Lỗ do chênh lệch tỷ giá, chưa tính vào giá điện

ANTĐ - Chiều 4-9, tại cuộc họp báo thường kỳ, đại diện Bộ Công Thương cho biết, chênh lệch tỷ giá đã tạo ra khoản lỗ “khổng lồ” cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Tuy nhiên, điều này đang được tính toán và chưa đề xuất để tăng giá điện.

Lỗ do chênh lệch tỷ giá, chưa tính vào giá điện ảnh 1Giá điện có tác động lớn đến sản xuất và sinh hoạt

Điện lỗ hàng nghìn tỷ đồng do tỷ giá

Thông tin về cuộc họp giao ban trực tuyến tháng 8-2015 tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM ngày 3-9, Bộ Công Thương cho biết, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc TKV cho hay, tập đoàn đã phát sinh khoản lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá. “Do vậy, TKV đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét cho tính khoản chênh lệch tỷ giá này vào giá thành điện”- ông Vũ Anh Tuấn nói. Phản ánh về vấn đề này, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho rằng, chênh lệch tỷ giá cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chỉ tiêu tài chính của PVN, ước tính sản lượng điện do tập đoàn này cung cấp cho lưới điện quốc gia đến thời điểm hiện nay là trên 100 tỷ kWh. 

Là đơn vị sản xuất, cung ứng điện lớn nhất, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: “Chênh lệch tỷ giá  ảnh hưởng đến lĩnh vực điện là rất lớn. Riêng tỷ trọng điện của TKV chiếm 10-15% toàn hệ thống đã phát sinh lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng. Nếu cộng tất cả các con số mà cả TKV và PVN đưa ra trong lĩnh vực điện thì khả năng khoản phát sinh lỗ do tỷ giá có thể gấp hơn 10 lần con số 1.200 tỷ đồng do TKV thống kê”. Hiện tại, EVN đang thống kê ảnh hưởng của những biến động về tỷ giá trong thời gian qua để báo cáo Bộ Công thương. 

Phản ánh trên về chi phí đầu vào giá điện đã đặt ra băn khoăn: Liệu giá điện có tăng trong thời gian tới để bù đắp cho những khoản lỗ “khổng lồ” này?

Vẫn đang xem xét

Trao đổi với báo giới chiều 4-9, ông Đinh Thế Phúc - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, các doanh nghiệp có hoạt động vay vốn ngoại tệ để đầu tư hoặc nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất đều chịu ảnh hưởng bởi tỷ giá. “Cục Điều tiết Điện lực đã yêu cầu các đơn vị phát điện tính toán chênh lệch tỷ giá. Trong trường hợp chênh lệch do yếu tố này, chúng tôi sẽ cùng Bộ Tài chính tính toán phương án giải quyết. Hiện nay chúng tôi vẫn đang nhận báo cáo từ các đơn vị và chưa có đề xuất nào với cấp trên về vấn đề này”.

Cũng theo ông Đinh Thế Phúc, Cục Điều tiết Điện lực đang chỉ đạo EVN tính toán phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện. Tháng 8 vừa qua, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương về vấn đề này. Trong tháng 9, các cơ quan liên quan sẽ tổ chức hội thảo, lấy ý kiến về biểu giá bán lẻ điện mới và dự kiến tháng 10 sẽ báo cáo kết quả với Bộ Công Thương.

Liên quan đến việc giá dầu xuống thấp liệu có khiến giá thành sản xuất điện giảm không, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, do chỉ có 1% sản lượng điện sản xuất ra liên quan đến dầu nên việc giá xăng dầu xuống thấp không ảnh hưởng đến giá điện. Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, điện là mặt hàng thiết yếu, nhạy cảm nên bắt buộc phải đảm bảo nguồn cung. “Khi tăng giảm giá điện, Bộ Công Thương phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các bộ ngành liên quan để xem xét”- ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc Trung Quốc phá giá đồng NDT tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu (dệt may, da giày…) tiếp cận nguồn nguyên liệu giá rẻ, tăng sức cạnh tranh. Đối với các hàng hóa khác, đặc biệt là nông sản, ở thời điểm hiện tại chủ yếu xuất khẩu qua đường tiểu ngạch nên những biến động vừa qua chưa tác động lớn. Tuy nhiên, về lâu dài, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sắn, cao su sẽ bị ảnh hưởng.