iPhone đời mới giá bèo: Ham rẻ dễ vớ nhầm "táo đắng"

ANTĐ - Chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng, mỗi cá nhân có thể sở hữu 1 chiếc iPhone đời mới nhất - thông tin này hiện vẫn được khá nhiều người quan tâm, đặc biệt là nhiều bạn trẻ mặc dù nguy cơ rủi ro là khá cao.
iPhone đời mới giá bèo: Ham rẻ dễ vớ nhầm "táo đắng" ảnh 1

"Công nghệ" dựng iPhone giả ngày càng tinh vi

Tiền nào của nấy

Tại Việt Nam hiện nay, iPhone là một trong những thương hiệu điện thoại di động được ưa chuộng và tiêu thụ mạnh nhất. Đó cũng là nguyên nhân khiến sản phẩm này bị làm giả ngày càng nhiều. Dạo một vòng qua các điểm bán điện thoại trên địa bàn Hà Nội, khách hàng tha hồ lóa mắt vì những băng rôn ghi dòng chữ “giảm giá sâu, khuyến mại khủng”. Niềm tin của khách hàng càng được củng cố hơn khi những nhân viên bán hàng tại những điểm này khẳng định như đinh đóng cột: “đây là hàng xách tay, có bảo hành”.

Là một nạn nhân của iPhone rởm, chị Lê Thu Hoài ở nhà CT4 - Khu đô thị mới Xa La, quận Hà Đông chia sẻ, cách đây 2 tuần, chị đã mua một chiếc điện thoại iPhone 5 qua mạng với giá 1,5 triệu đồng. Tuy vậy, khi về nhà cắm sạc pin, chị thấy điện thoại rung lên bần bật rồi tắt ngúm. Gọi điện cho người bán hàng, chị Hoài nhận được câu trả lời: “Hàng đã hết thời hạn đổi trả.

Mặc dù vậy, bên bán vẫn linh động đổi cho chị máy khác nhưng là máy đã qua sử dụng”. “Ngậm bồ hòn làm ngọt”, chị Hoài đành chấp nhận mang chiếc điện thoại này về dùng, song chất lượng âm thanh và hình ảnh của máy rất  kém, pin cũng chỉ được nửa ngày là hết.

Không chỉ chị Hoài mà nhiều người khác khi mua điện thoại iPhone giá rẻ về cũng gặp trường hợp tương tự. Hiện trên thị trường, loại máy bị làm giả nhiều nhất là iPhone 4, iPhone 4S, iPhone 5. Cách thức làm giả ngày càng tinh vi, được nâng cấp theo đời máy. Điều đáng nói là, giá của những chiếc iPhone giả chỉ bằng 1/3-1/2 giá sản phẩm cùng dòng là hàng chính hãng. 

Thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng lừa đảo, bán iPhone giả trên mạng.

Thủ đoạn của các đối tượng này là đăng tin rao bán iPhone chính hãng với giá rẻ, sau đó lợi dụng sơ hở của khách để tráo hàng thật thành hàng giả. Ngoài ra, có đối tượng còn giả dạng là người bán hàng rong, vé số... vô tình nhặt được điện thoại iPhone nhưng không biết cách sử dụng nên nhờ người khác hướng dẫn, rồi gạ bán lại với giá thấp. Do ham rẻ nên không ít người đã sập bẫy. 

Trên thị trường hiện nay, ngoài hàng chính hãng còn có iPhone xách tay với giá bán thấp hơn hẳn, không ít sản phẩm trong số đó là hàng “dựng”. So với hàng chính hãng, những sản phẩm này không được bảo hành từ hãng Apple, phụ kiện đi kèm chất lượng thấp, máy dễ trục trặc, pin kém, màn hình cảm ứng không nhạy…

Kiểm tra kỹ trước khi mua hàng

Về cách phân biệt iPhone thật và giả, theo kỹ sư Phan Hà Anh - Học viện Bưu chính Viễn thông, nhìn bề ngoài, thiết kế của iPhone giả khá thô sơ, thiếu tinh xảo, có một số điểm không khít. Nếu không phải là hàng “xịn”, phím Home của iPhone khá thô, lõm xuống và thường có khe so với với phần vỏ bên cạnh máy. Trước khi nhận hàng, người mua cần lật mặt sau thử gỡ nắp máy.

Do iPhone thật chỉ tháo được nắp sau khi mở 2 ốc vít phía đuôi máy và pin dính liền không tháo ra được nên với những máy có thể gỡ nắp sau và tháo pin dễ dàng thì chắc chắn là iPhone giả. Ngoài ra, iPhone thật không có thẻ nhớ ngoài, khay SIM, lỗ đeo dây, bút, nút âm lượng không có dấu “+” ,“-“, không sử dụng được 2 sim 2 sóng. Khi sử dụng camera chụp ảnh, nếu máy cho hình ảnh chất lượng tốt, màu sắc trung thực và rõ nét thì đó là hàng chính hãng. 

Nếu là iPhone thật, khi nhập dãy số IMEI gồm 15 chữ số vào hệ thống Apple sẽ đưa ra thông tin cho người dùng biết đây là chiếc máy iPhone thế hệ nào và còn trong thời gian bảo hành hay không. Vì vậy, nếu nhập dãy IMEI vào nhưng không có kết quả trên hệ thống thì sản phẩm đó đã được dựng lại hoặc báo mất. Về trọng lượng, máy thật thường nặng hơn máy giả. Tuy vậy, điểm phân biệt rõ nhất chính là giá cả. Không thể có 1 chiếc iPhone đời mới nào lại có giá vài ba triệu đồng.

Về phần mềm, hầu hết iPhone giả hiện nay đều chạy hệ điều hành Android thay vì iOS. Icon hiển thị trên màn hình khá lòe loẹt, không sắc nét và cảm ứng không nhạy. Khách hàng cũng có thể vào phần cài đặt để xem thông tin về điện thoại với các thông số như hệ điều hành, dung lượng bộ nhớ trong. Để tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng, người dùng nên đến các đại lý chính hãng để đặt mua, đề nghị cung cấp phiếu bảo hành và yêu cầu được đổi trả lại thiết bị khi lỗi do phần cứng như sóng yếu, PIN kém, sạc pin không vào hay máy thường xuyên tự động tắt nguồn…