ Nghi”, mắt tròn đem sẫm, chắc cũng có vài người mù thật. Trước mặt để một cái rương đen tróc sơn loang lổ, phía trong là cơm nắm là cút rượu và một cuốn “Tử Vi phú” sờn gáy lem nhem chữ Nho. Cái bài ca dao cổ lừng danh được nhiều người thuộc, kể chuyện một bà già đi cái chợ ấy có xin thầy một quẻ để lấy chồng.

Ông thầy vô danh đó quá giỏi. “Thầy bói gieo quẻ nói rằng. Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn”. Ngày nay phụ nữ càng có tuổi, càng văn minh, đương nhiên coi bói dạo là dị đoan mê tín. Có phải thế chăng mà giờ đây có nhiều cô dâu tuy mồm phều phào móm nhưng vẫn tự tin bước lên xe hoa.

Theo tâm sự của nhiều ông thầy bói dạo, xem số cho các quý bà quý cô là vừa dễ lại vừa khó. Với đa phần phụ nữ ở phố, mệnh số hao hao giống như thời trang, từng lúc từng khúc có rộng hẹp thay đổi. Thuở xa xưa, do còn nhiều trong trắng nên ít bị đi học, phụ nữ thường không phải khoe khôn đi làm văn, đi làm báo, đi làm kinh tế nên nói chung là “thờ chồng nuôi con đạo đàn bà”.

Hồi ấy xem tử vi cho các bà các chị dễ lắm. Ngoài ba cung Thân, Mệnh, Phúc chỉ cần thầy chú trọng vào Phu và Tử, hai cung này có nhiều cát tinh đắc trung đắc chính thì hiển nhiên O.K. Lúc bé vụng dại ngã sấp thì nhờ cha mẹ, lúc lớn cứng cáp lúng túng ngã ngửa thì nhờ hôn nhân. Vẫn ca dao Việt cổ chia sẻ “thân em như giọt mưa sa. Giọt rơi xuống giếng giọt ra ngoài đồng”. Lấy phải tay chồng hay “dọt” vợ thì do bị sao “vũ phu” chiếu. Còn may mắn mình “dọt” lại được nó là nhờ cung mệnh có sao “vũ nữ”. Bây giờ thời bình, đa phần đàn ông đều hiền lành, đám vũ phu ít lắm nên mệnh số chị em chợt nhiên khác. 

Xem tướng cho phụ nữ đương đại đã phức tạp, xem số cho họ lại càng phức tạp. Chồng con vẫn xem nhưng là thứ yếu. Phải xem thật kỹ cung Tài, cung Quan, cung Điền Trạch. Tài lộc có sao cổ phiếu không. Quan sự có sao giám đốc không. Điền thổ có sao sổ đỏ không. Nếu tìm không thấy thì chắc chắn là thầy bị nữ tín chủ xơi xơi mắng trả. 

Hình như do lẽ đó mà bây giờ một số thầy/cô bói dạo đành bỏ nghề, có vài người ưu tú nhất trong bọn họ xoay sang hành nghề ngoại cảm. Theo nhà nghiên cứu cận tâm lý Đỗ Kiên Cường thì ngoại cảm là “khả năng nhận thông tin không bằng năm giác quan thông thường, bao gồm bốn hiện tượng.

Một là thần giao cách cảm (giao tiếp trực tiếp giữa các bộ não hay là khả năng đọc ý nghĩ). Hai là tiên tri (khả năng biết trước được các sự kiện tương lai). Ba là hậu tri (thu nhận thông tin xảy ra trong quá khứ, ví như đọc ý nghĩ của người đã chết). Bốn là thấu thị hay thấu thính, thu nhận thông tin ngoài tầm với của thính hay thị giác”. Theo vỉa hè đồn đại, nghề ngoại cảm phảng phất gần như khoa học, nên người nghiêm túc thường phải có giấy chứng nhận từ một trung tâm nghiên cứu nào đó. 

Bản chất của thị dân là luôn tò mò muốn biết trước tương lai. Có điều, biết trước cũng chẳng để làm gì, khi mình vẫn vô minh loay hoay trong “tham, sân, si”. Nhà tiên tri vĩ đại nhất của người Việt là cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi để lại những lời khuyên cũng thường điềm đạm. “Giữ khí, gìn tinh lại dưỡng thần. Ít lo ít nghĩ, ít lao thân. Cơm nên vừa bụng đừng nhiều vị. Rượu chớ quá từng, chỉ vài phân”. “Sấm” của cụ, tuy hơi khó hiểu, nhưng tựu trung cũng giản dị như thế.