Áo, khăn chống rét ở Hà Nội xưa

ANTD.VN - Trong cuốn “Lịch sử chính trị tự nhiên xứ Đàng Ngoài”, thầy tu Richard, người sống ở Thăng Long mấy chục năm trong nửa cuối thế kỷ XVIII viết: “Vào mùa đông, các cô gái ở Thăng Long mặc nhiều áo, chiếc áo bên ngoài có màu nhã che các lớp áo bên trong là các màu sặc sỡ”.

Khăn ấm, áo rét trong gió lạnh đầu đông

Mô tả của Richard phù hợp với câu ca dao “Người thì mớ bảy mớ ba/ Người thì áo rách như là áo tơi”. “Mớ bảy, mớ ba” không phải là kiểu áo mà là mặc ba hay bẩy áo tứ thân để chống lại cái rét căm căm mùa đông miền Bắc. 

Cũng giống như ở thôn quê, mùa đông đàn bà con gái Thăng Long cũng chít khăn mỏ quạ che đầu. Khăn là một vuông vải nhuộm đen hay nâu. Nhưng đàn bà các gia đình trung lưu ở Thăng Long thay vì chít khăn bằng vải thường, họ dùng khăn bằng gấm hay sa tanh. Con gái thì “mớ ba, mớ bảy” còn đàn bà các gia đình bình dân thì mặc áo bông trần.

Áo làm bằng lớp bông dàn mỏng, thay vì trần bằng vải màn như chăn bông, người ta dùng vải dày màu đen hay nâu rồi trần hình quả trám. Làm xong từng miếng, thợ mới cắt những miếng đó làm thân, tay rồi khâu thành áo. Loại áo chống rét này được bán ở phố Hàng Bông cùng với chăn bông.

Tuy nhiên, áo bông trần hở cổ, không có khuy nên các bà, các cô thắt thêm dây lưng vừa giữ hai vạt khép lại cho gió khỏi lùa, vừa làm duyên và dây lưng cũng để bọc tiền bên trong. Đàn bà các gia đình trung lưu thì khác hơn, lớp vải ngoài áo bông bằng sa tanh trơn, sang nữa thì dùng gấm hoa. 

Trong cuốn “Chuyện kể ven dòng sông Tô” (thực chất là gia phả của dòng họ Nguyễn Đình ở Hạ Thái, Thanh Trì, định cư ở Thăng Long từ thế kỷ 17 rất thành đạt trong buôn bán và học hành), tác giả Viên mai Nguyễn Công Chí kể lại chuyện một bà tổ trong họ đã sáng tạo ra những chiếc áo rét kiểu cách nhưng rất trang nhã. Khi bà mặc ra phố, nhiều vợ quan thấy đẹp đã đến xin mẫu để may. Thăng Long lại còn có áo từ Trung Quốc sang được gọi là áo bông Tầu, kiểu dáng cơ bản như áo bông trần nhưng khác là có khuy vải đến tận cổ, màu sắc phong phú. 

Áo chống rét của đàn ông Thăng Long cũng làm bằng bông nhưng khác với đàn bà ở chỗ không có tay, múi trần cũng hình quả trám nhưng to hơn. Áo trấn thủ của bộ đội thời kháng chiến chống Pháp có xuất xứ từ áo bông này, có khác là áo trấn thủ cài khuy còn áo bông có dây buộc bên hông. Bên trong áo bông, bên ngoài áo lương, loại áo dài đến đầu gối là có thể chống chọi với cái lạnh. Có áo chống rét nhưng thời xưa lại không có quần chống rét. Những hôm trời lạnh hơn thì họ mặc 2 có khi 3 cái quần ta.   

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Cuối thế kỷ XIX, người Pháp chiếm Hà Nội, để chống chọi với cái lạnh có độ ẩm cao, họ mang sang chăn len, chăn sợi, chăn lông cừu, các kiểu quần áo chống rét. Ra đường, đàn ông thường mặc áo vest, áo măng tô, khăn quàng cổ, đi giầy da, chân mang tất, đầu đội mũ.

Phụ nữ Pháp cũng mặc áo măng tô, áo len, áo sợi đan, áo vest một lớp, hai lớp kèm theo khăn mỏng vừa che ấm cổ vừa làm duyên. Lại thêm tất sợi hay tất len, găng tay và đội thêm chiếc mũ bằng vải mềm kiểu cách. Thấy văn minh và ấm áp nên đàn ông, đàn bà các gia đình trung lưu, công chức viên chức đi làm cũng mua dùng. Còn dân nghèo thành thị thì vẫn mặc những chiếc áo chống rét truyền thống. 

Thời bao cấp, nhiều khối (tương ứng với phường ngày nay) ở Hà Nội có tổ đan len. Thành viên trong tổ là phụ nữ đủ mọi lứa tuổi. Họ đan gia công cho xí nghiệp len và các sản phẩm này được xuất khẩu sang Liên Xô (cũ). Sản phẩm đủ loại gồm khăn, áo trẻ con, áo người lớn.

Theo yêu cầu của xí nghiệp, có áo đan trơn, có áo thì đan cốt, lại có khi pha màu và thêm họa tiết. Màu cũng đa dạng, trắng, đỏ, tím than, xanh cổ vịt... Thường khi nhận len, thế nào cũng dôi ra một ít. Thế nên các bà dành dụm góp lại đan cho con cái áo. Cái áo nhiều màu con gái mặc chả sao nhưng con trai thì xấu hổ chỉ mặc bên trong. Khi len rão lại tháo ra đan lại, cái áo chuyển từ đứa lớn sang đứa bé.

Mùa đông giá buốt lạnh thấu xương, một cái áo len không đủ ấm nên bên ngoài phải có thêm cái áo dầy. Đó là áo bông. Áo bán ở bách hóa. Bên trong là cốt bằng bông trần một mặt, còn mặt kia là vải. Cốt được lồng trong vỏ bằng vải ka ki,  thường là màu xanh công nhân.

Khi vỏ áo bạc thì mang nhuộm, vì không có xà phòng nên nhà nào cũng nhuộm màu tím than hay màu đen. Vì ai ai cũng áo bông nên phố mùa đông dẫu có nắng vẫn có cảm giác tối. Ngoài phố còn có người mặc áo đại cán, loại áo dành cho sỹ quan quân đội. Chắc họ có người nhà là quân nhân.

Và thời bao cấp, đàn bà con gái Hà Nội cũng mặc áo đại cán gọi là đại cán nữ, may bằng vải ka ki các màu, người trung tuổi thì may túi thẳng cho đứng đắn còn thiếu nữ thì túi chéo cho điệu đàng. Đầu những năm 1970, chị em còn có thêm loại áo may bằng vải nilon có hai lớp với màu được chuộng nhất là cá vàng. 

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cán bộ vào Nam công tác, bộ đội phục viên xuất ngũ mang ra Bắc áo mút cổ lọ. Mùa đông, chị em Hà thành mặc áo mút bên trong, bên ngoài khoác áo nilon 2 lớp được cho là đúng mốt. Tuy nhiên, áo chống rét có sự thay đổi lớn trong những năm 1980 khi lao động xuất khẩu ở Đông Âu gửi về len, áo măng tô, áo lông Đức, Tiệp Khắc đã thay thế cái áo bông tối màu và áo đại cán. Thành phố đã khác, sáng hơn.